Nhìn lại chặng đường đã đi qua, Công đoàn giáo dục (CĐGD) huyện Thái Thụy vinh dự tự hào có được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, công đoàn các cấp, sự phối kết hợp chặt chẽ với chính quyền đồng cấp; hoạt động CĐGD huyện ngày càng phát triển, có nhiều đóng góp to lớn trong việc thực hiện các nhiệm vụ của công đoàn ngành giáo dục.
Hiện tại, CĐGD huyện Thái Thụy có 149 công đoàn các đơn vị, trường học. Trong đó có: 49 Công đoàn trường Mầm non, 48 Công đoàn trường Tiểu học, 48 Công đoàn trường Trung học cơ sở (THCS), 2 Công đoàn Trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), 1 Công đoàn Trung tâm kĩ thuật hướng nghiệp - dạy nghề (TTKTTHHN-DN) và Công đoàn Phòng giáo dục, với 3495 đoàn viên.
Để có sự phát triển đi lên, hàng năm, hoạt động của tổ chức công đoàn các đơn vị trường học đã thực hiện tốt các chương trình công tác. Các cấp công đoàn luôn đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục tư tưởng, động viên đoàn viên công đoàn không ngừng nâng cao trình độ, năng lực, lí luận chính trị. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nó tác động trực tiếp đến nhận thức tư tưởng của cán bộ, giáo viên, nhân viên (CBGV-NV). Công đoàn phối hợp chặt chẽ với chuyên môn, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, tổ chức tốt việc học tập các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, của công đoàn cấp trên, của ngành. Công đoàn đã phối hợp với chuyên môn và các đoàn thể khác trong đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức sáng tạo, linh hoạt qua các đợt học tập theo quy mô tổ, khối, toàn trường, cụm trường, huyện... với các hình thức nghe giảng bài, xem phim tài liệu, tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề, thi tìm hiểu và nhiều hoạt động khác nên nhận thức về chính trị tư tưởng của cán bộ đoàn viên CĐGD huyện ngày càng được nâng cao. Trung bình mỗi năm khoảng 120 đoàn viên công đoàn được kết nạp vào Đảng, 250 đoàn viên công đoàn được cử đi học lớp tìm hiểu về Đảng (đến nay đã có 2125 đảng viên trong tổng số CBGV-NV trong ngành, đạt tỷ lệ: 61%) và xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương tiêu biểu trong các hoạt động, xứng đáng để đồng nghiệp noi theo. Bên cạnh đó, các công đoàn cơ sở cùng với chuyên môn động viên CBGV-NV tích cực tự học, tự rèn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Mỗi CBGV xây dựng cho mình kế hoạch học tập cụ thể để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, trình độ tin học phục vụ cho công tác giảng dạy và các hoạt động giáo dục, đáp ứng yêu cầu chuẩn nghề nghiệp nhà giáo và chuẩn cán bộ quản lí giáo dục với nhiệm vụ được giao theo quy định của Bộ GD& ĐT. Trình độ trên chuẩn của CBGV-NV trong các ngành học của huyện tăng qua từng năm (năm học 2007- 2008: 36%, đến năm học 2011-2012 : 72,7%, (5 năm tăng 46,7%). Có 7 cán bộ giáo viên (CBGV) đã và đang hoàn thành chương trình đào tạo Thạc sĩ. Năm 2010, cuộc thi E-learning cấp toàn quốc, Thái Thụy là huyện có số bài dự thi cao nhất và đạt 9 giải, xếp thứ nhất toàn quốc. Đến năm học 2011-2012 có trên 60% CBGV biết soạn giáo án trình chiếu, 40% CBGV biết thiết kế bài giảng điện tử E-learning. Hội thi thiết kế bài giảng E-learning và Bản đồ tư duy cấp huyện có 2218 sản phẩm tham gia, trong đó 1827 sản phẩm E-learning hoàn thiện, đang tiếp tục chỉnh sửa để gửi tham dự cuộc thi cấp Quốc gia.
Công đoàn các trường học luôn phát huy tốt chức năng đại diện chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho đoàn viên công đoàn. Thường xuyên quan tâm đến việc giám sát thực hiện các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước đối với CBGV: như việc nâng lương, phụ cấp, chế độ bảo hiểm xã hội, các chính sách ưu đãi đối với lao động nữ. Việc công khai dân chủ trong các nhà trường đã giúp CBGV kiểm tra giám sát được các chế độ đãi ngộ cho chính bản thân mình, được hưởng quyền bình đẳng trong cống hiến và hưởng thụ, chế độ thưởng phạt phân minh tạo nên không khí đoàn kết vui vẻ trong các nhà trường.
Hằng năm, 100% các tổ chức công đoàn xây dựng các loại quỹ như: Quỹ thăm hỏi, hiếu hỉ, quỹ khuyến học, quỹ tham quan du lịch... Đặc biệt xây dựng quỹ tương trợ nội bộ, hàng tháng cho những người khó khăn cần chi tiêu lấy trước, tạo điều kiện cho họ có vốn cùng với gia đình làm kinh tế hoặc mua sắm. Tổng quỹ trong toàn ngành mỗi năm lên tới hàng tỷ đồng. Ngoài việc quan tâm cải thiện đời sống vật chất, 100% công đoàn các đơn vị trường học phối hợp với chuyên môn tổ chức các đợt tham quan du lịch, tạo cơ hội cho CBGV vừa được nghỉ ngơi, vừa có dịp tìm hiểu về các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của đất nước, được giao lưu học hỏi với công đoàn bạn. Đặc biệt, năm 2012, CĐGD huyện tổ chức cho cán bộ công đoàn các trường học đi dâng hương tại di tích Quốc gia Đền Hùng và K9; tổ chức giao lưu trao đổi kinh nghiệm hoạt động với Công đoàn Giáo dục thành phố Hạ Long - Quảng Ninh…
Năm 2011, hưởng ứng cuộc thi văn nghệ do Sở GD&ĐT và Công đoàn ngành phát động để chào mừng Đại hội Đảng các cấp, chào mừng 60 năm Công đoàn Giáo dục Việt Nam, CĐGD Thái Thụy đã tổ chức Hội diễn văn nghệ quần chúng từ cấp trường, cấp cụm đến cấp huyện với sự tham gia sôi nổi, nhiệt tình của tất cả CBGV và có nhiều tiết mục đặc sắc để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả. Hội thi Văn nghệ cấp tỉnh, đoàn Thái Thụy xếp thứ 2/8 huyện và thành phố và được chọn 1 tiết mục tham gia giao lưu cấp toàn quốc, đạt huy chương Bạc. Dịp 20/11, kỉ niệm những ngày lễ lớn ở các đơn vị, các cụm trường, công đoàn và chuyên môn có nhiều hoạt động văn nghệ thể thao sôi nổi như thi đấu cầu lông, bóng đá, bóng bàn... Cũng trong dịp này, nhiều đơn vị làm báo tường, báo ảnh, tập san với nội dung tôn vinh ngành Giáo dục, tôn vinh đội ngũ người thầy. Với số lượng nữ chiếm trên 80% nên những ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 được đặc biệt quan tâm. Những ngày này, ở các cơ sở có nhiều hoạt động mang đậm màu sắc giới như: Ban nữ công CĐGD huyện tổ chức Hội thảo về phong trào “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”, nói chuyện chuyên đề về người phụ nữ trong thời kì đổi mới. Các trường, cụm trường tổ chức thi nấu ăn, thi cắm hoa, thi văn nghệ thể thao, thi nữ công tài năng duyên dáng, …các hoạt động này đã tạo không khí vui tươi, thoải mái cho chị em nữ, tạo điều kiện cho chị em có thêm nhiều kiến thức, kĩ năng trong cuộc sống.
Giáo viên và học sinh chào mừng đại hội
Phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” trong nhiều năm qua được tiếp tục duy trì và đẩy mạnh xuyên suốt năm học, là nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường. Công đoàn cùng với chuyên môn cụ thể hóa nội dung “Hai tốt” vào các đợt thi đua theo chủ đề, động viên khuyến khích CBGV đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới công tác quản lí, sử dụng tốt các phương tiện thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học… Các đơn vị thường xuyên tổ chức các chuyên đề về phương pháp giảng dạy bộ môn, Hội thi giáo viên giỏi, tổ chức thi ứng dụng công nghệ thông tin, thi đồ dùng dạy học tự làm Mỗi năm có hàng ngàn sáng kiến kinh nghiệm, đề tài khoa học được CBGV tham gia dự thi. Rất nhiều sáng kiến kinh nghiệm, đề tài khoa học được áp dụng phổ biến rộng rãi trong huyện, tỉnh. Năm học 2011-2012 thầy giáo Phạm Đức Phiệt, Trưởng phòng GD & ĐT được đề nghị Nhà nước tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và Tổng LĐLĐ Việt Nam công nhận Bằng lao động sáng tạo, thầy giáo Đỗ Trường Sơn, Phó trưởng phòng, thầy giáo Nguyễn Mạnh Thường, chuyên viên phòng đạt giải xuất sắc cấp tỉnh về đề tài Công nghệ thông tin, cô giáo Nguyễn Thị Minh Thảo là một trong bốn cán bộ quản lí của Thái Bình tham dự giao lưu cán bộ quản lí giỏi toàn quốc bậc Tiểu học.
Từ năm 2008 đến năm 2011, nhiều đồng chí vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu cao quý, trong đó có: 3 đồng chí được phong tặng nhà giáo ưu tú, 3 đồng chí được tặng Huân chương lao động hạng Ba, 8 đồng chí được Thủ tướng chính phủ tặng Bằng khen, 34 đồng chí được Bộ trưởng Bộ GD & ĐT, UBND tỉnh tặng Bằng khen. Trung bình mỗi năm có 170 đồng chí được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp, 865 đồng chí được công nhận giáo viên giỏi các cấp..... Phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” được nữ CBGV-NV tích cực hưởng ứng. Số lượng nữ CBGV đạt danh hiệu thi đua “Hai giỏi” ngày càng tăng, tỷ lệ: 85,7% đến 97,8%. Năm học 2009-2010, Ban nữ công - Công đoàn Giáo dục huyện đã tổ chức tổng kết phong trào thi đua ”Giỏi việc trường- Đảm việc nhà”, khen thưởng 10 tập thể, 35 nữ tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong phong trào giai đoạn 2005 - 2009.
Các cuộc vận động “Dân chủ, kỉ cương, tình thương trách nhiệm”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” được hòa quyện đan xen và gắn với phong trào thi đua “Dạy tốt - học tốt”, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua đã khơi dậy ý thức trách nhiệm, trí tuệ, tính sáng tạo trong CBGV đối với nhiệm vụ được giao. Năm học 2009-2010, CĐGD huyện phối hợp với Phòng Giáo dục tổ chức Hội nghị tuyên dương những CBGV-NV xuất sắc. Trong đó, có 34 CBGV được vinh danh là những CBGV tiêu biểu được học sinh yêu quý. Năm học 2010-2011, Công đoàn tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện cuộc vận động “Dân chủ, kỉ cương, tình thương, trách nhiệm” giai đoạn 2005-2010, sơ kết 3 năm cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”. Đầu năm học 2011-2012 CĐGD huyện và Phòng giáo dục tổ chức Hội nghị “Tuyên dương cán bộ giáo viên có con học giỏi” đã biểu dương khen thưởng và tặng quà cho 70 CBGV, 70 cháu học sinh con CBGV có thành tích xuất sắc trong học tập... Đến nay, mọi hoạt động của công đoàn, của ngành đều đã có nền nếp và duy trì tốt. Đội ngũ CBGV-NV yêu nghề gắn bó với nghề, chất lượng giáo dục luôn đứng ở vị trí tốp đầu của ngành Giáo dục Thái Bình.
Thực hiện tốt các cuộc vận động và các phong trào thi đua đã có tác động lớn đến kết quả xây dựng đội ngũ CBGV-NV có tâm, có đức, tận tụy vì học sinh thân yêu. Những nhà giáo không chỉ thể hiện bằng tài năng, trí tuệ mà còn bằng cả tấm lòng nhân ái, yêu thương đối với học sinh, chia sẻ mọi khó khăn với bạn bè, đồng nghiệp. Từ năm học 2009-2010 đến nay, phong trào “Giúp giáo viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh học yếu kém” được CBGV trong ngành hưởng ứng mạnh mẽ. Hàng năm có hàng ngàn học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh học yếu kém, cá biệt và nhiều CBGV hoàn cảnh đặc biệt cần sự giúp đỡ. Công đoàn vào cuộc cùng với chuyên môn tổ chức các hoạt động, tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể CBGV trong ngành cùng chung tay góp sức giúp đỡ để các thầy cô giáo, các em học sinh vượt qua hoàn cảnh vươn lên trong cuộc sống. Mỗi CBGV-NV đăng kí nhận giúp đỡ từ 1 đến 2 em học sinh. Các em được giúp bằng nhiều hình thức như: CBGV mua tặng thẻ bảo hiểm thân thể, bảo hiểm y tế, mua tặng quần áo, đồ dùng học tập, thăm hỏi tặng quà khi ốm đau, dạy kèm cho những học sinh học yếu kém không thu tiền học phí…Tổng số tiền giúp học sinh mỗi năm từ 350 triệu đến 450 triệu đồng. Những việc làm mang ý nghĩa cao đẹp của các thầy giáo, cô giáo đã giúp rất nhiều em có điều kiện học tập, nhiều học sinh đã vươn lên học tập tốt, đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện.
BCH CĐGD huyện thăm và tặng quà cho gia đình nhà giáo