logo Tư vấn pháp luật Trao đổi kinh nghiệm

Công đoàn ngành Giáo dục Thanh Hóa 70 năm xây dựng và phát triển
(15:00, 29/10/2021)

Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Thanh Hóa gắn liền với các giai đoạn lịch sử phát triển của đất nước, của tỉnh, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, đặc biệt gắn liền với sự phát triển của ngành Giáo dục tỉnh nhà.

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Cùng với việc thành lập Nha Bình dân học vụ và Ty Thanh tra Tiểu học Thanh Hóa (tháng 9/1945), dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Lâm thời nhân dân tỉnh Thanh Hóa, ngày 01/10/1945, các trường tiểu học trong toàn tỉnh đã ổn định trường, lớp và tổ chức khai giảng năm học đầu tiên. Thực hiện chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa, Liên đoàn Giáo giới Thanh Hóa - tổ chức tiền thân của Công đoàn Giáo dục Thanh Hóa ra đời. Hoạt động của Liên đoàn Giáo giới lúc này cũng như các đoàn thể cứu quốc, lấy việc phục vụ kháng chiến, tham gia công tác xã hội làm nội dung chính. Trong thời gian này, giáo dục Thanh Hóa cùng với giáo dục cả nước và nhân dân trong tỉnh tích cực tham gia kháng chiến theo nhiệm vụ riêng của mình. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Thanh Hóa thuộc vùng tự do, nên Giáo dục khu Ba và các trường trung học trong khu tản cư tập trung vào Thanh Hóa để tiếp tục phát triển sự nghiệp cách mạng.

 

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, các Đại biểu dự buổi gặp mặt truyền thống nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập CĐGD Thanh Hóa

Ngày 22/7/1951, tại Chiến khu Việt Bắc, Liên đoàn Giáo giới Việt Nam đổi tên thành Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo của Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Liên đoàn Lao động tỉnh, ngày 17/10/1951, Liên đoàn Giáo giới Thanh Hóa được đổi tên thành Công đoàn Giáo dục Thanh Hóa, nay là Công đoàn ngành Giáo dục Thanh Hóa. Đồng thời tổ chức Đại hội lần thứ nhất tại trường Tiểu học Quảng Thắng, huyện Quảng Xương (nay là Trường Tiểu học Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa), đánh dấu chính thức sự ra đời của Công đoàn Giáo dục Thanh Hóa, đồng hành cùng chuyên môn đưa sự nghiệp giáo dục trong tỉnh không ngừng phát triển.

Thời kỳ 1951 - 1954, Công đoàn Giáo dục Thanh Hóa tập trung ổn định, củng cố tổ chức, xây dựng đội ngũ, tiếp tục phát huy thế mạnh chuyên môn. Tổ chức cho cán bộ, giáo viên thâm nhập thực tế, thi đua xây dựng trường kiểu mẫu, bồi dưỡng chiến sĩ thi đua cấp ngành, cấp toàn quốc. Ngay khi mới thành lập, Công đoàn Giáo dục đã nhận trách nhiệm hưởng ứng phát động, tổ chức và chỉ đạo thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của ngành. Cũng từ đây trọng trách ấy luôn được CĐGD Thanh Hóa gánh vác và đi tiên phong cùng với những nhiệm vụ quan trọng khác là chăm lo đời sống và giáo dục, rèn luyện cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành.

Thời kỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc (1954 - 1964): Trên cơ sở tinh thần chung nhiệm vụ Đại hội đại biểu lần thứ nhất Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Đại hội Công đoàn Thanh Hóa, CĐGD Thanh Hóa xác định nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn này là “Tăng cường giáo dục, nâng cao giác ngộ XHCN, đoàn kết rộng rãi lao động toàn ngành; chăm lo bồi dưỡng đoàn viên; động viên cán bộ, giáo viên hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển Ngành Giáo dục; góp phần xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà”.

Năm 1959, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Thanh Hóa, hơn 500 cán bộ, giáo viên đã xung phong nhận nhiệm vụ lên miền núi công tác với mục tiêu phát triển giáo dục miền núi. CĐGD tỉnh đã phối hợp với các huyện động viên, tổ chức sinh hoạt và đời sống cho giáo viên yên tâm công tác. Đây cũng chính là thời điểm bắt đầu một thời kỳ mới phát triển giáo dục miền núi.

Thời kỳ 1964 - 30/4/1975: Từ cuối năm 1964, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc khốc liệt, lớp học phải di dời xuống hầm sâu, thầy trò phải đội mũ rơm đến trường. Trong hoàn cảnh khắc nghiệt đó đội ngũ CBNGNLĐ vẫn bám trường, bám lớp, bám học sinh để thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục. Sau 9 năm (1964 - 1973), mạng lưới giáo dục trong tỉnh đã phát triển rộng khắp, tất cả các xã đều có trường cấp I, cấp II, hầu hết các huyện đã có trường cấp III. Giai đoạn này hệ thống CĐGD đã phát triển mạng lưới trong toàn ngành: CĐGD tỉnh, CĐGD huyện và CĐCS ở các trường học. Nhiệm vụ trọng tâm của công đoàn là tập trung động viên phong trào thi đua “Hai tốt” (Dạy tốt - Học tốt), xây dựng các điển hình tiên tiến. Qua đó đã xuất hiện nhiều trường học tiêu biểu:Trường cấp I Hải Nhân (Tĩnh Gia) trở thành lá cờ đầu của Ngành giáo dục phổ thông cấp I toàn miền Bắc gắn với tên tuổi Nhà giáo Anh hùng Lao động Nguyễn Văn Huê - Hiệu trưởng nhà trường. Cùng với việc xây dựng, phát triển giáo dục trong tỉnh, Thanh Hóa đã có 306 giáo viên được Bộ Giáo dục cử vào các vùng giải phóng miền Nam để xây dựng và phát triển giáo dục. Các đồng chí được cử đi đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau khi đất nước thống nhất, nhiều đồng chí đã ở lại và là cán bộ nòng cốt của giáo dục các tỉnh phía Nam.

          Từ sau ngày 30/4/1975 đến nay:

Trước yêu cầu phát triển giáo dục trong thời kỳ đất nước thống nhất, thực hiện công cuộc đổi mới, CĐGD Thanh Hoá đã tập trung xây dựng tổ chức công đoàn ngành càng vững mạnh. Đội ngũ cán bộ công đoàn được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng với yêu cầu trong thời kỳ mới. Công đoàn đã tập trung động viên CBNGNLĐ thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động mang tính xã hội rộng lớn trong toàn ngành  do Bộ Giáo dục và đào tạo, CĐGD Việt Nam phát động như: cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”;  phong trào thi đua “Hai tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong hoạt động dạy và học” ... Giai đoạn này, mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng CĐGD tỉnh đã phối hợp với Sở GD&ĐT Thanh Hóa và trực tiếp tổ chức vận động cán bộ, giáo viên toàn ngành ủng hộ xây dựng Nhà nghỉ Công đoàn Giáo dục Thanh Hóa, khánh thành năm 2001. Đây là cơ sở phúc lợi phục vụ cán bộ, giáo viên toàn ngành, nay là cơ sở II của Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa.

 

Các đồng chí Nguyên Lãnh đạo, Nguyên UV BTV Công đoàn ngành Giáo dục tại buổi lễ gặp mặt 70 năm Ngày thành lập CĐGD Thanh Hóa

Trải qua 70 năm (1951 - 2021) xây dựng và phát triển, Công đoàn Giáo dục Thanh Hóa đã tiến hành 23 kỳ đại hội. Trong chặng đường ấy có thời kỳ thuận lợi, có lúc khó khăn, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Liên đoàn Lao động tỉnh, của Đảng ủy, sự phối hợp và tạo điều kiện của lãnh đạo Sở GD&ĐT, các ban ngành, đoàn thể từ các cấp đã tạo điều kiện cho phong trào CNVC-LĐ và hoạt động công đoàn phát triển lớn mạnh, trở thành “mái nhà chung” cho các đoàn viên công đoàn trong ngành và góp phần đưa sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà ngày một phát triển. Tính đến năm học 2021-2022, ngành Giáo dục Thanh Hóa có gần 60.000 cán bộ, nhà giáo và người lao động, trong đó khối trực thuộc là 6.378 đoàn viên với 97 CĐCS. Trong giai đoạn 2011-2021 Đây là giai đoạn phát triển mạnh mẽ, toàn diện của CĐGD Thanh Hóa. Vị thế, uy tín của tổ chức Công đoàn được nâng lên rõ rệt:

Trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, Công đoàn ngành đã thực sự là hạt nhân đoàn kết, thống nhất, tập hợp được đông đảo cán bộ, công đoàn viên thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, của địa phương và ngành; tích cực tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng; Công đoàn ngành luôn chú trọng triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW; Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh“; tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Trung ương 4( Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ; Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Công đoàn ngành đã ban hành Nghị quyết 02 Nghị quyết chuyên đề về “Nâng cao đời sống văn hóa của nhà giáo và người lao động” và Nghị quyết “Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”.

 

Các đồng chí Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục qua các thời kỳ

Quan hệ giữa Công đoàn ngành và chuyên môn gắn bó chặt chẽ trong việc thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục và thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ CĐCS. Chủ động phối hợp với chuyên môn vận động CBNGNLĐ tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, đổi mới phư­ơng pháp dạy học, tự học, tự bồi dư­ỡng nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tổ chức các cuộc hội thảo khoa học về đổi mới phương pháp dạy học; công tác bồi dưỡng HSG trong trường THPT; kỹ năng quản lý giáo dục; Hội thảo “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, "Đổi mới, sáng tạo trong hoạt động dạy và học"; Hội thi giáo viên giỏi các cấp học, Hội thảo xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

Công tác đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cho CBNGNLĐ được triển khai với nhiều hình thức thiết thực, như: Tích cực tham gia góp ý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các cơ chế, chính sách, chế độ có liên quan trực tiếp đến CBNGNLĐ. Chủ động  phối hợp với Sở GD&ĐT hướng dẫn các CĐCS phối hợp với chuyên môn thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; chỉ đạo các CĐCS tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc vận động theo hướng thiết thực, hiệu quả bám sát chuyên môn, phù hợp với điều kiện thực tiễn; tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh biên chế cho hơn 10.000 cho giáo viên mầm non; Tham gia với Sở GD&ĐT trong việc bố trí, sắp xếp cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các trường học theo chủ trương sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp của tỉnh; quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, tăng cường huy động nguồn lực xây nhà công vụ, thiết chế văn hóa, công trình nước sạch, nhà vệ sinh…

10 năm qua, Công đoàn ngành đã trao 185 suất quà hỗ trợ của CĐGD Việt Nam, LĐLĐ tỉnh, quỹ “Tấm lòng vàng” và Công đoàn ngành cho CBNGNLĐ có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán, năm học mới với tổng số tiền là 195 triệu đồng; tổ chức thành công “Tết sum vầy-Kết nối yêu thương”, trao 146 suất quà Tết với tổng số tiền 162 triệu đồng; Đề nghị Quỹ “Mái ấm Công đoàn” hỗ trợ làm nhà, sửa nhà, thăm hỏi ốm đau cho 150 đoàn viên với tổng số tiền là 2,52 tỷ đồng; thực hiện chủ trương “Năm vì lợi ích đoàn viên” của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Công đoàn ngành Giáo dục đã phối hợp với các doanh nghiệp làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục làm lợi cho đoàn viên với số tiền gần 500 triệu đồng. Tiếp tục thực hiện Chương trình “Chia khó” với miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, với hai hình thức: chia khó nội bộ và chia khó giữa các đơn vị miền xuôi với miền núi đạt 17,494 tỷ đồng. Trong đó, từ năm 2018, các đơn vị trong ngành đã hỗ trợ các trường THPT miền núi làm mới, sửa chữa 12 công trình nhà công vụ giáo viên, thiết chế văn hóa, công trình vệ sinh, nước sạch với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng. Tranh thủ được sự ủng hộ của CĐGD Việt Nam, các tỉnh bạn làm mới 03 nhà công vụ giáo viên, 04 công trình nước sạch; hỗ trợ lũ lụt, covid-19, thăm hỏi ốm đau, gặp hoạn nạn...và tiền mặt với tổng trị giá hơn 6 tỷ đồng.

Các cấp công đoàn trong ngành luôn đóng vai trò nòng cốt trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện, như: Chăm sóc người có công, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; ủng hộ Quỹ “Mái ấm công đoàn”, Quỹ “Vì người nghèo”; ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão, lũ; ủng hộ Chương trình "Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa", nạn nhân chất độc da cam, đóng góp các loại quỹ từ thiện xã hội khác hàng chục tỷ đồng...Đặc biệt, trong thời gian bị ảnh hưởng dịch Covid-19, các cấp Công đoàn đã chủ động phối hợp với chuyên môn triển khai các biện pháp đồng bộ, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho CBNGNLĐ và học sinh. Chung tay ủng hộ quỹ phòng, chống dịch Covid-19; “Hướng về thành phố mang tên Bác”, “chuyến xe yêu thương” bằng hàng hóa, các nhu yếu phẩm đồ khô và tiền mặt với tổng trị giá hơn 2,9 tỷ đồng.

Bên cạnh việc chăm lo đời sống vật chất, các cấp Công đoàn trong Ngành đã chú trọng chăm lo tinh thần cho CBNGNLĐ thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, động viên đội ngũ phấn khởi, ổn định cuộc sống, ổn định công tác dạy và học. Công đoàn ngành đã phối hợp với Sở GD&ĐT và các đơn vị liên quan tổ chức các hội thi, cuộc thi từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh: Hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Hội thao “Người giáo viên nhân dân”; Hội thi “Cán bộ Công đoàn cơ sở giỏi”; Hội thi “Tìm hiểu về công tác kiểm tra, giám sát của công đoàn và hoạt động của Ban Thanh tra nhân...Tham gia và đạt thành tích xuất sắc tại các cuộc thi, hội thi do các cấp, các ngành tổ chức, như: Hội thao CNVCLĐ đạt giải Nhất toàn đoàn năm 2014, Nhì năm 2016 và nhất toàn đoàn năm 2018; Liên hoan nghệ thuật quần chúng CNVCLĐ chào mừng Đại hội XI Công đoàn Việt Nam đạt giải nhì; Liên hoan tiếng hát giáo viên toàn quốc lần thứ IV, năm 2016 đạt giải Ba toàn đoàn; tham gia hội thi cô giáo tài năng duyên dáng toàn quốc năm 2017 đạt giải 3; cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” có 01 bài đạt giải nhất tỉnh và giải nhì Quốc gia; Cuộc thi tìm hiểu pháp luật về “Phòng, chống tham nhũng” do Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức có 02 bài đạt giải nhất tỉnh; Cuộc thi viết “Tìm hiểu về bảo vệ môi trường” do LĐLĐ tỉnh tổ chức, xếp thứ Nhì toàn tỉnh; Cuộc thi “Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”; Cuộc thi ảnh “Nét đẹp Công đoàn và người lao động” năm 2019 trên mạng xã hội Facebook đạt giải ba toàn quốc; tham gia Liên hoan tiếng hát giáo viên toàn quốc năm 2021; Cuộc thi trực tuyến “Công nhân, viên chức, lao động với ngày hội toàn dân” do LĐLĐ tỉnh phát động đạt giải nhất.

Chỉ đạo các CĐCS tổ chức nhiều hình thức hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, tham quan học tập kinh nghiệm, giao lưu hoạt động giữa các trường THPT trong huyện, trong vùng như: Công đoàn các trường THPT huyện Như Thanh, Như Xuân, Thạch Thành; Cụm các trường THPT Vĩnh Lộc, Thạch Thành 3, Lê Hồng Phong, Cụm các Trường THPT Thường Xuân, Sao Vàng; Cụm các trường THPT Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước...Qua đó, nhận thức của đội ngũ CBNGNLĐ rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ ngày càng được nâng cao; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nhà giáo được chú trọng.

 Phát động và tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động của Ngành gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phù với yêu cầu thực tế từng giai đoạn. Trong đó có thể kể đến các phong trào tiêu biểu như “Dạy tốt, học tốt”, “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo”… Các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Công đoàn ngành tổ chức luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cán bộ, nhà giáo, người lao động, có sức lan tỏa lớn trong ngành và xã hội.

Tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Cán bộ, giáo viên, người lao động ngành giáo dục chung sức, hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương Thanh Hóa văn minh, thịnh vượng, giai đoạn 2021- 2030”; chỉ đạo CĐCS tổ chức lễ phát động thi đua và ký cam kết thi đua tại đơn vị. Hướng dẫn, động viên CBGV, NLĐ tích cực tham gia Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển”, đã có 762 sáng kiến kinh nghiệm tham gia Chương trình (đạt 396,87%); 02 sáng kiến được LĐLĐ tỉnh tặng bằng khen. Tại Lễ vinh danh “Công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu xứ thanh” có 04 cá nhân được vinh danh.

Tổ chức, bộ máy công đoàn được củng cố, kiện toàn kịp thời. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn được quan tâm, chú trọng. Các cấp công đoàn đã phát huy vai trò chủ động, tích cực trong công tác tham gia xây dựng Đảng và chính quyền trong sạch, vững mạnh. Đến nay, tỷ lệ đảng viên đạt 61,3% (khối trực thuộc 75,6%). Các cấp Công đoàn thường xuyên tham gia, phối hợp cùng chuyên môn xây dựng, chỉ đạo thực hiện rà soát, quy hoạch, giới thiệu nguồn cán bộ quản lý giáo dục, tạo cơ hội cho cán bộ công đoàn phát huy năng lực và tinh thần trách nhiệm, khẳng định uy tín trong đơn vị. Nhiều cán bộ công đoàn được bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các trường học.

Kết quả hoạt động của Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh đã đóng góp công sức không nhỏ tạo điều kiện cho Ngành duy trì, phát triển quy mô trường, lớp; tăng cường cơ sơ vật chất; nâng cao cao chất lượng giáo dục, đưa sự nghiệp GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa ngày càng phát triển, khẳng định vị thế của Giáo dục Thanh Hóa đối với cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Đặc biệt năm học 2017-2018. Kỳ thi Olympic Châu Á - Thái Bình Dương và Olimpic Quốc tế, đạt 06 huy chương, trong đó: 03 huy chương Vàng ở các môn Vật lý và Sinh học, 02 huy chương Bạc môn Tin học và Hóa học và 01 huy chương Đồng môn Vật lý, tăng 03 huy chương so với năm học trước. Đây là kết quả tốt nhất từ trước đến nay, góp phần giữ vững Giáo dục Thanh Hóa là một trong những lá cờ đầu cả nước về chất lượng giáo dục.

 

Với bề dày truyền thống và thành tích đã đạt được trong những năm qua, Công đoàn ngành Giáo dục Thanh Hóa đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý:

Chủ tịch nước tặng thưởng Huân Chương Lao động hạng nhì lần thứ hai năm 2011; Công đoàn ngành 02 lần được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng cờ thi đua (năm 2014, 2016), 03 lần được UBND tỉnh tặng cờ thi đua (2015, 2017, 2018) và năm 2019 được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc.

Những thành tích to lớn qua 70 năm xây dựng và phát triển của Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Thanh Hóa mãi mãi là niềm tự hào, động lực cho mỗi CBNGNLĐ trong Ngành tiếp tục phấn đấu vươn lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng giai cấp công nhân, hoạt động Công đoàn trong thời kỳ đổi mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới./.

Tin: Trần Văn Bình-Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Thanh Hóa

  


Các tin khác
Công đoàn Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng - Đôi điều nhớ lại (24/07/2021)
Chi bộ Công đoàn Giáo dục tỉnh Phú Thọ: Tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác (21/05/2021)
Công đoàn ngành giáo dục Phú Thọ 70 năm xây dựng và phát triển (1951 – 2021) (07/05/2021)
Công đoàn trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên với phong trào thi đua “lao động giỏi - lao động sáng tạo” (24/04/2021)
CÔNG ĐOÀN PHỐI HỢP VỚI CHUYÊN MÔN TỔ CHỨC PHONG TRÀO THI ĐUA “GIỎI VIỆC TRƯỜNG - ĐẢM VIỆC NHÀ” GIAI ĐOẠN 2016-2020 (16/10/2020)
(hoahoctro.vn)Tọa đàm ''Hiệu trưởng thay đổi'': Khi các Hiệu trưởng trải lòng về trường học hạnh phúc (27/11/2019)
Ngành Giáo dục Phú Thọ Giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện dân chủ trong trường học (05/11/2019)
VĂN HÓA ỨNG XỬ NHÀ GIÁO - ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ (15/03/2019)
Những khó khăn, thách thức đối với đội ngũ Giáo viên trung học phổ thông hiện nay khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và giải pháp khắc phục (15/03/2019)
(GD&TĐ)Nhân lên những tấm gương “Giỏi việc trường - Đảm việc việc nhà" (08/03/2019)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 18802949
Online: 234
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn