logo Tư vấn pháp luật Trao đổi kinh nghiệm

Quân đội nhân dân Việt Nam - xứng danh anh Bộ đội cụ Hồ
(15:25, 17/12/2011)

 

 

Trong Chính cương vắn tắt, Luận cương Chính trị tháng 10/1930, Đảng ta đã khẳng định con đường giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc phải tổ chức ra quân đội công nông để giành chính quyền và giữ chính quyền

          Vì vậy, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các tổ chức vũ trang lần lượt được hình thành là Đội tự vệ đỏ (xích đỏ) trong cao trào Xô viết - Nghệ Tĩnh và cao trào cách mạng (1930 – 1931). Những năm 1940 - 1945, các đội du kích Bắc Sơn (Lạng Sơn), du kích Nam Kỳ, đội du kích Ba Tơ (Trung Kỳ), đội du kích Pắc Bó (Cao Bằng), Cứu Quốc Dân được hình thành. Sự phát triển mạnh mẽ, rộng khắp của phong trào đấu tranh cách mạng đòi hỏi cách mạng Việt Nam lúc này phải có một đội quân chủ lực thống nhất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giải phóng dân tộc.

       Theo Chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập. Tham dự Lễ tuyên thệ thành lập Đội Tuyên truyền giải phóng quân tại khu rừng giữa tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám (nay thuộc tỉnh Cao Bằng) có 34 chiến sĩ, được chia thành 03 tiểu đội. Đồng chí Võ Nguyên Giáp chủ trì buổi thành lập và thay mặt Đoàn thể đọc diễn văn tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Đồng chí Hoàng Sâm được cử làm Đội trưởng. Đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên. Đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách công tác kế hoạch – tình báo.


                        Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập


       Thực hiện lời dạy của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: “Trong một tháng phải có hoạt động, trận đầu nhất định phải thắng”, ngày 25/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân tiến công đồn Phai Khắt; ngày 26/12/1944 tiến công đồn Nà Ngần. Cả hai trận đánh đầu tiên, Quân đội ta đều giành thắng lợi, tiêu diệt và bắt sống nhiều tù binh, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng của địch mở ra truyền thống quyết chiến, quyết thắng, biết đánh, biết thắng kẻ thù xâm lược của Quân đội ta. Tháng 3/1945, Thường vụ Trung ương họp và ra chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tháng 4/1945, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định thống nhất lực lượng vũ trang cả nước (Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc dân…) thành Việt Nam giải phóng quân; đẩy mạnh tuyên truyền xung phong có vũ trang phá kho thóc của Nhật để cứu đói cho nhân dân; xây dựng các đội tự vệ vũ trang, du kích cứu quốc; phát động chiến tranh du kích, giải phóng từng vùng, mở rộng căn cứ địa cách mạng. Từ tháng 4/1945, cao trào kháng Nhật cứu nước, phong trào vũ trang khởi nghĩa, khởi nghĩa từng phần đã giành được thắng lợi ở nhiều nơi. Ngày 15/5/1945, sau buổi lễ thống nhất tại Định Biên Thượng, Định Hóa, Thái Nguyên, đồng chí Võ Nguyên Giáp trở thành Tư lệnh các lực lượng vũ trang thống nhất, mang tên Việt Nam giải phóng quân. Trên cơ sở đánh giá thời cơ và tình hình cách mạng trong nước, Đảng ta đã lãnh đạo các tầng lớp nhân dân đồng loại đứng dậy tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa của nhân dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn.

       Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam giải phóng quân được đổi tên thành Vệ Quốc dân. Năm 1946, Vệ Quốc dân đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam. Năm 1950, đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam.

      Ngày 17 tháng 10 năm 1989, theo nguyện vọng của nhân dân trong cả nước, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá VI) quyết định lấy ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944), đồng thời là Ngày hội Quốc phòng toàn dân.

      Sáu mươi bảy năm qua, dưới sự lãnh đạo, giáo dục của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự đùm bọc của nhân dân, Quân đội nhân dân Việt Nam đã không ngừng trưởng thành, càng đánh, càng mạnh, càng đánh càng thắng lớn, góp phần cùng toàn dân tạo nên những kỳ tích trong chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Nói đến nhân dân Việt Nam; QĐND VN chúng ta và bạn bè quốc tế không thể không nhắc đến Điện Biên Phủ (1954), kết thúc kháng chiến chống thực dân Pháp và Tổng tiến công Đại thắng mùa Xuân (1975) kết thúc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đưa đất nước ta thu về một mối, cả nước đi lên xã hội chủ nghĩa. Tự hào và vinh dự biết bao khi Quân đội nhân dân được Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Đảng và Nhà nước khen ngợi: "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do cho Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng". Nhân dân ta cũng ghi nhận và khen ngợi bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân bằng danh hiệu cao quý "Bộ đội Cụ Hồ",.

       Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân, đòi hỏi các lực lượng vũ trang nói chung và Quân đội nói riêng phải tiếp tục nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu; xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Do đó, cần quán triệt và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng đất nước phải đi đôi với bảo vệ Tổ quốc, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt nam phải góp phần tích cực cùng với toàn Đảng, toàn dân làm thất bại mọi âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, chủ động đối phó thắng lợi với mọi tình huống có thể xảy ra. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của Nhà nước. Tiếp tục củng cố và hoàn thiện nền quốc phòng toàn dân trên từng địa bàn tỉnh, thành phố. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh. Đầu tư thỏa đáng cho công nghiệp quốc phòng. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra. Xây dựng Quân động nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ, sẵn sàng chiến đấu, phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn… Tăng cường xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, bảo đảm cho Quân đội thống nhất cả về ý chí và hành động. Xây dựng Quân đội nhân dân có đời sống vật chất tinh thần tốt, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả vũ khí trang bị kỹ thuật.

      Kỷ niệm 67 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 22 năm ngày Hội Quốc phòng toàn dân là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử, truyền thống vẻ vang, những chiến công oanh liệt của Quân đội và nhân dân ta. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ý chí quật cường, ý thức tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách, ra sức xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới của cách mạng; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

            GIỚI THIỆU CHÂN DUNG MỘT SỐ NHÀ GIÁO – CỰU CHIẾN BINH

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Trọng Vĩnh, Nguyên GV Trường CĐSP Hà Nội – Đại tá QĐNDVN. Người xây dựng thành công mô hình Trường PT Nguyễn Siêu “Dịch vụ giáo dục trình độ chất lượng cao”

    Có thể gọi ông là một nhà doanh nhân có tài vì ông đã xây dựng thành công một mô hình Dịch vụ giáo dục mới và cũng có thể coi ông là một nhà lão thành - nhà giáo ưu tú vì ông đã cùng đồng nghiệp đào tạo ra lớp lớp học trò là những thầy giáo cô giáo đóng góp cho sự nghiệp “trồng người’ và ngày nay khi những học sinh được học và rèn luyện trong ngôi trường Nguyễn Siêu đều là những con ngoan trò giỏi.

   Nhớ lại những ngày tháng năm 1946, khi giặc Pháp đánh chiếm quê hương Hải Phòng đã làm cậu bé Nguyễn Trọng Vĩnh thành đứa trẻ mồ côi khi mới 13 tuổi. Vượt lên nỗi đau, cậu quyết tâm tham gia kháng chiến với vai trò liên lạc cho du kích xã, lớn hơn một chút thì tham gia bộ đội địa phương tỉnh rồi công tác tại Văn phòng Thành uỷ Hải Phòng, chiến đấu và công tác trong vùng địch hậu. Hơn 5 năm sống trong vùng địch và núi rừng vùng Đông Bắc gian khổ, đồng chí Bí thư Thành uỷ lúc bấy giờ thương hình ảnh một cậu bé còn nhỏ tuổi lại ốm đau vì sốt rét, thương hàn nên đã gửi Trọng Vĩnh lên Bộ Giáo dục tại ATK Việt Bắc. Sau đó, Trọng Vĩnh được sang Khu Học Xá (Nam Ninh – Trung Quốc) học, trở thành nhà giáo về tiếp quản Thủ đô năm 1954. Đến tháng 5-1965, Trọng Vĩnh được Sở Giáo dục và Thành uỷ Hà Nội điều động từ giáo viên trường CĐSP Hà Nội bổ sung vào Quân đội làm cán bộ chính trị thuộc binh chủng Công binh. Được giáo dục trong môi trường sư phạm, Trọng Vĩnh luôn phấn đấu giữ vững phẩm chất đạo đức của người Thầy, khắc phục mọi khó khăn gian khổ, ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Quân đội giao cho ở các cương vị công tác khác nhau, trên các chiến trường. Trải qua 25 năm trong quân ngũ đã giúp Trọng Vĩnh trưởng thành, từ một Thiếu uý đến Đại tá công binh, là thương binh, chiến sĩ thi đua Trung đoàn.

     Phát huy truyền thống “anh bộ đội Cụ Hồ” với lòng yêu nghề, mến trẻ của một nhà giáo, sau khi nghỉ hưu 1 năm, thực hiện chủ trương “xã hội hoá giáo dục” của Đảng; Trọng Vĩnh cùng với người bạn đời – nhà giáo Dương Thị Thịnh xin phép mở trường dân lập mang tên danh nhân văn hoá Nguyễn Văn Siêu để tiếp tục thực hiện sự nghiệp trồng người còn dang dở bởi chiến tranh mà cuộc đời mình chưa thực hiện được. Ngay từ đầu khi bắt tay vào làm, thầy Trọng Vĩnh đã có ý tưởng mở một ngôi trường gồm 3 cấp học để có thể đào tạo liên thông cho học sinh từ 6 tuổi đến 18 tuổi, giáo dục các em thành một con người hoàn chỉnh theo khẩu hiệu nhà trường đề ra “Vì hạnh phúc gia đình – Vì tiến bộ xã hội - Thầy mẫu mực – Trò chăm ngoan, học giỏi”.

     Có được kết quả như ngày hôm nay, thầy Vĩnh luôn đặt cái đức lên hàng đầu. Hãy nhìn dưới góc độ một doanh nghiệp thì thầy Vĩnh không để lợi nhuận làm giảm chất lượng giáo dục.Trong thực tế, với sự xuất hiện của rất nhiều các trường quốc tế xây dựng trong nước có mức học phí cao, thầy Vĩnh vẫn cố gắng làm thế nào để trường Nguyễn Siêu có mức học phí phù hợp với mặt bằng đời sống của người Việt Nam nhưng học sinh phải được học trong môi trường ngang tầm quốc tế trong chính một ngôi trường Việt Nam. Để làm được điều đó, thầy Vĩnh luôn thực hiện phương châm chỉ đạo về kinh tế là: nguồn thu của trường phải được tập trung hết vào việc đầu tư cơ sở vật chất; nâng cao đời sống cán bộ, giáo viên, nhân viên; nâng cao chất lượng dạy và học; phục vụ học sinh. Để mỗi một một năm môi trường học tập liên tục được hoàn thiện, trong sự chặt chẽ tuyển chọn đầu vào của học sinh và trong nỗ lực không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới công tac quản lý giáo dục học sinh của giáo viên trong trường và đặc biệt là sự chăm sóc toàn diện để học sinh có được điều kiện học tập lí tưởng nhất.

   Sau 7 năm thực hiện mô hình “Dịch vụ giáo dục trình độ chất lưọng cao” số lớp chất lưọng cao của trường đã chiếm tỷ lệ 85%. Đến năm học 2012-2013 trường sẽ có 100% số lớp chất lượng cao và trở thành trường “Dịch vụ giáo dục trình độ chất lượng cao” với một cơ ngơi khang trang, sạch đẹp; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học hiện đại; phát triển và mở rộng giao lưu, hội nhập với khu vực và quốc tế xứng đáng với ngôi trường được mang tên danh nhân văn hoá Nguyễn Văn Siêu; ngôi trường tiên tiến của Thủ đô Hà Nội.

   Sự thành công của trường Nguyễn Siêu ngày hôm nay là nỗ lực của cả một tập thể và hơn ai hết là của một nhà giáo mang trong mình trái tim của người làm ông, làm cha, từ niềm hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời là nhìn thấy những đứa trẻ từ ngôi trường của mình trưởng thành trở thành người công dân có ích cho xã  hội.

 

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Trí Hiệp giỏi chuyên môn, tài quản lý và có khả năng thu phục nhân tâm

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Trí Hiệp, tốt nghiệp khoa toán, Đại học sư phạm Vinh vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, chưa kịp đến với bục giảng, anh xung phong lên đường ra trận. Năm 1974, rời quân ngũ, anh trở về tiếp tục giảng dạy tại trường cấp 3 Đức Thọ, Trường THPT Minh Khai rồi THPT Phan Đình Phùng (tỉnh Hà Tĩnh). Năm 2001 đến 2011 là phó Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh.

 Hơn 37 năm trong nghề dạy học, với phẩm chất tốt đẹp của “anh bộ đội Cụ Hồ”, nhà giáo Nguyễn Trí Hiệp đã nỗ lực phấn đấu vươn lên đóng góp nhiều thành tích xuất sắc cho ngành GD&ĐT.

Trong thời gian trực tiếp giảng dạy, thầy đã bồi dưỡng được nhiều học sinh trở thành học sinh giỏi tỉnh và HS giỏi quốc gia. Thầy giáo Nguyễn Trí Hiệp từng là Chủ tịch Công đoàn-Hiệu trưởng trường THPT, phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh, phó Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo, thầy đã chỉ đạo các hoạt động của nhà trường, bồi dưỡng được nhiều viên giỏi và cán bộ quản lý giỏi cấp tỉnh. Với bản tính chân thành, đức độ, vị tha trong cuộc sống đời thường; mẫu mực, nghiêm túc, linh hoạt, quyết đoán trong công việc, thầy đã tập hợp được đội ngũ, tạo nên sức mạnh của tập thể tại các đơn vị mà thầy từng công tác. Vì vậy, các đơn vị thầy làm quản lý đều trở thành đơn vị lá cờ đầu của tỉnh là điểm sáng của ngành giáo dục.

Những năm công tác tại Sở GD&ĐT với cương vị phó Giám đốc, cùng với tập thể Ban Giám đốc, thầy đã góp công sức, xây dựng phong trào giáo dục tỉnh nhà có nhiều chuyền biến mạnh mẽ: đó là việc đổi mới công tác nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện mà khâu đột phá là tổ chức nghiêm túc các kỳ thi và công tác tuyển sinh hàng năm.

Trong nghiên cứu khoa học, thầy đã có nhiều đề tài khoa học được đánh giá xuất sắc cấp tỉnh và được áp dụng có hiệu quả.

            Với những thành tích và công lao đã cống hiến, năm 1998 vinh dự được nhà nước tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, năm 2000 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Đặc biệt, nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo việt nam năm 2008, thầy vinh dực được Nhà nước phong tặng danh hiêụ Nhà giáo Nhân dân. Thầy giáo Nguyễn Trí Hiệp là tấm gương sáng cho học sinh và đồng nghiệp noi theo.

 

Thầy giáo cựu chiến binh tâm huyết với nghề

Năm 1997, sau khi tốt nghiệp THPT, chàng thanh niên quê lúa Thái Bình Nguyễn Ngọc Thế xung phong nhập ngũ. Sau khóa học Quân khí tại Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), anh tình nguyện vào Tây Nguyên, được điều về đồn 755 Dak Đam (Dak Mil) thuộc Bộ đội Biên phòng Dak Lak. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh quyết định thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lk và ở lại gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên.

Năm 2003, tốt nghiệp ra trường, Nguyễn Ngọc Thế được phân công về giảng dạy tại Trường Tiểu học Cư Pui (Krông Bông). Với bản lĩnh chịu đựng khó khăn, gian khổ của người lính, thầy giáo cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Thế đã xung phong vào dạy ở điểm trường Ea Rớt, một điểm trường xa xôi cách trở với điều kiện sinh hoạt hết sức khó khăn, nhà ở tạm bợ, không điện, không nước sạch... Khó khăn thiếu thốn như vậy song người thầy giáo trẻ vẫn bám trụ cùng với đồng nghiệp hằng đêm đi từng gia đình để vận động học sinh ra lớp. Đến năm 2004, thầy Thế được bầu làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Công đoàn nhà trường, chăm lo đời sống, khơi dậy các phong trào của đội ngũ hơn 60 cán bộ, giáo viên, nhân viên trong điều kiện hết sức khó khăn. Với lòng nhiệt huyết và năng lực chuyên môn vững vàng nên năm 2007, thầy Nguyễn Ngọc Thế được tín nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Cư Pui 2 phụ trách mảng chuyên môn của nhà trường. Đây là công việc nặng nề của một trường đặc biệt khó khăn với 7 điểm trường, 55 lớp, 1.434 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào chiếm trên 98%. Dù lượng công việc nhiều, điều kiện nhà trường khó khăn, phức tạp, đôi lúc phải gánh vác toàn bộ công việc của nhà trường vì Hiệu trưởng đi học, song thầy Thế luôn hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Thầy thường xuyên tổ chức các hoạt động chuyên môn trong nhà trường; tổ chức cho giáo viên tham gia đầy đủ các phong trào do Phòng GD-ĐT huyện tổ chức như thi giáo án điện tử, giáo viên dạy giỏi, thi viết chữ đẹp... Ngoài ra, có công việc mới phát sinh là thầy tự giác lao vào làm ngay không cần sự phân công, thầy còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào của Nhà trường.  Thầy tâm sự: "Vì công việc rất nhiều, làm ban ngày không đủ thời gian nên nhiều phải đêm thức để làm đề thi, soạn thảo các loại văn bản chuyên môn, báo cáo. Khó khăn nhất là công tác phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi vì địa bàn rộng, dân số đông, số liệu khập khiễng nên việc tổng hợp rất khó".

Hoàn thành tốt được những nhiệm vụ nặng nề như vậy, thầy Nguyễn Ngọc Thế đã phải tận dụng hết quỹ thời gian ở trường, thời gian ở nhà cho công việc, kể cả ngày nghỉ; biết sắp xếp và xử lý công việc một cách khoa học, mềm dẻo, hợp lý và điều quan trọng là lòng tâm huyết, quyết tâm bám trụ với nghề của người thầy giáo cựu chiến binh dù cuộc sống của gia đình vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

  


Các tin khác
Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học (08/11/2011)
Chúng tôi không ngừng hoàn thiện mình (21/10/2011)
Nhà giáo và lao động ngành Giáo dục nửa nhiệm kỳ phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội X Công đoàn Việt Nam và Đại hội XIII Công đoàn Giáo dục Việt Nam (28/09/2011)
Nhân kỷ niệm 66 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, xin trân trọng giới thiệu bài viết: "Tầm vóc lịch sử và hiệu ứng xã hội của cách mạng tháng Tám năm 1945" của GS.TS Hoàng Chí Bảo, Hội đồng Lý luận Trung ương: (18/08/2011)
KỈ NIỆM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ (27/7/1947 - 27/7/2011) (27/07/2011)
Lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo “Chương trình các môn học” (01/11/2010)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 18966025
Online: 548
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn