logo Tư vấn pháp luật Trao đổi kinh nghiệm

KỈ NIỆM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ (27/7/1947 - 27/7/2011)
(21:13, 27/07/2011)

KỈ NIỆM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ (27/7/1947 - 27/7/2011)

Trong không khí nhân dân cả nước ta đã và đang có nhiều hoạt động thiết thực để tri ân, đền ơn, đáp nghĩa các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh và gia đình có công với đất nước và dân tộc. Hôm nay 27/7/ 2011, cơ quan Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức kỷ niệm 64 năm ngày thương binh, liệt sĩ  27/7/1947 – 27/7/2011, nhằm bày tỏ lòng biết ơn của chúng ta đối với các anh hùng liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh và gia đình có công với đất nước.


Cơ quan CĐGD Việt Nam Tổ chức kỷ niệm ngày Thương binh, Liệt sỹ 27/7

             Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc đã hun đúc nên những truyền thống tốt đẹp: Yêu nước, lạc quan, nhân nghĩa, uống nước nhớ nguồn và luôn tri ân với những người có công với non sông, đất nước và dân tộc. Đặc biệt, từ khi Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh các truyền thống đó tiếp tục phát triển.

Dưói sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta không quản ngại hy sinh, gian khổ nhất tề đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc làm nên Cách mạng tháng Tám vĩ đại và Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời.

Ngày 02/9/1945, thay mặt quốc dân đồng bào và chính phủ Lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố và khẳng định với thế giới rằng: Việt Nam là một nước độc lập. Độc lập của đất nước chưa được bao lâu, thì ngày 23/9, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Nam bộ, quyết xâm lược nước ta một lần nữa. Song với tinh thần “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quân dân ta trên cả nước đoàn kết, anh dũng chiến đấu, giết giặc bảo vệ nền độc lập non trẻ.

Ngày 19 tháng 12 năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, thực hiện đường lối toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến của Đảng và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, nhân dân cả nước nhất tề đứng lên kháng chiến với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến, nhiều đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống trên các chiến trường và mặt trận. Cuộc kháng chiến ngày càng quyết liệt, số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu tăng lên, thương binh, liệt sĩ trở thành vấn đề lớn của Đảng, Nhà nước và quân đội. Trước yêu cầu bức xúc đó, cùng với việc kêu gọi giúp đỡ thương binh, gia đình tử sĩ, ngày 16/02/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh liệt sĩ đối với công cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc. Để chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác thương binh tử sĩ trong cả nước, ngày 26/02/1947, Phòng thương binh thuộc Chính trị Cục, quân đội quốc gia Việt Nam được thành lập.

Tháng 6 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm ngày thương binh, để nhân dân ta có dịp tỏ lòng biết ơn, yêu mến thương binh. Thực hiện Chỉ thị của Bác, đầu tháng 7/1947 Ban Vận động tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc” được thành lập và đã tổ chức họp trù bị ở Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Đại biểu về dự họp có đại diện Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc, Nha Thông tin tuyên truyền và một số địa phương. Theo đề nghị của đại diện Chính trị Cục, quân đội Quốc gia Việt Nam, các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27/7 hàng năm là ngày Thương binh toàn quốc.

Chiều ngày 27/7/1947, “Ngày thương binh toàn quốc”, mở đầu bằng cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Tại cuộc mít tinh, các đại biểu đã nghe đại diện Chính trị Cục, Quân đội Quốc gia Việt Nam đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức ngày thương binh toàn quốc.

Trong thư Bác viết: “Thương binh là những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu…,Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy…”.

Cuối thư, Bác còn vận động đồng bào nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ thương binh. Bản thân Người đã xung phong góp chiếc áo lụa, một tháng lương và tiền ăn một bữa của Người và của tất cả các nhân viên ở Phủ Chủ tịch, tổng cộng là một ngàn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127 đồng) để tặng thương binh. Ngày 27/7/1947 - là ngày “Thương binh liệt sĩ” đầu tiên trên cả nước.

Đến ngày thương binh, tử sĩ lần thứ hai, 27/7/1948, trong Lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “… Thương binh và tử sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, đã hy sinh cho đồng bào. Để báo đáp công ơn đó, Chính phủ phải tìm mọi cách để giúp đỡ anh em thương binh và gia đình tử sĩ. Tôi cũng rất mong đồng bào sẵn sàng giúp đỡ họ về mặt vật chất và tinh thần…”. Trong một lá thư đầy tình cảm thương yêu, Bác viết: “Nạn ngoại xâm như trận lụt to đe đọa cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bà mẹ, vợ con, dân ta. Trong cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu qúy của nước ta quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc làm hại đồng bào”.

Từ đó, đến ngày 27/7 hàng năm, Bác Hồ đều gửi thư thăm hỏi, động viên các thương binh, gia đình liệt sĩ và nhắc nhở mọi người “ Mỗi năm đến ngày 27 tháng 7 là ngày thương binh, tử sĩ, nhân dân có dịp tỏ lòng biết ơn những chiến sĩ đã hy sinh xương máu cho tổ quốc, cho đồng bào”; phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ.

Từ năm 1945 đến năm 1975, khi đất nước ta thu về một mối, độc lập thống nhất và cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, thì dân tộc ta đã phải cầm súng chiến đấu ròng rã suốt 30 năm để đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Hàng triệu đồng bào, chiến sỹ đã hy sinh cả cuộc đời mình, hàng chục vạn người đã cống hiến một phần thân thể của mình, những mất mát ấy không thể bù đắp được. Nhiều thế hệ thanh niên và những người con ưu tú của đất nước từ Bắc chí Nam đã ngã xuống: “Họ quyết liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Ngày nay, bố mẹ họ mất một người con yêu quý, vợ trẻ trở nên bà góa, con dại trở nên mồ côi, trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài tử sĩ, tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được và những tử sĩ sẽ không thể tái sinh”.

Để tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh và thực hiện tư tưởng của Bác, nhân dịp kỉ niệm 50 năm ngày thương binh liệt sĩ ( 27/7/1947 – 27/7/1997), tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cùng Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã khánh thành khu kỷ niệm 27/7 và dựng bia kỷ niệm với nội dung được khắc trên bia: “Nơi đây, ngày 27/7/1947, 300 cán bộ, bộ đội và đại diện các tấng lớp nhân dân địa phương họp mặt công bố bức thư của Bác Hồ, ghi nhận sự ra đời của ngày thương binh liệt sĩ”.

Phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa; đội ngũ cán bộ, chuyên viên, công nhân viên trong cơ quan Công đoàn Giáo dục Việt Nam nguyện đoàn kết, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành Giáo dục và nhiệm vụ của cơ quan; tham mưu và tổ chức đội ngũ nhà giáo và lao động trong ngành tổ chức gặp mặt các nhà giáo là  mẹ, vợ, con liệt sĩ, ủng hộ xây dựng tượng đài liệt sĩ các nhà giáo đi B ở nghĩa trang Tây Ninh; hưởng ứng và đẩy mạnh phong trào Thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” tổ chức tốt các hoạt động chăm sóc, tu sửa các nghĩa trang liệt sỹ; lưu danh công trạng các nhà giáo liệt sĩ trong phòng truyền thống ở các trường học để giáo dục truyền thống cách mạng và lòng biết ơn cho các thế hệ học sinh, sinh viên.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Ngày thương binh, liệt sĩ” là dịp để đồng bào cả nước thể hiện tấm lòng đền ơn đáp nghĩa với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với đất nước. Trong ngày “Thương binh liệt sĩ” hôm nay (27/7/2011), chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đến các anh chị thương binh, bệnh binh, đến các gia đình có công với Tổ quốc; đồng thời xin thắp lên một nén tâm nhang trong lòng mỗi người để tri ân anh linh các anh hùng liệt sĩ và những người đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Các đồng chí lãnh đạo, cùng toàn thể các đồng chí cán bộ, công nhân viên trong cơ quan xin được chia sẻ và tri ân với các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với đất nước.

                                    

                                          TS. Phạm Văn Thanh

                                                                             Phó chủ tịch CĐGD Việt Nam

  


Các tin khác
Lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo “Chương trình các môn học” (01/11/2010)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 18965792
Online: 430
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn