logo Giới thiệu Chức năng nhiệm vụ

CHỨC NĂNG NHIỆM VỤ CỦA CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM

(Quy định tại khoản 4, Điều 20 - Điều lệ Công đoàn Việt Nam  khóa XII)

1. Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của công đoàn cấp trên và nghị quyết đại hội công đoàn cùng cấp đến các tổ chức công đoàn, đoàn viên và người lao động thuộc phạm vi quản lý.

2. Đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động thuộc ngành; đại diện người lao động thương lượng, ký thỏa ước lao động tập thể ngành.

3. Tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội:

- Nghiên cứu tham gia với bộ, ngành về chiến lược phát triển của ngành, gắn với việc xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công nhân lao động trong ngành.

- Nghiên cứu tham gia xây dựng pháp luật, các chế độ, chính sách lao động, tiền lương, an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ, chính sách khác có liên quan đến người lao động cùng ngành, nghề; tham gia cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

- Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước và công đoàn các cấp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích của đoàn viên và người lao động thuộc ngành; tham gia các hội đồng của ngành để giải quyết các vấn đề liên quan đến đoàn viên và người lao động; kiến nghị với cơ quan nhà nước sửa đổi, bổ sung và giải quyết những chế độ, chính sách ngành, nghề đáp ứng yêu cầu phát triển ngành.

- Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước và công đoàn các cấp có liên quan hướng dẫn, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động xã hội phù hợp với đặc điểm ngành.

4. Nghiên cứu, đề xuất với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn về mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của mỗi cấp thuộc công đoàn ngành; hướng dẫn chỉ đạo đại hội công đoàn cấp dưới; thực hiện quy hoạch, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và thực hiện chính sách cán bộ theo phân cấp.

5. Hướng dẫn, chỉ đạo công đoàn cấp dưới:

- Triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, công đoàn cấp trên và nghị quyết đại hội công đoàn ngành trung ương.

- Đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; thương lượng, ký thỏa ước lao động tập thể.

- Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến đoàn viên và người lao động, vận động đoàn viên, người lao động nâng cao trình độ, nghề nghiệp; tổ chức phong trào thi đua yêu nước và các hoạt động xã hội phù hợp với đặc điểm ngành; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền nhân dân trong sạch, vững mạnh.

6. Chủ động phối hợp với các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố xây dựng quy chế phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn ngành địa phương thực hiện các nội dung về chế độ, chính sách lao động ngành; tuyên truyền, giáo dục truyền thống ngành; phương hướng nhiệm vụ phát triển ngành; thành lập công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước cùng ngành; phối hợp chỉ đạo các công đoàn trực thuộc công đoàn ngành đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố tổ chức các hoạt động thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương; chăm lo lợi ích, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp.

7. Chỉ đạo phát triển đoàn viên, quản lý đoàn viên, vận động thành lập công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp cùng ngành. Đánh giá, xếp loại tổ chức công đoàn hằng năm theo hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.

8. Thực hiện công tác đối ngoại theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.

9. Quản lý và sử dụng tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế của công đoàn theo quy định của pháp luật Nhà nước.

 

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA CÁC BAN THAM MƯU GIÚP VIỆC 

(Theo quy định tại Quyết định số 581/QĐ-CĐN, ngày 06/3/2025 của BTV CĐGD Việt Nam)

1. Văn phòng

1.1. Công tác văn phòng

a) Giúp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ CĐGD Việt Nam xây dựng, tổ chức thực hiện quy chế làm việc và chương trình công tác. Là đầu mối phối hợp, điều hoà chương trình công tác của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ban Thường vụ để thực hiện quy chế làm việc và chương trình công tác của Ban Thường vụ CĐGD Việt Nam. 

b) Quản lý các văn bản và chịu trách nhiệm về tính pháp lý của các văn bản do Ban Chấp hành, Ban Thường vụ CĐGD Việt Nam ban hành. Tiếp nhận, phát hành, lưu trữ công văn, tài liệu.

c) Tổ chức công tác thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực và Ban Thường vụ CĐGD Việt Nam. Theo dõi, đôn đốc các cấp công đoàn thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo quy định.

d) Tham gia phối hợp với các ban, đơn vị hữu quan nghiên cứu, tổng hợp tình hình cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ); đề xuất một số chủ trương công tác đối với CBNGNLĐ và Công đoàn. Chủ trì hoặc phối hợp cùng các ban tham gia xây dựng các văn bản và một số đề án do Ban Thường vụ CĐGD Việt Nam giao.

đ) Theo dõi, đánh giá, tổng hợp tình hình tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận…của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ CĐGD Việt Nam. Phối hợp, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện chương trình công tác hằng năm, các kết luận của thường trực. Phối hợp với các ban, đơn vị giúp ban thường vụ chỉ đạo kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, quyết định các chuyên đề công tác của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ CĐGD Việt Nam. 

e) Bảo đảm điều kiện vật chất phục vụ hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Cơ quan CĐGD Việt Nam. Bố trí phương tiện, nơi làm việc cho các ban, đón tiếp khách đến làm việc. Tổ chức phục vụ các hội nghị, quản lý tài sản, đảm bảo trật tự, trị an trong cơ quan. Giúp Thủ trưởng cơ quan cùng với Công đoàn cơ quan tổ chức sơ kết, tổng kết, hội nghị dân chủ cơ quan.

g) Tham mưu, đề xuất và triển khai các hoạt động đối ngoại (nếu có) và các nhiệm vụ khác theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, các quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn và chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Ban Thường vụ CĐGD Việt Nam.

1.2. Công tác tài chính

a) Tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn các công đoàn cấp dưới, các đơn vị trực thuộc xây dựng và thực hiện dự toán ngân sách hàng năm; xét duyệt và tổng hợp dự toán năm, quyết toán định kỳ theo quy định, báo cáo Ban Thường vụ CĐGD Việt Nam trước khi gửi về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

b) Thực hiện công tác kế toán, thống kê, tổng hợp tình hình thu, chi và quản lý tài chính, tài sản theo quy định của Nhà nước và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

c) Thực hiện chức năng giám đốc tài chính, thông qua công tác tài chính giúp Ban Thường vụ chỉ đạo thực hiện các mặt công tác khác của công đoàn.

d) Tổ chức kiểm tra tài chính, tài sản các công đoàn cấp dưới, các đơn vị trực thuộc, bảo đảm thu, chi và quản lý tốt tài chính, tài sản công đoàn.

đ) Đề xuất kế hoạch tổ chức việc làm kinh tế của công đoàn; hướng dẫn các cấp công đoàn làm kinh tế công đoàn.

e) Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ tài chính các cấp công đoàn và các đơn vị trực thuộc.

2. Ban Nghiệp vụ

2.1. Công tác tuyên giáo

a) Nghiên cứu, hướng dẫn nội dung, biện pháp tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Công đoàn, công tác phòng chống HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội trong CBNGNLĐ.

b) Nghiên cứu đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, giáo dục cho phù hợp đặc điểm, điều kiện của các cấp công đoàn; nắm bắt tình hình tư tưởng, nguyện vọng của CBNGNLĐ; bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. 

c) Giúp Ban Thường vụ CĐGD Việt Nam theo dõi, kiểm tra, định hướng hoạt động và quản lý nội dung báo, tạp chí, bản tin công đoàn; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về  các hoạt động công đoàn. 

d) Tham mưu, hướng dẫn các cấp công đoàn triển khai thực hiện phong trào xây dựng cơ quan, doanh nghiệp văn hoá; xây dựng nội dung, hướng dẫn các cấp công đoàn quản lý cung văn hoá, nhà văn hoá và tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao trong các cấp công đoàn.

đ) Hướng dẫn các cấp công đoàn tham gia tổ chức việc học tập, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề cho đoàn viên, người lao động.

e) Tổ chức tổng kết thực tiễn về hoạt động tuyên giáo công đoàn; tổ chức biên soạn tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, lao động trong các cấp công đoàn.

2.2. Công tác nữ công

a) Nghiên cứu, tham mưu về công tác vận động nữ CBNGNLĐ phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

b) Tham mưu, đề xuất các hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ; các hoạt động về công tác gia đình, về giới, bình đẳng giới, lồng ghép giới trong hoạt động công đoàn; công tác dân số, sức khỏe sinh sản, chăm lo cho con CBNGNLĐ.

c) Theo dõi, hướng dẫn hoạt động chuyên đề nữ công của công đoàn các cấp. Chủ động phối hợp với các ban triển khai, sơ kết, tổng kết chuyên đề công tác nữ công. Tổng hợp tình hình nữ đoàn viên, nữ CBNGNLĐ và hoạt động nữ công, báo cáo Ban Thường vụ CĐGD Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

d) Tổ chức các phong trào thi đua trong nữ CBNGNLĐ; thực hiện lồng ghép các hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ với hoạt động nữ công đoàn.

đ) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác nữ công.

2.3. Công tác chính sách, pháp luật và quan hệ lao động

a) Đề xuất các vấn đề về cơ chế quản lý kinh tế, xã hội, chính sách lao động, việc làm, tiền lương, tiền công, thu nhập, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhà ở và các chính sách xã hội có liên quan đến đoàn viên, người lao động và cán bộ công đoàn.

b) Nghiên cứu, đề xuất nội dung tham gia xây dựng pháp luật và văn bản pháp luật có liên quan đến đoàn viên, người lao động, cán bộ công đoàn, tổ chức Công đoàn theo chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

c) Tham gia với các ban, đơn vị, các tổ chức và cơ quan liên quan đề xuất, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, luật pháp đối với lao động nữ, trẻ em. 

d) Theo dõi, hướng dẫn việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, tổ chức hội nghị cán bộ công chức, viên chức, người lao động; hoạt động ban thanh tra nhân dân.

đ) Chủ trì và phối hợp với các ban thực hiện công tác thi đua khen thưởng theo quy định của Nhà nước và của Tổng Liên đoàn; tham mưu xét, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng thưởng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn” cho cán bộ công đoàn các cấp khi đủ điều kiện theo quy định. Tổ chức và phối hợp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong CBNGNLĐ và các cấp công đoàn. 

e) Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra việc thi hành pháp Luật Lao động, Luật Công đoàn và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến đoàn viên, người lao động, cán bộ công đoàn. Theo dõi, hướng dẫn các cấp công đoàn thực hiện kiểm tra, giám sát thi hành chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn. Chỉ đạo các cấp công đoàn tham gia các đoàn điều tra tai nạn lao động. Chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh viên; hội đồng hoà giải cơ sở; những biện pháp ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đối với đoàn viên, người lao động.

g) Hướng dẫn và thực hiện công tác trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật về lao động, công đoàn; hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm, hoạt động quỹ vay vốn giải quyết việc làm. Phối hợp với các ban khác trong việc thẩm định, đánh giá, đề xuất thành lập, nâng cấp, sáp nhập, giải thể các đơn vị sự nghiệp trực thuộc về dạy nghề, giới thiệu việc làm, tư vấn hỗ trợ người lao động, tư vấn pháp luật, hoạt động xã hội từ thiện.  

h) Theo dõi, hướng dẫn chỉ đạo các cấp công đoàn trong việc giải quyết tranh chấp lao động, đình công, ngừng việc tập thể; hướng dẫn việc thực hiện vai trò tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi người lao động trong các vụ án lao động, hành chính, phá sản doanh nghiệp…

i) Theo dõi, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện cơ chế đối thoại, hợp tác tại nơi làm việc; thương lượng tập thể và đối thoại xã hội ở các cấp công đoàn; theo dõi vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

k) Thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội theo quy định của pháp luật.

3. Ban Tổ chức - Kiểm tra

3.1. Công tác tổ chức

a) Nghiên cứu, đề xuất xây dựng, thẩm định các đề án về tổ chức bộ máy cơ quan công đoàn cấp trên, tổ chức công đoàn cấp dưới; tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của tổ chức công đoàn trình Ban Thường vụ CĐGD Việt Nam.

b) Nghiên cứu, đề xuất xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, chính sách cán bộ, đào tạo bồi dưỡng cán bộ.

c) Tham mưu công tác phát triển đoàn viên công đoàn, quản lý đoàn viên công đoàn, thành lập công đoàn cấp cơ sở.

d) Tham mưu đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn các cấp. 

đ) Hướng dẫn các cấp công đoàn thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam, phối hợp với ủy ban kiểm tra thực hiện kiểm tra, giám sát thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam, việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác của công đoàn cấp trên và của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ CĐGD Việt Nam về công tác tổ chức, cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tổ chức đại hội công đoàn các cấp; phát triển đoàn viên; thành lập công đoàn cấp cơ sở; xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn các cấp; công tác cấp phát và sử dụng thẻ đoàn viên.

e) Thực hiện nhiệm vụ quản lý tổ chức bộ máy, biên chế các ban, các cấp công đoàn và các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp công đoàn trực thuộc.

g) Tham mưu về công tác quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng, bố trí, phân công, điều động cán bộ; nhận xét, đánh giá cán bộ, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ; thực hiện chính sách cán bộ; bảo vệ chính trị nội bộ; dự thảo các quyết định của Ban Thường vụ CĐGD Việt Nam về công tác cán bộ; quản lý công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cán bộ công đoàn; quản lý việc đi nước ngoài của cán bộ.

h) Tham mưu thành lập, nâng cấp, hạ cấp, sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể các tổ chức công đoàn, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của công đoàn.

i) Tham mưu xây dựng, tổ chức thực hiện các quy chế phối hợp về nội dung, phương thức chỉ đạo hoạt động công đoàn; các quy chế phối hợp giữa ban chấp hành công đoàn với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động.

k) Tham mưu công tác tham gia xây dựng đảng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

l) Tham mưu tổ chức sơ kết, tổng kết và báo cáo công tác phát triển đoàn viên, công tác tổ chức, cán bộ và đào tạo bồi dưỡng cán bộ công đoàn hằng năm.

3.2. Công tác kiểm tra, giám sát

a) Kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam đối với tổ chức công đoàn cùng cấp và cấp dưới.

b) Kiểm tra, giám sát và kiến nghị xử lý kịp thời khi tổ chức, cán bộ, đoàn viên công đoàn cùng cấp và cấp dưới có dấu hiệu vi phạm Điều lệ Công đoàn Việt Nam, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của tổ chức công đoàn.

c) Kiểm tra, giám sát việc thu, phân phối, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản, hoạt động kinh tế của công đoàn cùng cấp và công đoàn cấp dưới theo quy định của pháp luật và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

d) Giám sát tổ chức công đoàn, ủy viên ban chấp hành, cán bộ công đoàn cùng cấp và cấp dưới về thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam, nghị quyết, chỉ thị, quyết định và các quy định, quy chế của tổ chức công đoàn và quy định của Đảng, Nhà nước.

đ) Tham mưu, xử lý kỷ luật tổ chức công đoàn, cán bộ, đoàn viên công đoàn cùng cấp và cấp dưới khi có vi phạm theo quy định.

e) Giải quyết các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của tổ chức công đoàn; tham gia với các cơ quan chức năng nhà nước và người sử dụng lao động giải quyết khiếu nại, tố cáo của đoàn viên, người lao động theo quy định của pháp luật.

g) Tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát của công đoàn đối với uỷ viên uỷ ban kiểm tra công đoàn cùng cấp và cấp dưới.

h) Giúp Ủy ban Kiểm tra CĐGD Việt Nam tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.

 



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 20459732
Online: 1177
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Phường Ô Chợ Dừa - TP. Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn