logo Chuyên đề Gương Nhà giáo và Người lao động

(GD&TĐ)Thầy giáo với nhiều chuyên đề sáng tạo
(22:22, 07/04/2019)
Đổi mới phương pháp dạy học
 
Trong 2 năm học vừa qua, thầy Thiên Phúc đã triển khai khoảng 10 chuyên đề dạy học theo định hướng STEM cho học sinh, chủ yếu kết hợp môn Sinh học, Công nghệ, CNTT.
 
Theo thầy Phúc, học sinh ngày nay thông minh, sáng tạo và đã chủ động nêu quan điểm của mình, học cách phản biện nên nếu cứ gò bó các tiết học theo kiểu “đọc - chép” sẽ khiến các em nhàm chán, không phát huy được năng lực, phẩm chất. Vì vậy, thầy đã trăn trở, tự tìm hiểu, học hỏi, trao đổi với các đồng nghiệp để đổi mới phương pháp dạy học thông các chuyên đề dạy học sáng tạo, chủ yếu tập trung theo định hướng STEM.
 
Chương trình môn Công nghệ lớp 10 có vấn đề như phân bón, thuốc trừ sâu, chăn nuôi, nông lâm ngư thủy sản, lương thực thực phẩm, tài chính-doanh nghiệp, tiền tệ, kết hợp với môn Sinh học ở học kỳ I của lớp 11, chủ yếu học về thực vật. Thầy đã lồng ghép với môn Công nghệ để giúp học sinh được trải nghiệm thực tế từ việc nhận diện rau nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu và cách trồng rau sạch để ăn; tự tìm hiểu và nắm được thông tin chất dinh dưỡng (protein, lipit, cacbonhidrat, chất xơ, vitamin và khoáng chất...) có trong các loại rau củ quả để từ đó chế biến thành những món ăn ngon.
 
Để hoàn thành bài học, thầy Phúc chia học sinh thành từng nhóm, tổ chức ghi nhận vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, phỏng vấn. Quá trình này được chụp ảnh, quay hình, dựng thành các clip. Trong đó, các em đóng vai trò là diễn giả, giới thiệu về sản phẩm hoàn chỉnh của mình. Đặc biệt, kết thúc học kỳ I, học sinh đã vô cùng hào hứng khi cùng nhau chuẩn bị bữa tiệc đứng với các món ăn do nhóm mình làm ra. Và đó cũng chính là đề bài kiểm tra của các em với bộ môn Công nghệ.
 
Thầy giáo Lê Thiên Phúc từng đạt giải Khuyến khích cấp thành phố khi tham gia cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng Công nghệ thông tin” do Sở GD&ĐT TPHCM phối hợp với Microsoft tổ chức vào năm học 2016 – 2017 với dự án “Úm ba la biến nha con muỗi”…
Khi xem những clip học sinh tự quay, về việc các em vào chợ, hỏi các cô chú cách phân biệt thịt bò tươi, kinh nghiệm chọn cá, chọn rau như thế nào, rồi mua đồ về tự chế biến… cũng như thuyết trình về món ăn, thầy Phúc rất hài lòng. Qua từng tiết học, các em đã tự tính toán được khẩu phần ăn cho mình, cho gia đình, biết lựa chọn thực phẩm tươi ngon, đi chợ sao cho phù hợp túi tiền… Phụ huynh cũng khá bất ngờ, vì thường ngày, đa phần các em không hề biết đến việc đi chợ, chuẩn bị bữa ăn cho gia đình.
 
“Tiết học đổi mới không chỉ giúp các em hứng thú, chủ động, tiếp thu kiến thức để vận dụng vào cuộc sống mà còn nâng cao kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, giao tiếp, kỹ năng tự phục vụ bản thân... Đặc biệt, qua mỗi chuyên đề, nhiều học sinh bộc lộ khả năng vượt trội, thể hiện được sở trường, năng lực về CNTT, khả năng nói trước đám đông, chế biến, bài trí món ăn...”, thầy Phúc nói.
 
Để có tiết học thú vị
 
Là giáo viên dạy Sinh, thầy Phúc luôn chủ động lồng ghép kiến thức môn học với giáo dục giới tính cho học trò. Từ chuyên đề Sinh sản ở động vật ở môn Sinh lớp 11, thầy khéo léo lồng ghép giúp các em tìm hiểu có định hướng về giáo dục giới tính, các vấn đề nhạy cảm trong cuộc sống, quan hệ tình dục tuổi vị thành niên, sống thử, cách sử dụng bao cao su, tình yêu tuổi học đường; bạo lực học đường, cách tính chu kỳ kinh nguyệt, vấn đề xâm hại…
 
Nhắc đến những tiết học thú vị với thầy Thiên Phúc, em Nguyễn Hà Ngọc Linh, lớp 11A1 cho biết: Những tiết học của thầy rất thú vị, không khí học tập luôn thoải mái. Thầy đóng vai trò định hướng, sau đó, tụi con bàn bạc để hoàn thành đề tài thầy giao. Thầy không gò bó vào một khuôn khổ mà cho tụi con tự sáng tạo về cách làm từ quay phim, clip đến giới thiệu về món ăn của mình và cả chế biến món. Việc học tập trải nghiệm, với tụi con là bổ ích và hiệu quả”.
 
Với những chuyên đề học tập thú vị, thầy Phúc đã mạnh dạn đưa sáng kiến của mình với tên gọi “Đổi mới phương pháp dạy để tiết học trở nên thú vị, học sinh không nhàm chán” tham gia cuộc thi Sáng kiến cộng đồng năm 2018 do Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM tổ chức và xuất sắc giành giải Nhất.
 
Theo thầy Phúc, ngày nay giáo viên có cơ hội tiếp cận với những thiết bị dạy học hiện đại, thông minh, cũng như những phương pháp hữu ích và khi vận dụng, phối hợp cùng với các phương pháp truyền thống sẽ giúp việc giáo dục học sinh hiệu quả hơn.
 
Bên cạnh đó, giáo viên có cơ hội tiếp xúc thêm CNTT, nâng cao về trình độ chuyên môn, kỹ năng mềm; cách lên kế hoạch; sắp xếp tổ chức tiết dạy hợp lý, logic hơn. Đặc biệt, người thầy cũng học hỏi ngược lại từ chính học sinh về các công nghệ mới của thời đại4.0; các phần mềm trò chơi, cập nhật thêm các xu hướng… do học sinh chia sẻ từ việc thực hiện các đề tài được giao.
 
Thảo Nguyên (GD&TĐ)

  


Các tin khác
Nhà giáo góp chữ về vùng Đồng Tháp Mười (23/03/2019)
Tấm gương tâm huyết, sáng tạo học theo lời Bác (07/03/2019)
Người chèo đò với khát vọng vươn lên của ngành Giáo dục tỉnh Đồng Tháp – Quê hương đất sen hồng (21/02/2019)
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thuy Thủy – Một tấm gương tiêu biểu của ngành GDĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (29/11/2018)
Thầy giáo mắc bệnh hiểm nghèo mang cả “gia tài” đi xây bếp ăn cho học sinh vùng cao (04/10/2018)
Gương người giáo viên với trái tim nhiệt huyết trên cao nguyên đá Hà Giang (21/11/2017)
Người cán bộ nói và làm theo lời Bác (10/08/2017)
TTH - CHUYỆN VỀ MỘT NGƯỜI HUẾ Ở ĐỒNG THÁP (21/02/2017)
Nỗ lực vượt khó của trường mầm non Tây Nguyên (17/10/2016)
Cảm phục sáng kiến cô giáo vùng cao giúp học sinh dân tộc hiểu rõ chính tả tiếng Việt (17/10/2016)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 18760191
Online: 264
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn