logo Chuyên đề Gương Nhà giáo và Người lao động

Sáng kiến từ lòng yêu trẻ của cô giáo mầm non
(22:24, 17/10/2016)

Ở độ tuổi mầm non, tâm hồn của trẻ non nớt, trong sáng như những trang giấy trắng và giáo viên mầm non là người đầu tiên viết lên những trang giấy đó. Luôn tâm niệm như vậy, cô giáo Trần Thị Duyên, Trường Mầm non xã Minh Tân, Hưng Hà, Thái Bình luôn nỗ lực hết mình tìm ra những phương pháp đổi mới sáng tạo để truyền thụ kiến thức và giúp trẻ phát triển một cách toàn diện.

 


Cô giáo Trần Thị Duyên và các bé trong tiết học âm nhạc

“Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền”

Là giáo viên mầm non, ở lớp cô Duyên là “người mẹ thứ hai” của rất nhiều em bé. Coi các cháu như con, cô không chỉ dạy dỗ học hành, ứng xử, vui chơi cùng các bé mà còn chăm lo cho các  bé từng bữa ăn, giấc ngủ.

Cô Duyên tâm sự: “Để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, bản thân tôi luôn suy nghĩ tìm tòi trong cách dạy trẻ và cách chăm sóc trẻ. Học hỏi bạn bè, trao đổi với các đồng nghiệp có kinh nghiệm, trao đổi với phụ huynh để có biện pháp chăm sóc cũng như dạy dỗ các cháu một cách tốt nhất”.

Ở lớp, cô Duyên tích cực tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh cùng nhà trường quan tâm, làm tốt công tác chăm sóc giáo dục trẻ. Đặc biệt chú ý tới chế độ ăn bổ sung dinh dưỡng cho các cháu thấp còi, thiếu cân và có chế độ ăn phù hợp cho trẻ thừa cân. Hàng tháng cân đo trẻ đúng lịch và chấm biểu đồ kịp thời. Các cháu có đủ đồ dùng phục vụ nuôi ăn bán trú, chỗ ăn ngủ sạch sẽ đủ ánh sáng, kín gió. Đảm bảo ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè.

Không chỉ vậy, cô giáo Trần Thị Duyên còn theo sát chỉ dạy, uốn nắn các bé có ứng xử văn minh trong ăn uống như trước khi ăn phải mời mọi người, nhai kỹ, không nô đùa trong khi ăn, dạy trẻ biết giữ gìn vệ sinh cá nhân và biết giữ gìn vệ sinh môi trường trong và ngoài lớp học. Chính vì vậy, các bé ở lớp cô Duyên phụ trách có thói quen vệ sinh cá nhân tốt, nề nếp ăn ngủ đảm bảo sức khỏe.

Sự chỉ dạy quan tâm chu đáo, tỉ mỉ của người mẹ thứ hai giúp các bé nghe lời, lễ phép, nhanh nhẹn, tự tin trong các hoạt động, và đặc biệt là đi học chuyên cần, thích đến lớp.

Học mà chơi, chơi mà học

Với tinh thần yêu nghề, mến trẻ, cô Duyên không ngừng rèn luyện chuyên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cô chia sẻ: Tôi học hỏi được rất nhiều từ các đồng nghiệp, họ chính là những cuốn sách thực tế chứa đựng nhiều trải nghiệm thú vị và hữu ích với tôi. Ngoài ra, việc tham khảo sách báo, tài liệu, ti vi,… để học tập nghệ thuật thu hút trẻ cũng được tôi chú ý và áp dụng hiệu quả vào các hoạt động trên lớp.

Trong quá trình công tác tại Trường Mầm non Lê Danh Phương, xã Hồng An, Hưng Hà, cô giáo Duyên đã có hai sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) đáng chú ý. Đó là “Một số biện pháp gây hứng thú thu hút trẻ 5-6 tuổi làm quen với tác phẩm văn học” và “Một số biện pháp hướng dẫn trẻ 5-6 tuổi làm quen với Toán”.

Theo cô Duyên, do bản chất của trẻ mẫu giáo thường rất chóng quên, chưa tập chung chú ý, vì vậy, để trẻ hứng thú tham gia vào các tiết dạy một cách tích cực, giáo viên cần thay đổi hình thức vào bài khác nhau linh hoạt hấp dẫn.

Ngoài ra, việc kết hợp sử dụng một số môn học khác vào tiết dạy để thay đổi không khí sẽ giúp cho tiết học thêm sinh động hơn. Làm được điều đó cần phải xác định nội dung chính của bài để từ đó tìm ra nội dung có thể tích hợp vào bài. Nội dung tích hợp phải phù hợp với đặc điểm của môn học, vui vẻ, dễ tiếp thu và có sức hấp dẫn trẻ nhỏ.

Đồ dùng dạy học là phương tiện cơ bản cho cô và trẻ trong mỗi tiết dạy. Đó là phương tiện cơ bản kích thích trẻ hoạt động nên giáo viên chọn và chuẩn bị đồ dùng đầy đủ, bền đẹp phong phú, tranh ảnh, câu đố bài hát đúng với chủ điểm, hấp dẫn phù hợp với độ tuổi với nội dung bài dạy và đủ với số lượng trẻ tham gia.

Cô giáo Trần Thị Duyên cho biết: Việc tổ chức tiết học hấp dẫn hay không, sẽ phản ánh việc trẻ có hứng thú tham gia cảm nhận được nội dung giờ học. Nếu cô giáo tạo được không khí “Học mà chơi, chơi mà học”, trẻ sẽ nhận nhiệm vụ học một cách tự nhiên, nhẹ nhàng không căng thẳng, không gò ép. Trong mỗi tiết học cô luôn tạo ra nhiều tình huống thi đua nhằm phát huy hết khả năng của trẻ.

Qua thực tiễn áp dụng, những đổi mới sáng tạo trong phương pháp dạy của cô giáo Trần Thị Duyên đã thu được những kết quả tích cực. Các tiết học ở lớp tăng rõ rệt, trẻ hứng thú và luôn hăng hái tham gia vào các hoạt động một cách nhanh nhẹn. Trẻ tiếp thu bài tốt, không dập khuôn máy móc mà có nhiều sáng tạo trong khi thực hiện các bài tập. Các bài học sẽ giúp các bé tư duy tốt hơn, có thể liên hệ trong thực tiễn, đó sẽ là cơ sở giúp trẻ vững vàng hơn khi vào tiểu học.

Khi được hỏi về “bí quyết” của sự sáng tạo, cô cười tươi: Mình không có bí quyết gì cả, chỉ đơn giản đây là công việc mình yêu thích. Mình hạnh phúc khi nhìn thấy các con coi lớp như ngôi nhà thứ hai và trở thành những em bé ngoan ngoãn, lễ phép.

Trung tâm Truyền thông Giáo dục

  


Các tin khác
Về thăm ngôi trường của tình yêu biển đảo (16/10/2016)
Tình yêu và hành trình “gieo chữ” của thầy Tiến (16/10/2016)
Cô giáo vùng cao và sáng kiến được nhân rộng cả nước (16/10/2016)
Ngời sáng trí tuệ học đường (16/10/2016)
Dự án tích hợp liên môn từ nghệ thuật Tuồng khiến học sinh thích thú (16/10/2016)
Chị Tăng Thị Ngọc Mai – Tấm gương vượt khó (13/10/2016)
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Duyên tấm gương sáng trong giảng dạy (09/09/2016)
Gương cô giáo Nguyễn Thị Vần “Giỏi việc trường – đảm việc nhà” (20/07/2016)
Thầy Vũ Văn Tuấn – Tâm huyết với nghề, làm theo lời Bác, điển hình trong công tác quản lý (20/07/2016)
Cô giáo Bùi Thị Bình - bông hoa giữa đời thường luôn khoe sắc!!! (20/06/2016)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 18762539
Online: 1134
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn