Kỷ niệm 45 năm Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho ngành Giáo dục (15/10/1968 – 15/10/2013), kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2013), chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11; ngành Giáo dục tổ chức Lễ Tuyên dương nhà giáo tiêu biểu giai đoạn 2008 - 2013, nhằm biểu dương, tôn vinh những nhà giáo tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động.
Trong hai ngày 16 – 17/11/2013, sẽ có hơn 150 nhà giáo tiêu biểu về Thủ đô Hà Nội dự Lễ tuyên dương; mỗi nhà giáo tiêu biểu đều có những nét riêng của mình về chuyên môn, hoàn cảnh, thời gian công tác và cuộc sống thường ngày, nhưng ở họ có điểm chung là trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có phẩm chất đạo đức tốt, tận tuỵ với nghề, thương yêu học trò và bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi và người học có tài năng; có nhiều sáng kiến trong làm đồ dùng dạy học, nghiên cứu khoa học và có nghiệp vụ sư phạm giỏi; được học trò, đồng nghiệp và nhân dân tôn vinh.
Các cô giáo, thầy giáo ở các trường Mầm non không quản thời gian, tận tình chăm sóc và nuôi dạy trẻ, giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ; rèn luyện hình thành thói quen, hành vi văn minh, kỹ năng vệ sinh với sự yêu thương, tôn trọng và công bằng với trẻ, gương mẫu trước trẻ, giao tiếp đúng mực, nhã nhẵn với phụ huynh; tận dụng vật liệu sẵn có ở địa phương làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo cho trẻ; dạy cho trẻ tích cực và chủ động tổ chức các hoạt động tập thể, như cô giáo Lê Yến Hương, giáo viên lớp lá trường mầm non Sơn ca, xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai; cô giáo Hoàng Thị Minh giáo viên Trường Mầm non Quảng Nguyên, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Đặc biệt là thầy giáo Hoàng Văn Thể, giáo viên Trường Mầm non Tân Đức, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã vượt qua mọi khó khăn, dị nghị, phân vân của phụ huynh học sinh, đồng nghiệp và của vợ mình để vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một thầy giáo mầm non. Cô giáo Vàng Thị Ghếnh, giáo viên Trường Mầm non xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, người dân tộc HMông, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, dạy trẻ lớp 5 tuổi xa trung tâm, nơi có 100% hộ nghèo, nhưng đã khắc phục mọi khó khăn, tìm mọi cách để vận động 100% trẻ ra lớp, duy trì sĩ số và giảng dạy đảm bảo chất lượng.
Các thầy giáo, cô giáo ở các trường tiểu học, trung học cơ sở đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động giáo dục, bám trường, bám lớp ở các buôn làng, xóm, ấp ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa để duy trì sĩ số học sinh, phụ đạo học sinh yếu, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bồi dưỡng học sinh giỏi, dạy học sinh giữ vở sạch, luyện chữ đẹp, học kiến thức, giáo dục hoà nhập cộng đồng cho học sinh khuyết tật, khiếm thính, khiềm thị và giáo dục nhân cách cho học sinh. Tiêu biểu là cô giáo Nguyễn Thị Huê, ở Kiên Giang, giáo viên Trường tiểu học Vĩnh Phúc giáp với Cămphuchia, là một trường biên giới còn nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần thương yêu học sinh, bám trường, bám lớp giúp đỡ các em học sinh yếu, gia đình khó khăn, bồi dưỡng học sinh giỏi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các cô giáo: Nông Thị Hằng, giáo viên tiểu học Trường Phổ thông cơ sở Lương Thành, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Cạn; cô giáo trẻ Lê Thị Hồng Nhi, Trường Tiểu học số 1, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa thiên - Huế; thầy giáo Đỗ Ngọc Hậu, giáo viên Trường tiểu học và trung học cơ sở Ba Cụm Nam, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hoà; cô giáo Kiên Thị Xuân Kiều, Trường Tiểu học Kim Sơn, thuộc vùng Bãi ngang, xã đặc biệt khó khăn, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào Khmer, thuộc huyên Trà Cú, tỉnh Trà Vinh; cô giáo Trần Thị Thuý Liễu, giáo viên Trường Trung học cơ sở Bình Tân, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An và nhiều thầy cô, giáo tiểu học, trung học cơ sở thực sự là những tấm gương yêu nghề, yêu ngành, thương yêu con trẻ, bám trường, bám lớp, khắc phục khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ chăm lo dạy dỗ học sinh. Biểu dương thầy giáo Thạch Sơn, giáo viên Trường Tiểu học Hựu Thành B, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long đã khắc phục mọi khó khăn, nuôi vợ bị bệnh tim và bệnh thận, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ giáo dục hoà nhập cộng động cho học sinh khuyết tật của nhà trường và nuôi dạy 3 con trai đỗ đại học, thành đạt, có việc làm và đạt danh hiệu gia đình hiếu học.
Ở các trưởng trung học phổ thông các thầy giáo và cô giáo đã nỗ lực phấn đấu học tập, đam mê nghiên cứu, đi sâu, đi sát học sinh, nắm vững hoàn cảnh và đặc điểm của mỗi em, để lựa chọn cách làm, phương pháp giáo dục thích hợp. Tích cực phụ đạo cho học sinh yếu, kém; phát hiện học sinh có năng khiếu, tổ chức bồi dưỡng học sinh khá, học sinh giỏi. Nhiều thầy, cô giáo đã dành tất cả tâm huyết, thời gian cho việc dạy học, giáo dục học sinh, như cô giáo Đinh Thị Thu Minh, giáo viên Trường THPT Châu Văn Liêm, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang; cô giáo Nguyễn Thị Thuý, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; thầy giáo Lê Đình Diệp, giáo viên Trường THPT Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, v.v. Đặc biệt, biểu dương các thế hệ nhà giáo ở các Trường THPT chuyên đã có thành tích xuất sắc trong công tác phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ học sinh có năng khiếu, học sinh giỏi cho các địa phương và cho ngành. Nhiều thầy giáo, cô giáo đã dành trọn đời cho sự nghiệp này, như cô giáo Lê Thị Việt Hồng (1958), giáo viên Văn, Trường THPT chuyên Hùng Vương - Gia lai, thầy giáo Nguyễn Văn Tiến (1954), giáo viên Toán Trường THPT chuyên Bắc Giang. Đồng thời, biểu dương những thầy giáo, cô giáo trẻ luôn luôn học hỏi và thường xuyên nghiên cứu trau dồi chuyên môn để giảng dạy có nhiều học sinh giỏi quốc tế, quốc gia, như thầy giáo Từ Hữu Sơn (1980), giáo viên Trường THPT chuyên Hà Tĩnh có 01 học sinh huy chương vàng Ôlympíc toán quốc tế và 24 học sinh giỏi quốc gia, thường xuyên tham gia viết bài trên Tạp chí Toán học và Tuổi trẻ.
Các thầy giáo và cô giáo ở các trưởng phổ thông dân tộc nội trú, dân tộc bán trú, trường dự bị đại học dân tộc, trung tâm giáo dục thường xuyên đã nỗ lực phấn đấu về mọi mặt để thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho đồng bào các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc ít người, thực hiện giáo dục thường xuyên tạo điều kiện cho mọi công dân cơ hội được học tập và học tập suốt đời, tiếp cận nguồn tri thức của xã hội. Tiêu biểu là cô giáo Nguyễn Thị Hương, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Yên Bái; thầy giáo Lê Viết Thắng, giáo viên Trường Trung học cơ sở nội trú huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An; cô giáo Triệu Thị Tuyết Nhung giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn; cô giáo Đào Thị Minh Thuý, giáo viên Trường Hữu Nghị T78, cô giáo Chu Thị Nga, giáo viên Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc, cô giáo Phạm Thị Bích Loan, giáo viên Trung tâm giáo dục thường xuyên Cao Bằng.
Các nhà khoa học, giảng viên ở các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực. Các nhà khoa học, giảng viên thực sự gương mẫu đi đầu trong việc kết hợp giảng dạy với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, biên tập, biên dịch, cập nhật kiến thức tiên tiến, hiện đại viết các giáo trình giảng dạy và tham khảo; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học trẻ. Những công trình nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp nhà nước của các giảng viên, một mặt góp phần giải quyết những vấn đề của đời sống kinh tế - xã hội, công bố trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước, giao lưu, trao đổi, hợp tác về mặt khoa học với quốc tế, mặt khác góp phần đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Tiêu biểu là GS.TS Nguyễn Ngọc Cơ, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; GSTS Đặng Thị Loan, giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; PGS. TS Hồ Thế Hà, giảng viên Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế; PGS. TS Phan Trung Huy, giảng viên Trường Đại học Bách Khoa Hà nội, v.v. Thạc sỹ Nguyễn Độ, giảng viên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng bị tai biến mạnh máu não 21 năm nay, sức khoẻ bị hạn chế, nhưng đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn của chính bản thân, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Các nhà giáo giỏi về chuyên môn, đồng thời hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cán bộ Công đoàn cơ sở trường học, cán bộ Đoàn Thanh niên, Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Họ thực sự đi đầu đổi mới phương thức hoạt động đoàn thể chính trị - xã hội, tập hợp, động viên đội ngũ đoàn viên, hội viên, đội viên đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động trong ngành, tạo động lực to lớn thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của nhà trường, đơn vị, như: thạc sĩ Lê Quí Đức, Chủ tịch công đoàn Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh; thạc sĩ Vũ Đắc Toàn, Chủ tịch công đoàn Trường Trung học phổ thông Kim Sơn A, tỉnh Ninh Bình, đạt danh hiệu “Cán bộ công đoàn tiêu biểu giai đoạn 2008 - 2013” của tỉnh; cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch công đoàn Trường Trung học phổ thông chuyên Bến Tre; cô giáo Nguyễn Hồng Phượng, Chủ tịch công đoàn Trường Trung học cơ sở thị trấn, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh; thầy giáo Tô Ngọc Sơn, Tổng phụ trách giỏi cấp tỉnh, giáo viên Trường tiểu học Chu Văn An, phường 3, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Các nhà giáo có phẩm chất đạo đức tốt, chuyên môn giỏi được các cấp uỷ Đảng và chính quyền Nhà nước giao nhiệm vụ làm cán bộ quản lý là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường học, học viện ở các cấp học, bậc học đã có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý nhà trường và đơn vị. Cán bộ quản lý đi sâu, đi sát thực tiễn, giám làm, giám chịu trách nhiệm, đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý nhà trường, đoàn kết, tập hợp đội ngũ cán bộ, nhà giáo và công nhân viên chức trong trường tập trung xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị theo hướng hiện đại, đạt chuẩn qui định; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhà giáo vững mạnh, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nội dung giáo dục học sinh, sinh viên.
Bên cạnh những nhà giáo tiêu biêu có mặt và được vinh danh tại buổi Lễ tuyên dương vào ngày 16-17/11/2013, còn nhiều nhà giáo có thành tích xuất sắc đã và đang thầm lặng đóng góp công sức của mình cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ trên cả nước, họ là những bông hoa ngát hương trong vườn hoa “Hai tốt” của ngành Giáo dục và Đào tạo.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2013 xin trân trọng gửi tới các nhà giáo trên mọi miền đất nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất; kính chúc các thầy, cô giáo luôn dồi dào sức khỏe, hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình trong sự nghiệp trăm năm trồng người. Với tinh thần yêu nước, yêu ngành và tâm huyết với nghề, tin chắc rằng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục khắc phục khó khăn, thực hiện lời dạy của Bác trong bức thư cuối cùng Người gửi cho ngành và cho các thầy giáo, cô giáo “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2013 – 2014; góp phần thực hiện Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng được sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
CĐGD Việt Nam