Thấm nhuần những lời dạy của Bác Hồ về tầm quan trọng của gia đình và giáo dục gia đình, ngày 4 tháng 5 năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg, chọn ngày 28-6 hằng năm là ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định nêu rõ: lấy ngày 28/6 hằng năm là ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo của các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ngày Gia đình Việt Nam là mốc quan trọng để những con người đất Việt hướng về cội nguồn, về những người thân yêu, qua đó nuôi dưỡng những tình cảm đẹp, những giá trị văn hoá cao quý của dân tộc. Cho dù có đi đâu, làm gì, gia đình vẫn là nơi để nhớ, để yêu thương và để quay về. Bởi gia đình luôn là nơi khởi nguồn và hình thành nhân cách của mỗi con người. Tình cảm gia đình là cơ sở tốt đẹp, bền vững của lòng yêu nước, yêu dân. Đối với người Việt Nam, quan hệ gia đình là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình là nơi duy trì truyền thống và trao quyền các giá trị văn hóa. Nó tạo dựng cơ sở cho sự trật tự, ổn định xã hội và hình thành nhân cách con người.
Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm, đề cao vai trò của gia đình trong xã hội. Vì vậy, cách đây 63 năm, trong một hội thảo hôn nhân - gia đình ngày 10/10/1959, Bác Hồ dạy: “Quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”; “Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”. Theo Bác, một gia đình mới, một gia đình tốt trong xã hội chủ nghĩa là một gia đình mà trong đó các thành viên trong gia đình phải biết yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, chia sẽ những khó khăn trong công việc cùng nhau, nam nữ bình đẳng. Phải đề cao và tôn trong người phụ nữ. Trong thư ngày 31/10/1955, sau khi căn dặn thầy giáo, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng, Bác viết: “Tôi cũng mong các gia đình liên lạc chặt chẽ với nhà trường, giúp đỡ nhà trường giáo dục và khuyến khích các em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích nhân dân”. Trong gia đình, cha mẹ là người có ảnh hưởng rất lớn đối với con trẻ, vì vậy, Bác “mong cha mẹ học trò hết sức giúp đỡ nhà trường trong việc giáo dục con em chúng ta cho có kết quả tốt đẹp”. Bác nhắc nhở trong gia đình các bậc cha mẹ phải gương mẫu trước con em, trẻ em hay bắt chước cho nên các thầy giáo, cha mẹ đều phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm. Trong xã hội có nhiều tệ nạn, thị phi thì gia đình chính là thành lũy kiên cố bảo vệ và giúp cho con em mình duy trì được lối sống văn hóa. Cái lý tưởng đầu tiên của con trẻ về chân, thiện, mỹ được hình thành bởi sự liên lạc giữa con trẻ và bố mẹ. Và chính gia đình là nơi khai sinh ra những ý tưởng đầu tiên của con trẻ về sự tự chủ, vâng lời, về sự thật, sự tha thứ, hình thành lối sống văn hoá tốt đẹp, lòng yêu nước, sự đùm bọc lẫn nhau,… Bên cạnh đó, Bác Hồ cho rằng giáo dục gia đình không chỉ bó hẹp trong phạm vi từng gia đình riêng lẻ mà phải mở rộng ra toàn xã hội, phải chăm lo đến cả con cái những gia đình khác trong đại gia đình của dân tộc ta. Theo nghĩa mới thì gia đình rộng rãi hơn, tốt đẹp hơn. Ví dụ: Những người cùng làm trong một nhà máy, cùng công tác trong một cơ quan… đều phải đoàn kết và thương yêu nhau như anh em trong một gia đình. Rộng hơn nữa là đồng bào cả nước đều là anh em trong một gia đình.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam đang bị phai nhạt khiến cho nhiều gia đình Việt Nam có nguy cơ rơi vào khủng hoảng, nền tảng xã hội thiếu vững chắc. Do đó, xây dựng gia đình nề nếp, có văn hóa, xây dựng "gia đình ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng con người mới. Ngày Gia đình Việt Nam đang trở thành một sinh hoạt văn hóa cộng đồng lành mạnh, giáo dục, động viên mọi người thể hiện tình thương yêu và trách nhiệm đối với tổ ấm của mình, đồng thời thể hiện trách nhiệm đối với tương lai của dân tộc. Bởi vậy, dù có đi đâu, làm gì đi chăng nữa, hãy luôn hướng về gia đình, nhớ đến gia đình với những gì tốt đẹp nhất.
21 năm qua, ngày Gia đình Việt Nam 28/6 đã dần trở thành một khái niệm gần gũi với nhiều người dân Việt Nam. Đây thực sự là một ngày rất đặc biệt và có ý nghĩa đối với mọi người, mọi gia đình Việt Nam, là ngày lễ tôn vinh những giá trị gia đình Việt Nam, là ngày xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không có cha mẹ, cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc "Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc". Đồng thời cũng là dịp để chúng ta cùng nhau chung tay chống lại bạo lực gia đình, bất bình đẳng trong hôn nhân, lên án xâm hại trẻ em và đề cao những hành động đẹp của các thành viên trong gia đình.
Năm nay, Ngày gia đình Việt Nam 28/6 với chủ đề “Gia đình bình an, xã hội hạnh phúc”, gắn với tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình (15/5 - 30/6) là hoạt động ý nghĩa, tạo sự lan tỏa và tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, hướng đến sự phát triển toàn diện của mỗi gia đình, đồng thời nhắc nhở tất cả mọi người hãy quan tâm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững; xây dựng mối quan hệ gia đình, bình đẳng giới trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam.
Với ý nghĩa và tầm quan trọng của ngày gia đình Việt Nam, đặc biệt là công tác xây dựng và giáo dục gia đình trong đội ngũ CBNGNLĐ trong Ngành, nhân dịp 21 năm Ngày gia đình Việt Nam (21/6), CĐGD Việt Nam đề nghị các đơn vị tiếp tục quan tâm chỉ đạo, chú trọng công tác xây dựng gia đình, phát huy giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam; tổ chức các diễn đàn, các hoạt động để CBNGNLĐ được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng gia đình theo tiêu chí: văn hóa, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; tạo môi trường sống an toàn và lành mạnh cho trẻ em, ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình, bạo lực học đường; tổ chức tập huấn, hội nghị, tọa đàm về nội dung công tác gia đình và trẻ em trong tình hình mới, những kiến thức, kỹ năng để tổ chức tốt gia đình đảm bảo an toàn, chất lượng; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và kịp thời xử lý khi có các dấu hiệu và hành vi hành hạ, xâm hại trẻ em cho CBNGNLĐ trong ngành Giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm xây dựng gia đình, phát triển vun đắp, giữ gìn giá trị truyền thống gia đình bền vững và thực hiện hệ giá trị gia đình Việt Nam;
Tin: Ban Tuyên giáo – Nữ công CĐGD Việt Nam