Đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”
góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ nữ cán bộ, nhà giáo và người lao động
đáp ứng yêu cầu mới
Nguyễn Thị Bích Hợp, Phó Chủ tịch CĐGD Việt Nam
Phong trào thi đua “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” trong nữ công nhân, viên chức, lao động do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phát động từ năm 1989, được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn Giáo dục Việt Nam cụ thể hóa thành phong trào “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” trong ngành Giáo dục. Trải qua hơn 26 năm, phong trào “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” tiếp tục có sức lan tỏa, ngày càng có chiều sâu, phát huy được phẩm chất tốt đẹp và tiềm năng to lớn của nữ cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGLĐ) trong các hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần phát triển kinh tế xã hội và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, khẳng định được vị thế của đội ngũ nữ CBNGLĐ trong sự nghiệp trồng người.
Tính riêng trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2015, phong trào đã đạt được những kết quả đáng kể. Phụ nữ ngành Giáo dục đã tích cực tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác, đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Có 587.284 chị được đi học; hàng chục vạn lượt nữ nhà giáo tham gia thi giáo viên dạy giỏi và đạt kết quả tốt. Tỷ lệ nữ đạt giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua các cấp luôn chiếm trên 50%. Nhiều chị đạt các danh hiệu, giải thưởng cao quý của Nhà nước. Tính chung các cấp học hiện nay, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn xấp xỉ 100%. Ở khối đại học, cao đẳng, tính trong tổng số thạc sĩ, tiến sĩ thì tỷ lệ nữ chiếm gần 50%. Đặc biệt chị em tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, nhiều chị đã có công trình khoa học được ứng dụng trong thực tiễn sản xuất và đời sống, làm lợi hàng tỷ đồng góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội. Nhiều chị không chỉ miệt mài, say mê với chuyên môn, quan tâm chăm lo đội ngũ giáo viên, thương yêu học sinh, nêu cao tinh thần “Tương thân, tương ái” với những nghĩa cử cao đẹp của nhà giáo, mà còn là người năng động trong phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập cho gia đình mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Các đơn vị cơ bản đều có nữ tham gia lãnh đạo, riêng khối phổ thông và Mầm non, nữ quản lý chiếm khoảng 62%. Hàng năm, có trên 80% nữ nhà giáo đạt danh hiệu “Giỏi việc trường - đảm việc nhà” các cấp, 90-95% gia đình nữ nhà giáo đạt danh hiệu Gia đình văn hóa. Hầu hết con của nữ CBNGLĐ ngành Giáo dục đều là con ngoan, trò giỏi, đạt học sinh giỏi các cấp; nhiều cháu đoạt giải thưởng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; trên 500 nữ nhà giáo được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú; nhiều chị được kết nạp Đảng. Nhiều chị được lựa chọn quy hoạch, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong và ngoài ngành; được lựa chọn, bầu vào cấp uỷ, hội đồng nhân dân các cấp,...
Trong giai đoạn vừa qua, công tác chỉ đạo, triển khai phong trào luôn được các đơn vị quan tâm thực hiện. Nội dung, hình thức tổ chức phong trào được đổi mới, sáng tạo, phong phú, phù hợp với từng đơn vị, địa phương, vùng miền, từng đối tượng phụ nữ, có tác động mạnh mẽ trong việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nữ CBNGLĐ, tạo động lực để chị em phát huy năng lực, sở trường, sức sáng tạo và trí tuệ của mình. Chất lượng đội ngũ nữ CBNGLĐ được nâng lên ở tầm cao hơn, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo cũng như sự phát triển của mỗi cơ sở giáo dục và của ngành. “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” tiếp tục khẳng định là một phong trào mang tính ngành nghề sâu sắc, phù hợp với đối tượng phụ nữ của ngành Giáo dục.
Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, ngành Giáo dục tăng cường các giải pháp thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ nữ nhà giáo và lao động đáp ứng yêu cầu mới, phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” cần được tiếp tục đẩy mạnh với những mục tiêu sau:
Nâng cao chất lượng của phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” gắn với tuyên truyền giáo dục về 4 phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”. Vận động nữ CBNGLĐ chủ động, tích cực học tập, bồi dưỡng, nghiên cứu nhằm nâng cao trình độ, năng lực; đổi mới phương pháp giảng dạy và quản lý, nghiên cứu khoa học, ứng dụng sản phẩm khoa học sư phạm ứng dụng có hiệu quả; tiếp tục phấn đấu để đạt chuẩn về năng lực nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và hội nhập quốc tế; tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động; xây dựng tập thể, đơn vị đoàn kết, phát triển vững mạnh và xây dựng gia đình theo tiêu chí no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Xây dựng người phụ nữ ngành giáo dục theo 5 tiêu chí: “Yêu nước; Có trình độ chuyên môn vững vàng, năng động, sáng tạo và hoàn thành tốt công tác được giao; Có sức khỏe; Có lối sống văn hóa và tấm lòng nhân hậu; Quan tâm đến lợi ích xã hội và cộng đồng”, giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống trong sáng, giản dị, lành mạnh và thanh danh của nhà giáo.
Theo đó, mỗi đơn vị, trường học trong ngành cần triển khai một số giải pháp cụ thể như sau:
Một là, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 6b/NQ-TLĐ ngày 29/01/2011 về công tác vận động nữ công nhân viên chức lao động thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Chỉ thị số 03/CT-TLĐ ngày 18/8/2010 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà”; tuyên truyền, phổ biến sâu rộng ý nghĩa của phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” trong ngành Giáo dục, các bài học kinh nghiệm, các tấm gương tiêu biểu, điển hình; đồng thời thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo và rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”; lồng ghép với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, phong trào thi đua “Hai tốt”, cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”,...
Hai là, động viên nữ CBNGLĐ tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực nghề nghiệp, tin học, ngoại ngữ đáp ứng được yêu cầu mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tập huấn nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới; thực hiện nghiêm túc chính sách dân số, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình và cơ sở giáo dục; nuôi con khỏe, ngoan, học giỏi, chăm lo xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.
Ba là, các cấp công đoàn cần cần chủ động tham gia với chuyên môn đảm bảo việc làm, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, thu nhập ổn định cho nữ CBNGLĐ. Phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ đồng cấp kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách; ngăn ngừa nguy cơ và đấu tranh với các hành vi phân biệt đối xử, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của phụ nữ.
Bốn là, phát hiện, giới thiệu nữ CBNGLĐ ưu tú cho Đảng, chính quyền xem xét bồi dưỡng kết nạp vào Đảng, tham gia cấp ủy, bộ máy lãnh đạo chính quyền, đoàn thể các cấp; phấn đấu đến năm 2020, mỗi cơ sở giáo dục đều có ít nhất 01 cán bộ nữ tham gia lãnh đạo quản lý đơn vị và phấn đấu tăng tỉ lệ nữ giữ cương vị thủ trưởng đơn vị.
Năm là, tăng cường sự chỉ đạo của các cấp công đoàn, tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban nữ công các cấp để làm tốt công tác tham mưu về công tác vận động nữ, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác nữ công, đặc biệt là triển khai phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” ngày càng hiệu quả, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ nữ CBNGLĐ.
Sáu là, các đơn vị cần cụ thể hóa mục tiêu, nội dung, tiêu chuẩn thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” cho phù hợp; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá phong trào; biểu dương khen thưởng kịp thời, nhân rộng điển hình tiến tiến.
Phát huy những kết quả đã đạt được, với kinh nghiệm trong quá trình chỉ đạo và tổ chức triển khai phong trào nhiều năm qua, các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu và có sức lan toả mạnh mẽ, để phụ nữ ngành Giáo dục có nhiều đóng góp xứng đáng hơn nữa, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ ngành Giáo dục trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế./.