TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Số: 64/KH-CĐN
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨAVIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 14 tháng 3 năm 2014
|
KẾ HOẠCH
Triển khai chiến lược phát triển gia đình Việt Nam và Chương trình
hành động Quốc gia phòng chống bạo lực gia đình đến năm 2020;
Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc 20 tháng 3 hàng năm
Nhằm tiếp tục triển khai Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 06/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia phòng chống bạo lực gia đình đến năm 2020; Quyết định số 2589/QĐ-TTg ngày 26/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về “Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 hành năm”; Căn cứ Kế hoạch số 18/KH-TLĐ, ngày 28/2/2014 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Triển khai chiến lược phát triển gia đình Việt Nam và Chương trình hành động Quốc gia phòng chống bạo lực gia đình đến năm 2020, Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 năm 2014”, Công đoàn Giáo dục Việt Nam xây dựng kế hoạch triển khai như sau:
I. Mục đích, yêu cầu
- Nâng cao nhận thức của các cấp Công đoàn, của nhà giáo và lao động (NGLĐ), đề cao vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình, hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình; ý nghĩa của ngày Quốc tế hạnh phúc 20 tháng 3 hàng năm, từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, cộng đồng hạnh phúc của Việt Nam.
- Tuyên truyền đến các thành viên trong gia đình NGLĐ kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; thực hiện đầy đủ các quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình.
- Việc tổ chức các hoạt động phải thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, tránh lãng phí.
II. Mục tiêu
1. Mục tiêu chung
- Xây dựng gia đình NGLĐ no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng hạnh phúc của Việt Nam;
- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp Công đoàn, của NGLĐ trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Phấn đấu đến năm 2015 đạt trên 80%, đến năm 2020 đạt 100% cán bộ chủ chốt Công đoàn các cấp và cán bộ nữ công Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng tuyên truyền về công tác gia đình, về bình đẳng giới, lồng ghép giới trong hoạt động Công đoàn và nâng cao năng lực phòng chống bạo lực gia đình;
2.2. Phấn đấu đến năm 2015 đạt trên 90%, đến năm 2020 đạt trên 95% gia đình NGLĐ được phổ biến, tuyên truyền và cam kết thực hiện tốt các chủ trương, chính sách pháp luật về hôn nhân, gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc;
2.3. Phấn đấu đến năm 2015 đạt trên 90%, đến năm 2020 đạt 100% NGLĐ trước khi kết hôn được trang bị kiến thức cơ bản về gia đình, về sức khoẻ sinh sản, tình dục trước hôn nhận, về phòng chống bạo lực gia đình.
III. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
1. Tăng cường công tác tuyên truyền, tiếp tục nâng nhận thức cho đội ngũ cán bộ Công đoàn, NGLĐ về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; vị trí, vai trò của gia đình trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước;
2. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nữ công, công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, việc thực hiện chính sách pháp luật về gia đình, hôn nhân gia đình và lồng ghép vào trong các nhiệm vụ, hoạt động Công đoàn;
3. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 6b ngày 29/01/2011 của Ban Chấp hành TLĐ LĐ Việt Nam khoá X về “Công tác vận động nữ CNVCLĐ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Chỉ thị 03 ngày 18/8/2010 của Đoàn Chủ tịch TLĐ về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ gắn với việc tổ chức cuộc vận động xây dựng “Gia đình CNVCLĐ hạnh phúc”. Hàng năm phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp tổ chức hiệu quả các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), ngày Gia đình Việt Nam (28/6), đồng thời bình xét, khen thưởng, biểu dương kịp thời những gia đình NGLĐ tiêu biểu để tuyền truyền và nhân rộng;
4. Xây dựng mô hình tổ chức Công đoàn không có đoàn viên gây bạo lực gia đình. Vận động NGLĐ ký cam kết xây dựng gia đình văn hoá, gia đình không có bạo lực và tham gia cuộc vận động xây dựng “Gia đình CNVCLĐ hạnh phúc”;
5. Làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho NGLĐ; tham gia xây dựng, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan NGLĐ, đặc biệt những chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động, nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo cho con NGLĐ;
6. Tổ chức hiệu quả các hoạt động xã hội trong NGLĐ, tạo điều kiện cho NGLĐ có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ vay vốn, phát triển kinh tế gia đình; hỗ trợ con NGLĐ vượt khó vươn lên;
7. Tuyên truyền những tấm gương người tốt, việc tốt; những câu chuyện thực, việc thực; những kinh nghiệm, mô hình hay về các hoạt động vì hạnh phúc, xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc; phê phán những biểu hiện, hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật về gia đình; khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức, cộng đồng có hoạt động tích cực đem lại hạnh phúc cho người thân, gia đình và cộng đồng;
8. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3 năm 2014: Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc sẽ được tổ chức từ ngày 8/3/2014 đến ngày 21/3/2014, trong đó tổ chức cao điểm vào ngày 20/3/2014 với chủ đề “Yêu thương và chia sẻ” theo tinh thần Công văn số 342/BVHTTDL-GĐ, ngày 18/02/2014 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Khẩu hiệu tuyên truyền:
- Hưởng ứng ngày Quốc tế Hạnh phúc 20 tháng 3;
- Hãy hành động vì mục tiêu: Gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc;
- Hãy tạo ra một môi trường sống và làm việc hạnh phúc hơn;
IV. Tổ chức thực hiện
1. Công đoàn Giáo dục Việt Nam
- Tiếp tục cụ thể hoá việc chỉ đạo triển khai các nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình gắn với triển khai 6 Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIV Công đoàn Giáo dục Việt Nam;
- Chỉ đạo các cấp Công đoàn trong hệ thống, phối hợp với các cơ quan truyền thông cùng cấp tuyên truyền về công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, tuyên truyền, nhân rộng các gương gia đình NGLĐ tiêu biểu;
- Hướng dẫn tổ chức cuộc vận động xây dựng “Gia đình CNVCLĐ hạnh phúc”; vận động đoàn viên công đoàn thực hiện chính sách, pháp luật về công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình;
- Giao cho Ban Tuyên giáo - Nữ công chủ trì, phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ Ngành để tham mưu cho Ban Thường vụ Công đoàn Giáo dục Việt Nam triển khai thực hiện và định kỳ báo cáo kết quả với Tổng Liên đoàn.
2. Công đoàn cấp trên cơ sở và Công đoàn cơ sở trực thuộc
- Căn cứ kế hoạch này và tình hình thực tế của địa phương, đơn vị triển khai Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam và Chương trình hành động Quốc gia phòng chống bạo lực gia đình, tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc hàng năm hiệu quả.
- Tổ chức thực hiện cuộc vận động xây dựng “Gia đình CNVCLĐ hạnh phúc” hàng năm, có thể tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm về vấn đề gia đình và hạnh phúc gia đình, phòng chống bạo lực gia đình; biểu dương, khen thưởng gia đình tiêu biểu.
Đề nghị các cấp Công đoàn trong ngành triển khai thực hiện kế hoạch này, báo cáo về Công đoàn Giáo dục Việt Nam (qua Ban Tuyên giáo - Nữ công). Các đơn vị truy cập vào địa chỉ http//congdoanvn.org.vn để lấy tài liệu./.
Nơi nhận:
- Ban Nữ công TLĐ (B/c);
- Ban VSTBPN Ngành (P/h);
- CĐGD tỉnh, TP; các CĐ trực thuộc (thực hiện);
- Lãnh đạo, các ban CĐGDVN;
- Lưu VP, Ban TG-NC.
|
TM. BAN THƯỜNG VỤ
PHÓ CHỦ TỊCH
(đã ký)
Nguyễn Thị Bích Hợp
|