logo Chuyên đề Tuyên truyền giáo dục

Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động lớn trong ngành, động viên đội ngũ Nhà giáo phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học mới. (PGS. TS Trần Công Phong - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam)
(09:49, 30/07/2010)

ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC VÀ CÁC CUỘC

VẬN ĐỘNG LỚN TRONG NGÀNH, ĐỘNG VIÊN ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN THẮNG LỢI NHIỆM VỤ NĂM HỌC MỚI

 

PGS. TS Trần Công Phong

Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam

 

1. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ngay từ đầu năm học 2009 - 2010, Ban Thường vụ Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã phát động và chỉ đạo trong đội ngũ nhà giáo và lao động của ngành phong trào thi đua rộng lớn, lập thành tích thiết thực kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2010); 35 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2010); 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2010); chào mừng đại hội Đảng các cấp và hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Công đoàn giáo dục các cấp, đặc biệt là công đoàn cơ sở trường học đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi trong đội ngũ nhà giáo và lao động, với những nội dung đa dạng và phong phú. Thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, thi giáo viên dạy giỏi, cán bộ thư viện giỏi, gắn liền với phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, phong trào “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”, ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp dạy học, nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm, sử dụng và tự làm đồ dùng dạy học, v.v, được đẩy mạnh.

Cũng trong năm học này, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 39 - CT/TW, ngày 21/5/2004, của Bộ Chính trị “về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến” giai đoạn 2004 - 2009; tổng kết 5 năm phong trào “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” lần thứ IV (2005 - 2009) và tổ chức gặp mặt các nữ nhà giáo, nữ sinh viên tiêu biểu 15 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc và 11 tỉnh khu vực duyên hải miền Trung, Tây nguyên. Đặc biệt, trong hai ngày 17 và 18 tháng 5 năm 2010, tại thành phố Vinh, Nghệ An đã tiến hành tổng kết và sơ kết 4 cuộc vận động lớn trong ngành. Sơ kết 3 năm thực hiện các cuộc vận động “Hỗ trợ xây dựng nhà công vụ giáo viên miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn”, cuộc vận động “Quyên góp sách vở, đồ dùng học tập, áo ấm giúp học sinh và giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”, cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; tổng kết 5 năm cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”; tổ chức dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Kim Liên, Nam Đàn và tượng đài Bác ở thành phố Vinh. Đây là hoạt động hết sức có ý nghĩa thiết thực, vừa kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác, vừa báo công với Bác những thành tựu nổi bật của đội ngũ nhà giáo và lao động ngành giáo dục trong những năm gần đây.

2. Thông qua phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động lớn của ngành, công đoàn giáo dục các cấp góp phần nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Tỷ lệ đảng viên trong ngành ở nhiều tỉnh đạt 40% và riêng năm học 2009 - 2010, thống kê từ 63 công đoàn giáo dục tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã bồi dưỡng, kết nạp được 24.866 đảng viên mới. Trong đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ sở trường học đã và đang dấy lên phong trào học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nên so với năm học trước (2008 - 2009), đến năm học này (2009 - 2010), tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo chuyên môn của đội ngũ nhà giáo tiếp tục tăng. Ở mầm non, giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn là 89,1%, tăng (2,9%). Ở Tiểu học, giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn là 98,68% (tăng 1,36%), trong đó trên chuẩn là 43,2%. Ở Trung học cơ sở, giáo viên có trình độ đạt chuẩn 98,37% (tăng 1%), trong đó trên chuẩn 30,43%. Ở Trung học phổ thông, giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn 98% (tăng 0,6%), trong đó 3,8% thạc sĩ trở lên. Ngành giáo dục các tỉnh, thành phố đã thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, tiêu biểu là Thái Nguyên, Hà Nội, Nghệ An, Thái Bình, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Dương, Bến Tre, v.v.  

 - Phát huy dân chủ, chủ động, sáng tạo trong việc huy động các nguồn lực, chăm lo đời sống, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đội ngũ nhà giáo và lao động, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Dân chủ ở các trường học và đơn vị giáo dục được phát huy, tạo động lực cho quá trình đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Hàng năm, có từ 95% đến 98% trường học ở phổ thông đều tổ chức tốt hội nghị cán bộ, công chức với tinh thần “dân chủ, công khai, công bằng” trong xây dựng kế hoạch, phân công lao động, đánh giá thi đua, khen thưởng, sử dụng các nguồn quĩ và huy động các nguồn lực phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo ở mỗi nhà trường và đơn vị giáo dục.

Bên cạnh việc sử dụng ngân sách Nhà nước thực hiện đề án kiên cố hoá trường học và xây dựng 1,6 triệu m2 nhà công vụ giáo viên theo Quyết định số 20, ngày 01/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ, thì trong 3 năm qua đội ngũ nhà giáo và lao động trong ngành tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục. Cuộc vận động “Hỗ trợ xây dựng nhà công vụ giáo viên miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn” huy động được hơn 104 tỷ 693 triệu đồng, xây dựng 59.796 m2 nhà ở, tương đương 1993 căn nhà diện tích 30 m2. Đồng thời thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Quyên góp sách vở, đồ dùng học tập, áo ấm giúp học sinh và giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn” với kết quả 112 tỷ 550 triệu đồng, gần 7 triệu quyển sách giáo khoa, sách tham khảo, vở viết, hàng triệu bộ quần áo và các đồ dùng học tập khác, góp phần chăm lo đời sống đội ngũ nhà giáo và thực hiện nội dung 3 đủ: đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn.

Hoạt động giáo dục - đào tạo, dạy và học ở các trường học, đơn vị giáo dục được giữ vững, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành, ổn định chính trị - xã hội trên toàn quốc. Công tác phổ cập trung học cơ sở tiếp tục đạt kết quả tốt. Môi trường sư phạm, xanh - sạch - đẹp, an toàn vệ sinh được tạo dựng. Số trường học đạt chuẩn ngày càng tăng: Ở tiểu học có 4.696 trường đạt chuẩn, trung học cơ sở có 1.112 trường đạt chuẩn; trung học phổ thông có 145 trường đạt chuẩn. Số nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và lao động trong ngành đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua các cấp chiếm tử 20% đến 30%. Hàng năm, phụ nữ trong ngành giáo dục đạt danh hiệu “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” với tỷ lệ 87,6%; số gia đình đạt danh hiệu “Gia đình nhà giáo văn hoá” là 92,5%; con của cán bộ, giáo viên trong ngành học khá, giỏi từ 40% đến 50%.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam, một mặt tham gia với Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của nhà giáo và lao động trong ngành, mặt khác chỉ đạo công đoàn giáo dục các cấp, đội ngũ nhà giáo và lao động thực hiện có hiệu quả các hoạt động thăm hỏi, giúp đỡ, trợ cấp giáo viên khó khăn và hoạt động nhân đạo, từ thiện do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hoặc thực hiện chính sách địa phương; ủng hộ đồng bào bị bão lụt, thiên tai; ủng hộ quĩ trẻ em tàn tật, quĩ vì người nghèo, quĩ đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc bà mẹ Việt Nam anh hùng với số tiền hàng chục tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2010, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã kịp thời thăm hỏi, trợ cấp giúp đỡ cho giáo viên khó khăn với số tiền gần 300 triệu đồng. Công đoàn giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với chuyên môn đã tham mưu cho Uỷ ban Nhân dân thành phố thực hiện “Phụ cấp đi sớm về trễ” cho giáo viên mầm non, góp phần vừa tăng thu nhập, vừa nâng cao trách nhiệm của giáo viên trong việc nuôi dạy các cháu ở mầm non.

- Hướng về cơ sở và lấy cơ sở làm địa bàn chính để thực hiện chủ đề của năm học “Đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục”, công đoàn giáo dục các tỉnh, thành phố chỉ đạo công đoàn các trường học và đơn vị giáo dục  phối hợp với chính quyền đồng cấp, tiến hành đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới công tác quản lý dạy và học trên lớp, hoạt động ngoài giờ lên lớp, giữ vững nền nếp, kỷ cương học đường; đồng thời tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao thiết thực kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm học, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Nhiều tập thể và cá nhân hoạt động công đoàn xuất sắc tiêu biểu từ cơ sở được các cấp khen thưởng. Tổng kết 5 năm phong trào “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” lần thứ IV (2005 - 2009); sơ kết và tổng kết 4 cuộc vận động đã có 01 tập thể được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng cờ thi đua; 60 tập thể và 51 cá nhân được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen; 148 tập thể và 174 cá nhân được Công đoàn Giáo dục Việt Nam tặng bằng khen.

- Công đoàn giáo dục các cấp tiếp tục đổi mới tư duy và hoạt động thực tiễn, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh. Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà xuất bản Giáo dục phát động cuộc thi viết “Câu chuyện tình hưống đạo đức và pháp luật” để rèn luyện đội ngũ nhà giáo, đoàn viên và lao động; đồng thời ký kết văn bản phối hợp chỉ đạo công đoàn giáo dục các cấp với 47 Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố Trung ương. Tổ chức được 7 lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho 778 cán bộ chủ chốt của công đoàn giáo dục các cấp. Phối hợp với các Cục, Vụ chức năng của Bộ tiến hành bồi dưỡng cho 2.700 hiệu trưởng trường Trung học phổ thông trên toàn quốc về nội dung, phương pháp tổ chức, thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Công đoàn cơ sở vững mạnh đạt tỷ lệ 87,5% và đã kết nạp được 35.697 đoàn viên mới.

- Công đoàn giáo dục các cấp chủ động, tích cực tham gia hội nhập quốc tế về giáo dục, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại. Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Hội đồng giáo giới các nước ASEAN lần thứ 25 tại Hà Nội (12/2009) với sự tham gia của đại biểu 17 tổ chức công đoàn giáo dục ở 8 nước trong khu vực và 271 đại biểu trong nước. Đây là hoạt động đối ngoại nổi bật của Công đoàn Giáo dục Việt Nam trong nhiều năm qua và được ngành giáo dục đánh giá là một trong 12 sự kiện nổi bật của ngành năm 2009. Ngoài ra, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tiếp tục cử cán bộ tham dự các hội thảo, hội nghị do công đoàn giáo dục thế giới tổ chức; làm việc với công đoàn giáo dục Mỹ và tổ chức trao đổi kinh nghiệm hoạt động công đoàn với công đoàn giáo dục nhiều nước (Singapore, Malaysia, Úc, Thái Lan, v.v).

- Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua và các cuộc vận động trong ngành còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém nhất định. Một số đơn vị, trường học, một bộ phận cán bộ quản lý chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và tổ chức các cuộc vận động, do đó triển khai thực hiện thiếu kế hoạch thống nhất trong toàn bộ năm học. Nội dung thi đua và nội dung các cuộc vận động còn có sự chồng chéo và trùng lặp, nên nhiều đơn vị, trường học chưa gắn chặt nội dung thi đua, nội dung các cuộc vận động với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị, nhà trường. Một số cuộc vận động triển khai chưa có chiều sâu, chưa đều khắp ở các vùng, miền và vẫn còn mang tính hình thức. Một số ít nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chưa gương mẫu, tự giác trong việc thực hiện kỷ luật lao động, qui chế chuyên môn, vi phạm đạo đức nhà giáo.

Những hạn chế, yếu kém đó, nguyên nhân về chủ quan là do công tác tuyên truyền chưa thật sâu rộng; các văn bản chỉ đạo chưa thật đồng bộ. Nhiều trường học, đơn vị hệ thống qui chế, nội qui còn thiếu và chất lượng chưa cao, dẫn đến công tác điều hành quản lý gặp nhiều khó khăn. Đội ngũ cán bộ công đoàn ở các trường học hầu hết kiêm nhiệm và nhiều người chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng công tác công đoàn. Sự phối hợp giữa công đoàn với chính quyền đồng cấp trong công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện phong trào thi đua và các cuộc vận động chưa thật sâu sát, hiệu quả.

3. Trong năm học mới 2010 - 2011, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, lao động, học sinh, sinh viên trong ngành, cùng với nhân dân cả nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội thiết thực kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; chào mừng đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI; chào mừng Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII; đồng thời kỷ niệm 65 năm nền Giáo dục cách mạng, chào mừng Đại hội thi đua yêu nước và các điển hình tiên tiến ngành giáo dục lần thứ V, kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Công đoàn Giáo dục Việt Nam (22/7/1951 - 22/7/2011)

Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục các hạn chế, yếu kém và khó khăn, công đoàn giáo dục các cấp phối hợp với chính quyền đồng cấp chỉ đạo và tổ chức đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động lớn trong ngành, động viên đội ngũ nhà giáo phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học mới có chủ đề “Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, với những nhiệm vụ chủ yếu sau:

- Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong đội ngũ nhà giáo và lao động của ngành về đường lối của Đảng; chính sách pháp luật Nhà nước; chủ trương, kế hoạch của ngành; nội qui, qui chế của cơ quan, đơn vị, trường học. Phát huy thế mạnh các phương tiện thông tin báo chí của ngành và của các đơn vị: Báo Giáo dục và Thời đại, Tạp chí Giáo dục, Tạp chí Thế giới mới, Tạp chí Giáo chức; các báo, tạp chí, bản tin nội bộ của các đơn vị, trường học để truyền tải những nội dung thiết thực kỷ niệm các sự kiện chính trị lớn của đất nước, của ngành và đơn vị. Chú trọng thực hiện tốt việc phổ biến, tuyên truyền trực tiếp trong các cuộc họp công đoàn ở cơ sở, trong các hội nghị tổng kết và triển khai nhiệm vụ năm học mới.

- Công đoàn giáo dục các cấp phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức tổng kết và sơ kết phong trào thi đua và các cuộc vận động, nhân rộng các điển hình tiên tiến; tổ chức đại hội thi đua yêu nước của ngành và địa phương, tiến tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII. Căn cứ vào nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới 2010 - 2011, lựa chọn và lồng ghép nội dung thi đua, nội dung các cuộc vận động cho phù hợp với thực tiễn của địa phương, đơn vị, trường học. Lấy việc chăm lo đời sống, đại diện quyền, lợi ích của đoàn viên và lao động; nâng cao trình độ chính trị, phẩm chất đạo đức và lối sống, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo để đánh giá hiệu quả phong trào thi đua và các hoạt động của tổ chức công đoàn giáo dục các cấp.

- Nắm vững chủ đề năm học “Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, công đoàn phối hợp với chính quyền đồng cấp chủ động rà soát những văn bản qui phạm pháp luật, nội qui, qui chế đã có, kịp thời kiến nghị lãnh đạo các cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi, điều chỉnh những qui định không còn phù hợp với thực tiễn công tác của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đồng thời tham gia xây dựng những văn bản mới về chế độ chính sách liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của nhà giáo, lao động trong ngành.

Phối hợp với chính quyền quan tâm đúng mức hoạt động của công đoàn các trường học, cơ sở giáo dục ngoài công lập; các trường học và cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài.

-  Phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 với nội dung và hình thức thiết thực. Tổ chức gặp mặt các nhà giáo Nhân dân, nhà giáo Ưu tú được phong tặng lần thứ XI và các nhà giáo đã nghỉ hưu gắn liền với tạo đàm, hội thảo, trao đổi, tôn vinh nghề dạy học; động viên và biểu dương những nhà giáo tâm huyết, ý thức tổ chức kỷ luật và đạo đức tốt, thường xuyên tự học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và sáng tạo trong các hoạt động giáo dục, góp phần đổi mới mạnh mẽ sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Tham gia tổng kết việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ, ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg, ngày 11/01/2005 của Thủ tướng Chính phủ về “xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục” giai đoạn 2005 - 2010.

- Tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống tổ chức công đoàn ngành vững mạnh. Tổ chức ký qui chế phối hợp chỉ đạo giữa Công đoàn Giáo dục Việt nam với 16 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố còn lại; đồng thời chỉ đạo công đoàn giáo dục các tỉnh, thành phố Trung ương ký qui chế phối hợp với Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Tổ chức Hội nghị giữa nhiệm kỳ để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam khóa XIII (2008 - 2013). Tổ chức thực hiện tốt công tác qui hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ công đoàn giáo dục các cấp, đáp ứng yêu cầu hoạt động công đoàn trong thời gian tới theo tinh thần Nghị quyết số 4a, ngày 04/3/2010 của Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

- Tiếp tục mở rộng mối quan hệ hợp tác giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động công đoàn trong và ngoài nước; tham gia tốt hội nghị thường niên Hội đồng giáo giới ASEAN lần thứ 26 tổ chức tại Philipinne (vào 12/2010), nâng cao vị thế và vai trò của Công đoàn Giáo dục Việt Nam đối với công đoàn giáo dục của các nước trong khu vực; tạo điều kiện cho cán bộ và đoàn viên công đoàn tham gia trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm hoạt động công đoàn với đội ngũ giáo viên nước ngoài theo đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

- Chỉ thị số 40-CT/TƯ, ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”.

- Chỉ thị số 39-CT-TƯ, ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến.

 

  




  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 18759959
Online: 68
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn