Nhân kỷ niệm 130 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu; cán bộ, viên chức cơ quan Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã được vào lăng viếng Bác, thăm nhà Bác ở đồng thời được tham quan triển lãm về Người; trong đó được tham dự triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam’ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Có dịp được viếng Bác, thăm lại nơi Bác từng làm việc, chỉ đạo cách mạng Việt Nam và tham quan những tư liệu, hiện vật và hình ảnh về Người; đặc biệt là được tìm hiểu thêm về những di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với sự ra đời, vai trò của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam - những hiện vật đặc biệt của Bác trong dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Người; mỗi người đều cảm nhận sâu sắc và xúc động trước những tình cảm, sự quan tâm của Bác đối với cán bộ, công nhân viên chức, người lao động và tổ chức công đoàn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, mà chính Người đã đặt cơ sở và lý luận cho việc thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam – một tổ chức quan trọng đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Ngày 28/7/1929 dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Ban chấp hành Trung ương lâm thời Đông dương cộng sản đã cử đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Đại hội thành lập Tổng công hội đỏ - tiền thân của tổ chức công đoàn. Trong quá trình tìm đường cứu nước và từ thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam, Bác đã sớm nhận thức và khẳng định sứ mệnh lịch sử, vai trò to lớn của giai cấp công nhân Việt Nam và tổ chức công đoàn trong đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc cũng như trong xây dựng và bảo vệ đất nước.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Công đoàn là trường học đầu tiên của chủ nghĩa cộng sản. Người đã khái quát một số chức năng, nhiệm vụ của Công hội đỏ “ Tổ chức công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”.
Người luôn quan tâm tới từng bước đi, từng bước trưởng thành của Công đoàn Việt Nam; dành nhiều thời gian để đi thăm, nói chuyện và chỉ dẫn về công tác công đoàn tại nhiều nhà máy, xí nghiệp, công trường…Trực tiếp Bác đã ký sắc lệnh ban hành Luật công đoàn, trong đó chỉ rõ mục đích, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công đoàn “Công đoàn phải là cải thiện đời sống công nhân, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của giai cấp công nhân nói riêng và nhân dân nói chung”; đồng thời giao cho tổ chức công đoàn quyền quản lý, điều hành quỹ Bảo hiểm xã hội để duy trì hoạt động công đoàn và đảm bảo lợi ích thiết thực cho người lao động.
Đối với cán bộ công đoàn, Bác từng căn dặn “Cán bộ công đoàn phải là người hiểu biết sản xuất, đời sống, nguyện vọng của công nhân, viên chức, phải hiểu chính sách của Đảng, phải hiểu quản lý kinh tế, khoa học kỹ thuật…”. Cán bộ công đoàn phải “cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và bàn bạc với công nhân”.
Về công tác công đoàn, Người chỉ rõ “Muốn tổ chức và phát triển lực lượng xây dựng to lớn của giai cấp công nhân cần có Công đoàn mạnh và cán bộ công đoàn tốt”. Người yêu cầu công đoàn các cấp phải chủ động xây dựng quan hệ đoàn kết và phối hợp giúp đỡ nhau giữa các ngành nghề; phải chống tư tưởng chờ đợi, ỷ lại và cục bộ…đối với anh em lao động trí óc và cán bộ khoa học kỹ thuật, phải có kế hoạch giúp đỡ họ không ngừng tiến bộ, phải thực sự chăm lo nơi ăn, nhà ở của công nhân, viên chức. Công đoàn các cấp cần phải cải tiến lề lối làm việc, sâu sát và thiết thực”.
Bác đã đi xa nhưng những tư tưởng, lời dạy của Người vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay. Thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Bác, trong những năm qua Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã không ngừng đổi mới tổ chức và cải tiến lề lối làm việc; đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo hoạt động; nắm chắc tình hình, có nhiều giải pháp thiết thực, tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch công tác. Hoạt động công đoàn ngày càng thiết thực, hướng mạnh về cơ sở, chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ cán công đoàn và chăm lo, bảo vệ tốt hơn cho CBNGNLĐ; công tác tuyên truyền giáo dục có nhiều đổi mới, tác động tích cực tới cộng đồng. Công đoàn phối hợp cùng chuyên môn thực hiện nhiều giải pháp góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ CBNGNLĐ đáp ứng được yêu cầu. Đời sống vật chất, tinh thần của CBNGNLĐ được quan tâm, chăm lo thiết thực và cải thiện hơn. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động, tạo động lực cho CBNGNLĐ; thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã có hàng vạn nhà giáo phấn đấu rèn luyện trở thành những tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Nề nếp, kỷ cương nhất là việc thực hiện dân chủ trong các đơn vị, trường học được tăng cường và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; CBNGNLĐ có ý thức, trách nhiệm cao hơn trong xây dựng các tập thể nhà trường vững mạnh, dân chủ, đoàn kết và đổi mới. Nhiều hoạt động do CĐGD Việt Nam tổ chức đã có sức lan tỏa trong hệ thống CĐGD các cấp cũng như trong xã hội.
Tháng 5 nhớ Bác, cán bộ CĐGD Việt Nam càng thêm vững niềm tin, quyết tâm thực hiện theo lời dạy của Người; thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, khắc phục mọi khó khăn, xây dựng CĐGD Việt Nam không ngừng lớn mạnh và trưởng thành; đóng góp tích cực cho sự nghiệp đổi mới của tổ chức Công đoàn và của ngành Giáo dục; củng cố và nâng cao vị thế của CĐGD Việt Nam; là chỗ dựa vững chắc và tin cậy cho đoàn viên công đoàn, CBNGNLĐ trong ngành.
Nhớ Bác lòng ta trong sáng hơn
Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi
Vững như muôn ngọn dải Trường Sơn!
Một số hình ảnh
Tin: Văn phòng, CĐGD Việt Nam