logo Chuyên đề Tuyên truyền giáo dục

GHI NHỚ CÔNG LAO CÁC NHÀ GIÁO ĐI B, NHÀ GIÁO LÀ THƯƠNG BINH, LIỆT SĨ
(06:29, 27/07/2012)

Năm 2012, tròn 65 năm thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc chọn một ngày trong năm làm ngày Thương binh liệt sĩ để tỏ lòng biết ơn những người đã có công với nước. PV báo GD-TĐ có cuộc trò chuyện với đ/c Phạm Văn Thanh, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục (CĐGD) Việt Nam về những hoạt động của CĐ ngành và CĐGD các cấp nhân ngày Thương binh liệt sĩ 27/7.

            PV: Đ/c có thể cho biết ngành Giáo dục hiện có bao nhiêu nhà giáo là thương binh, liệt sĩ?  Đ/c Phạm Văn Thanh: Thống kê từ CĐGD các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ; Công đoàn các đại học (ĐH) Quốc gia, ĐH vùng; công đoàn các trường ĐH, cao đẳng và đơn vị trực thuộc, thì hiện nay trong ngành có hơn 1.500 nhà giáo thương binh. Các đơn vị có nhiều thương binh là: Ngành giáo dục Hưng Yên có 275 người, Hải Phòng có 245 người, Bắc Ninh có 154 người, Quảng Bình 58 người, Quảng Ngãi 90 người, ĐH Quốc gia Hà Nội có 18 người, trường ĐH Vinh có 15 người, trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội có 10 người …           

Liệt sĩ nhà giáo có ở hầu hết các vùng, miền của Tổ quốc. Trong ngành hiện nay có 2.219 liệt sĩ nhà giáo (so thống kê năm 1998 đã bổ sung thêm 333 liệt sĩ). Những đơn vị có nhiều liệt sĩ nhà giáo là: Ngành Giáo dục Bắc Giang có 73 liệt sĩ, Hà Nội có 257 liệt sĩ, Thái Bình có 187 liệt sĩ, Nam Định có 173 liệt sĩ, Hưng Yên có 104 liệt sĩ, Hải Phòng có 113 liệt sĩ, Thanh Hoá 140 liệt sĩ, Hà Tĩnh có 98 liệt sĩ, Quảng Bình có 86 liệt sĩ, Quảng Ngãi có 124 liệt sĩ, Phú Yên có 55 liệt sĩ, Bến Tre có 69 liệt sĩ, Đồng Nai có 11 liệt sĩ, trường ĐH Sư phạm Hà nội có 31 liệt sĩ, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội có 10 liệt sĩ, trường ĐH Xây dựng có 8 liệt sĩ, trường ĐH Vinh có 4 liệt sĩ, v.v.  

            PV: “Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống tốt đẹp có từ lâu đời của nhân dân ta, vậy CĐGD Việt Nam đã có những hoạt động gì để tri ân người có công với nước? Đ/c Phạm Văn Thanh: Để thiết thực kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh Liệt Sĩ 27/7, CĐGD Việt Nam đã chỉ đạo CĐGD các cấp, trực tiếp là CĐCS các trường học đã và đang có những hoạt động thiết thực để tri ân các liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng nói chung, với các liệt sĩ, thương binh là nhà giáo nói riêng, như: Dâng hoa và hương tại các nghĩa liệt sĩ, tiếp tục tập hợp danh sách các liệt sĩ nhà giáo, thuơngg binh nhà giáo, nhà giáo đi B vào sổ vàng truyền thống của đơn vị; gặp mặt tặng quà, sổ tiết kiệm, xây nhà tình nghĩa cho thương binh, thân nhân liệt sĩ nhà giáo; tặng sách vở, học bổng, đồ dùng học tập con  liệt sĩ, chăm sóc các nghĩa trang liệt sĩ, v.v.

            Ngay từ đầu xuân Nhâm Thìn, vào ngày 09/2/2012, đoàn cán bộ CĐGD Việt Nam do đồng chí Chủ tịch Trần Công Phong dẫn đầu, đại diện cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo cả nước đến dâng hoa và hương ở nghĩa trang liệt sĩ nhà giáo Tây Ninh, mở đầu cho các hoạt động tri ân. Ngày 25/4/2012, CĐGD Hải Phòng phối hợp với chuyên môn đã tổ chức gặp mặt gần 1.000 nhà giáo thương binh, thân nhân nhà giáo liệt sĩ, nhà giáo đi B, nhà giáo chiến sĩ trước năm 1975. Ngày 27/6/2012, tại Cần Thơ, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức trao tặng 1.398 bộ sách giáo khoa cho đại diện các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long và trao tặng trực tiếp cho 100/180 học sinh là con gia đình thương binh, liệt sĩ của TP. Cần Thơ. CĐGD tỉnh Phú Yên tổ chức gặp mặt và tặng 59 sổ tiết kiệm cho 4 thương binh và 55 thân nhân liệt sĩ nhà giáo trong tỉnh, mỗi sổ tiết kiệm 2 triệu đồng. Ngoài việc gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà cho các thương binh, thân nhân liệt sĩ nhà giáo trong đơn vị, thì Công đoàn ĐH Đà Nẵng phối hợp với công đoàn trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng hỗ trợ hơn 50 triệu đồng góp phần xây nhà tình nghĩa cho nhà giáo thương binh Hoàng Quang Thắng.

            CĐGD các cấp, CĐCS các trường học còn tham gia các hoạt động tri ân với thương binh, liệt sỹ và người có công ở địa phương, tặng quà cho thương binh nặng ở các trại tập trung. CĐGD Vĩnh Phúc phối hợp với Sở Giáo dục – Đào tạo và Hội Khuyến học của tỉnh tố chức gặp mặt học sinh con liệt sĩ, nhà giáo thương binh và nhà giáo là vợ liệt sĩ trên phạm vi cả tỉnh. Công đoàn ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức đoàn đại biểu đến thăm, tặng quà cho anh chị em thương binh nặng ở Trại Thương binh Hà Nam và hỗ trợ kinh phí, góp phần xây dựng tượng đài liệt sĩ ở Đức Hoà, Long An. Công đoàn ĐH Huế tổ chức nhà giáo hành quân về nguồn, dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Công đoàn Trường ĐH Vinh hỗ trợ 20 triệu đồng đi thăm, tặng quà cho thương binh và gia đình liệt sĩ huyện miền núi Quỳ Châu, Nghệ An. Công đoàn trường ĐH Cần Thơ hỗ trợ 8 triệu đồng cho thương binh, gia đình liệt sĩ của 4 phường xung quanh trường. Công đoàn trường ĐH Bách Khoa Hà Nội thăm, tặng quà cho 10 gia đình thương binh, liệt sĩ trên địa bàn phường Bách Khoa. CĐGD tỉnh Quảng Ngãi chăm sóc, tặng quà cho 65 bà mẹ Việt Nam anh hùng, v.v.     

            PV: Nhà giáo đi B là những người đã đóng góp tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giáo dục và công cuộc giải phóng đất nước, trong năm 2012, đặc biệt là kỷ niệm ngày 27/7, CĐ ngành có hoạt động biểu dương, giúp đỡ nhà giáo là thương binh cũng như tri ân các liệt sĩ? Trả lời: Từ tháng 5/1961 đến tháng 12/1974 đã có 2.752 cán bộ, giáo viên ở miền Bắc đi vào chiến trường miền Nam công tác. Trong đó có hàng trăm nhà giáo đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tiêu biểu là Anh hùng liệt sĩ - nhà giáo Ca Lê Hiến (nhà thơ Lê Anh Xuân) - tác giả bài thơ bất hủ “Dáng đứng Việt Nam”. Anh hùng lực lượng vũ trang - liệt sĩ nhà giáo Lê Thị Bạch Cát - hiện nay tên của chị đã trở thành tên của một con đường ở Quận 11, TP Hồ Chí Minh. Tên liệt sĩ nhà giáo Trần Thế Lộc trở thành tên của một trường học ở Xuân Lộc, Đồng Nai, v.v.

            Để ghi nhớ công lao của các liệt sĩ nhà giáo đi B, CĐGD Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động quyên góp trong đội ngũ nhà giáo toàn ngành được gần 2 tỷ đồng xây dựng “Đài tưởng niệm các liệt sĩ nhà giáo” trên đồi 82, Tân Biên, Tây Ninh”. Đài tưởng niệm được xây dựng đợt 1 năm 1994 và trùng tu, nâng cấp đợt 2 năm 2004. Đài tưởng niệm có văn bia, câu đối và danh sách 621 liệt sĩ nhà giáo. CĐGD Việt Nam giao cho CĐGD tỉnh Tây Ninh hàng năm chăm sóc, trùng tu Đài tưởng niệm; tổ chức dâng hoa và hương tưởng niệm các liệt sĩ vào các ngày lễ lớn.

Sau giải phóng miền Nam 1975, các nhà giáo đi B còn sống, theo sự phân công của tổ chức về làm việc ở các đơn vị giáo dục trong ngành hoặc ở các địa phương, tiếp tục cống hiến cho sự nghiêp giáo dục, đào tạo với các cương vị công tác khác nhau. Hiện nay, hầu hết nhà giáo đi B đã về nghỉ hưu, sinh hoạt trong Hội Cựu Giáo chức ở cơ sở. CĐGD các cấp, phối hợp với Hội Cựu Giáo chức cùng cấp quan tâm, thông tin, động viên các nhà giáo nghỉ hưu trong đời sống thường ngày. Kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam hàng năm, cũng như kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, CĐGD các cấp căn cứ vào điều kiện thực tế của mỗi đơn vị phối hợp với chuyên môn có hình thức tổ chức thích hợp để gặp mặt tri ân các nhà giáo thương binh, nhà giáo kháng chiến, trong đó có nhà giáo đi B, khẳng định công lao và sự đóng góp của họ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

PV: Giáo dục truyền thống cách mạng là hoạt động không thể thiếu trong trường học, xin đ/c cho biết CĐGD Việt Nam có sự phối hợp với Bộ GD-ĐT, chỉ đạo CĐGD các cấp và CĐCS trường học hoạt động đền ơn đáp nghĩa cũng như giáo dục truyền thống cách mạng và lòng biết ơn cho các thế hệ học sinh, sinh viên?

            Đ/c Phạm Văn Thanh: CĐGD Việt Nam một mặt chỉ đạo CĐGD các cấp, trực tiếp là CĐCS trường học tổ chức các hoạt động của mình và thông qua các hoạt động đó để giáo dục đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động trong ngành về truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, truyền thống của đơn vị, truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.

            Mặt khác, CĐGD Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo CĐGD các cấp , CĐCS trường học phối hợp với  tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đội TNTP Hồ Chí Minh trong các trường học và trực tiếp thông qua đội ngũ nhà giáo tổ chức nên những hoạt động  có ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng và lòng viết ơn trong học sinh, sinh viên.

            PV: Xin cám ơn đ/c!

                                           PV Minh Ngọc (thực hiện)

  


Các tin khác
KỶ NIỆM 61 NĂM NGÀY THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM ĐẨY MẠNH NHIỀU HOẠT ĐỘNG THIẾT THỰC GÓP PHẦN ĐỔI MỚI CĂN BẢN VÀ TOÀN DIỆN GIÁO DỤC (23/07/2012)
Quân đội nhân dân Việt Nam - xứng danh anh Bộ đội cụ Hồ (17/12/2011)
Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học (08/11/2011)
Một số hình ảnh trong buổi Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập CĐGD Việt Nam (22/07/2051 - 22/07/2011) (16/08/2011)
KỈ NIỆM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ (27/7/1947 - 27/7/2011) (27/07/2011)
Phát động phong trào thi đua trong ngành Giáo dục & Đào tạo, giai đoạn 2010 - 2015 (22/10/2010)
CUỘC VẬN ĐỘNG “MỖI THẦY, CÔ GIÁO LÀ MỘT TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC, TỰ HỌC VÀ SÁNG TẠO” (12/10/2010)
Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động lớn trong ngành, động viên đội ngũ Nhà giáo phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học mới. (PGS. TS Trần Công Phong - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam) (30/07/2010)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 18762311
Online: 985
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn