Trong giai đoạn 2017 - 2021, dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ, sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban giám hiệu và Công đoàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi, với quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ những phong trào thi đua, mỗi viên chức, người lao động (VCNLĐ) và đoàn viên công đoàn đã xác định được vai trò, ý thức trách nhiệm của mình, tích cực thi đua phấn đấu học tập, yêu lao động, có ý thức tự lực tự cường, tích cực phát huy tinh thần sáng tạo, cùng đoàn kết giúp nhau phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao với chất lượng và hiệu quả cao nhất. Hiệu quả từ phong trào thi đua “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo” đã góp phần thúc đẩy hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học đồng thời góp phần nâng cao uy tín của Nhà trường và vị thế của tổ chức Công đoàn trong giai đoạn hiện nay.
Thực tiễn đã cho thấy, khi triển khai phong trào thi đua và được sự đồng thuận của tập thể VCNLĐ và đoàn viên công đoàn trong toàn đơn vị, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, xuất sắc tiêu biểu cho ý chí vươn lên của lực lượng, đội ngũ VCNLĐ và đoàn viên công đoàn. Những gương sáng trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học (NCKH) ngày càng tăng lên; nhiều đề tài, sáng kiến với các giải pháp tối ưu, hợp lý hóa sản xuất được đưa vào áp dụng đã góp phần cải thiện điều kiện làm việc, đẩy mạnh cải cách hành chính.
Cụ thể, thực hiện kế hoạch phát động của Công đoàn trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên trong phong trào thi đua “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”. Công đoàn Khoa Công nghệ Hoá học và Môi trường phối hợp với đơn vị triển khai thực hiện phong trào thi đua, nhằm phát huy thế mạnh của đội ngũ cán bộ giảng viên trong NCKH, cũng như khai thác cơ sở vật chất hiện có của đơn vị. Khoa Công nghệ Hóa học và Môi trường, đã có hơn 10 năm kinh nghiệm đào tạo nhân lực trong những lĩnh vực này với đội ngũ giảng viên của khoa có trình độ chuyên môn cao. Hiện nay, 100% đội ngũ viên chức, giảng viên của khoa có trình độ Thạc sỹ trở lên trong đó có 63% giảng viên là Tiến sĩ tốt nghiệp từ các trường đại học, các viện nghiên cứu uy tín trong và ngoài nước như Đại học Doshisha-Nhật Bản, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.
Cán bộ giảng viên khoa Công nghệ Hoá học & Môi trường
Ngoài nhiệm vụ đào tạo, các giảng viên trong khoa còn tích cực tham gia NCKH với nhiều công trình có ý nghĩa thực tiễn cao. Từ năm 2019 đến nay giảng viên của khoa có 02 sáng chế được đăng kí tại cục sở hữu trí tuệ Việt Nam, 01 giống lúa mới được Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận lưu hành.
Hai sáng chế nhằm nâng cao khả năng bám dính của cao su thiên nhiên lên bề mặt thép gồm sáng chế“Phương pháp nâng cao độ bám dính của cao su thiên nhiên với thép sử dụng ôxít sắt từ (Fe3O4) và các vật liệu cao su kết hợp với thép (vật liệu không thể tách dời) sản xuất theo phương pháp này” đề cập đến phương pháp nâng cao độ bám dính của cao su trên cơ sở cao su thiên nhiên (NR) với bề mặt vật liệu thép sử dụng ôxít sắt từ (Fe3O4) nhằm tối ưu đơn pha chế của cao su và quy trình xử lý bề mặt thép. Và sáng chế “Phương pháp nâng cao độ bám dính của cao su thiên nhiên với thép sử dụng bariferit (BaFe12O19) và các vật liệu cao su kết hợp với thép (vật liệu không thể tách dời) sản xuất theo phương pháp này” đề cập đến phương pháp nâng cao độ bám dính của cao su trên cơ sở cao su thiên nhiên (NR) với bề mặt vật liệu thép sử dụng bariferit (BaFe12O19) nhằm tối ưu đơn pha chế của cao su và quy trình xử lý bề mặt thép. Hai sáng chế này đã được gửi tham dự cuộc thi “Hirvatski salon innovacia S me đunarodnim sudjelovanjem international invention show” tại Zagreh,croatia, tháng 11 năm 2020 và đã giành huy chương vàng.
Giống lúa HY198 được cục Trồng trọt công nhận lưu hành, đã được khảo nghiệm quốc gia, khảo nghiệm cơ bản và khảo nghiệm sản xuất. Tổng diện tích khảo nghiệm tại các tỉnh phía bắc năm 2017-2018 là 247,7 ha, năm 2019-2020 là 139 ha. Giống lúa HY198 đã được Cục trồng trọt-Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận giống lúa sản xuất thử nghiệm các tỉnh phía Bắc theo số 30/QĐ-TT-CLT ngày 25 tháng 01 năm 2019 và cho mở rộng vùng sản xuất theo thông báo số 280/TT-CLT ngày 29 tháng 05 năm 2019.
Song song với đó, giảng viên trong khoa còn là chủ nhiệm của 01 đề tài Nafosted đánh giá độc chất môi trường, 03 đề tài cấp trường trọng điểm về lĩnh vực môi trường, vật liệu mới với nhiều công bố trên tạp chí uy tín Quốc tế (ISI, Scorpus). Một trong các địa điểm để các giảng viên của khoa thực hiện nghiên cứu Khoa học và triển khai các ứng dụng thực tế là Trung tâm Nghiên cứu Phân tích và Xử lý môi trường. Trung tâm đã đạt chứng nhận đăng kí hoạt động thử nghiệm và đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường (VIMCERTS 281). Các giảng viên sẽ cùng tham gia các hoạt động dịch vụ quan trắc, phân tích, xử lý môi trường cho các công ty, xí nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Hưng Yên nói riêng và khu vực miền Bắc nói chung.
Cán bộ giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học
Ngoài ra, giảng viên của khoa Công nghệ Hóa học và Môi trường luôn đi đầu trong các phong trào hoạt động vì cộng đồng. Trong đợt dịch Covid - 19 bùng phát, giảng viên trong khoa đã cùng các sinh viên chế tạo nước rửa tay khô gửi tặng các vùng tâm dịch, bộ đội biên phòng, các trường học, công ty trên địa bàn tỉnh. Hoạt động này đã được Công đoàn Giáo dục Việt Nam đánh giá, ghi nhận và gửi thư cảm ơn.
Khoa cũng tham gia tổ chức các hoạt động thu gom, phân loại rác World Clean-Up, hướng ứng phong trào giờ Trái Đất.
Như vậy, đóng góp nhiều vào thành công của các phong trào thi đua là vai trò của tổ chức Công đoàn trong Nhà trường. Xác định thi đua là một trong những động lực thúc đẩy thành công chung của Nhà trường trong hoạt động đào tạo và NCKH, Công đoàn luôn tìm tòi, nghiên cứu và góp ý vào việc thay đổi các nội dung với mục đích đổi mới và nâng cao tính hiệu quả của mỗi phong trào, đồng thời trực tiếp tham gia tổ chức thực hiện. Qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và NCKH; tạo nên cảnh quan môi trường làm việc xanh sạch đẹp; thúc đẩy việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật; tạo dựng được nền nếp chính quy trong công việc, rèn luyện và xây dựng được một đội ngũ cán bộ giảng viên có trình độ chuyên môn vững vàng, có ý thức kỷ luật cao, có tác phong làm việc công nghiệp, luôn quan tâm đến thiết bị của mình quản lý; Kết quả tác động trực tiếp đến thu nhập của người lao động và tạo ra nhiều các phong trào thi đua khác, thúc đẩy mọi hoạt động của Nhà trường phát triển. Từ những kết quả nêu trên đã cho thấy, Công đoàn đã xác định đúng nội dung thi đua gắn với nhiệm vụ chính trị của Nhà trường. Các phong trào thi đua trong Nhà trường không chỉ là khẩu hiệu, mà ngày càng khẳng định tính hiệu quả thiết thực của phong trào, qua đó VCNLĐ là trung tâm và góp phần không nhỏ trong thành tích chung của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên./.
Tin: Công đoàn Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên