Với mục tiêu thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị vào thực hiện “Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030”, hưởng ứng các mục tiêu 90-90-90 và hướng tới kết thúc dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030, Công đoàn Trường ĐH Sư phạm TDTT Hà Nội phối hợp tổ chức thực hiện nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng Hành động Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới Phòng, chống AIDS 01/12.
Đặc biệt là quán triệt công văn số 6632/BGDĐT-CTHSSV ngày 11/11/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2016, Công đoàn Trường đã phối hợp tổ chức triển khai thực hiện “Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2016” phù hợp với điều kiện và chức năng, nhiệm vụ cụ thể của Nhà trường, trong đó tập trung tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong cán bộ, viên chức, đoàn viên, người lao động về Luật Phòng, chống HIV/AIDS; Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 tầm nhìn 2030 và các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Nhất là để chú trọng truyền thông về chống kỳ thị và nhằm tránh phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS, về các biện pháp tự phòng tránh lây nhiễm HIV và lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của sinh viên, ngày 07/12 Công đoàn trường đã tổ chức cho toàn thể cán bộ, viên chức, giảng viên tham gia dự xem vở kịch với tên gọi “một nhà” do Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn tại Trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội. Vở diễn do tác giả Nam Phương viết kịch bản, NSND Anh Tú đạo diễn. Các diễn viên tham gia vở kịch bao gồm NSƯT Việt Thắng - NS Minh Hiếu, Thu Hà, Thanh Thúy, Mai Hương, Khánh Linh, Tô Dũng, Thanh Hải, Quang Đạo, Ngô Thuận, Mai Duyên, Ba Duy, Vi Nam, Minh Hoàng, Sơn Tùng, đã đem đến câu chuyện về ba nhóm người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao là ba nhóm dễ bị tổn thương: gái mại dâm, tiêm chích ma túy và đồng tính nam. Mỗi người có một hoàn cảnh riêng nhưng cùng chung số phận của những người nhiễm HIV, số phận bị cộng đồng xa lánh…. Và chỉ có sự yêu thương, không kỳ thị mới có thể giúp được cho những người nhiễm HIV có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Đây là vở diễn tiếp nối thành công của các dự án trong những năm trước, do Nhà hát Kịch Việt Nam phối hợp với Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng chống AIDS (chương trình PEPFAR) thuộc Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức.
Phát biểu tại buổi biểu diễn, TS. Lê Thanh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Đây chính là dịp để mỗi cán bộ viên chức, người lao động và toàn thể sinh viên Nhà trường tiếp tục nhận thức một cách nghiêm túc rằng: Mặc dù với Nhà trường đã đạt được mục tiêu “ba không”, đó là: không còn người nhiễm mới HIV, không có người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử có liên quan đến HIV/AIDS. Nhưng tốc độ lây lan của HIV, cũng như dịch HIV/AIDS ở trong nước vẫn diễn biến khó lường và tiềm ẩn, cần phải tiếp tục được khẳng định là một nhiệm vụ phức tạp, phải được tiến hành thường xuyên và lâu dài.
Công đoàn Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội