Thực hiện chương trình công tác năm học 2022 - 2023, ngày 11/8/2023, tại Trường Đại học Vinh, Công đoàn các trường đại học thuộc Khối thi đua số 4 Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Vai trò của Công đoàn trong việc xây dựng văn hóa Nhà trường ở các cơ sở giáo dục đại học".
Tham dự có đồng chí đồng chí Nguyễn Ngọc Ân, Ủy viên Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy viên Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; đồng chí Lê Thị Mai Oanh, Trưởng ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ lao động Công đoàn Giáo dục Việt Nam; đồng chí Lương Thị Việt Hà, Trưởng ban Tuyên giáo - Nữ công Công đoàn Giáo dục Việt Nam; TS. Nguyễn Ngọc Hiền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Vinh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu Trường Đại học Vinh và gần 100 đại biểu là cán bộ công đoàn các trường đại học của Khối thi đua số 4 Công đoàn Giáo dục Việt Nam. TS. Phạm Thị Bình, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Vinh và ThS. Phạm Văn Hiệp, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Đồng Tháp chủ trì buổi Tọa đàm.
Đại biểu tham dự Tọa đàm
Toạ đàm có mục tiêu là đánh giá về vai trò của văn hóa trường học đối với sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, về vai trò của tổ chức công đoàn trong việc xây dựng văn hóa nhà trường ở các cơ sở giáo dục thời gian qua, những kết quả đạt được, những khó khăn, thách thức. Đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm, những giải pháp mới, cách làm hiệu quả nhằm góp phần củng cố nền nếp, kỷ cương Nhà trường, xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, nhân văn, nâng cao đời sống văn hóa cho viên chức, nhà giáo, người lao động và người học; góp phần xây dựng môi trường các cơ sở giáo dục đại học thực sự là nơi để viên chức, nhà giáo, người lao động được sáng tạo, cống hiến và hưởng thụ xứng đáng với tâm huyết, trí tuệ, công sức của mình, là môi trường để phẩm chất và năng lực người học có cơ hội được toả sáng, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, TS. Phạm Thị Bình - Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Vinh, Khối trưởng Khối thi đua số 4 nhấn mạnh: "Văn hóa nhà trường phù hợp, tiến bộ, nhân văn, sẽ lan toả, thấm sâu trong mọi hoạt động của nhà trường, tạo ra các mối quan hệ tốt đẹp giữa các thành viên trong tập thể sư phạm, giữa viên chức, nhà giáo, người lao động và người học; hình thành môi trường làm việc thực sự dân chủ, lành mạnh. Đây là nền tảng tinh thần và là động lực mạnh mẽ cho mọi sự đổi mới, tiến bộ, sáng tạo, điều vô cùng quan trọng đối với việc thực hiện sứ mệnh, tầm nhìn của các cơ sở giáo dục đại học".
TS. Phạm Thị Bình - Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Vinh, Khối trưởng Khối thi đua số 4 phát biểu đề dẫn Tọa đàm
Tại buổi Toạ đàm đã có 13 tham luận và ý kiến phát biểu tập trung vào các nội dung về vai trò của các cơ sở đại học, vai trò của công đoàn trong việc xây dựng văn hóa trong các nhà trường; xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh; giải pháp nâng cao đời sống văn hóa của viên chức, nhà giáo, người lao động và người học...
Tất cả đại biểu của các trường đại học đều mong muốn: Một môi trường văn hóa được tạo dựng từ sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội sẽ có sức đề kháng tốt, sẽ loại trừ được những biểu hiện văn hóa không lành mạnh nảy sinh từ bên trong, góp phần xây dựng môi trường văn hóa trường học ngày càng hoàn thiện, trong sáng. Ở các cơ sở giáo dục đại học đó là sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của Hội đồng trường, Ban Giám hiệu, sự vào cuộc đồng bộ của các thiết chế trong Nhà trường, trong đó có vai trò cực kỳ quan trọng của tổ chức Công đoàn để phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi đoàn viên là viên chức, nhà giáo, người lao động - qua đó, giáo dục, dẫn dắt được người học, tất cả đều là những chủ thể xây dựng, bảo vệ, phát triển sáng tạo văn hóa Nhà trường.
Phát biểu của các trường đại học tại buổi tọa đàm
Phát biểu kết thúc Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Ngọc Ân, Ủy viên Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy viên Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam khẳng định buổi Toạ đàm này có ý nghĩa rất lớn, cần nhân rộng ra các cấp Công đoàn cơ sở ở các trường học, các cấp học; yêu cầu công đoàn các cơ sở giáo dục đại học xác định rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc xây dựng văn hóa nhà trường; củng cố nền nếp, kỷ cương, xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, nhân văn, nâng cao đời sống văn hóa cho viên chức, nhà giáo, người lao động và người học.
Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết, vấn đề được chọn để Toạ đàm của Khối thi đua số 4 rất có ý nghĩa và quan trọng. Hiện nay, vấn đề văn hoá, xây dựng trường học hạnh phúc, vai trò của tổ chức công đoàn trong xây dựng văn hoá nhà trường, đặc biệt ở các cơ sở giáo dục đại học đặt ra vai trò và trách nhiệm to lớn của người làm công đoàn ở các trường đại học.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát biểu
Điều quan trọng và thực sự ý nghĩa trước mắt cũng như lâu dài là Công đoàn các trường đại học trong Khối thi đua số 4 của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, trên cơ sở trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như từ các ý kiến đề xuất, định hướng trong buổi toạ đàm hôm nay, sẽ vận dụng thành công trong thực tế để góp phần xây dựng văn hóa Nhà trường tại cơ sở giáo dục đại học của mình và lan toả các giá trị văn hóa đó trong cộng đồng ngành giáo dục và rộng ra toàn xã hội.
Tin bài: Công đoàn Trường đại học Vinh