Hưởng ứng “Tháng hành động vì môi trường năm 2018” do Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Công đoàn Cơ sở Đại học Lạc Hồng phát động bằng các hoạt động thiết thực nhất, Tổ Công đoàn Công nghệ Thông tin đặc biệt ấn tượng khi chỉ trong tuần thứ 2 phát động phong trào đã nghiên cứu thực hiện ứng dụng công nghệ 4.0 chế tạo thành công hệ thống thủy sinh thông minh không những tạo cảnh quan xanh sạch đẹp tại khu làm việc, xưởng thực hành, tạo nên không gian thư giãn sau những giờ làm việc, nghiên cứu, học tập căng thẳng mà còn hướng đến đem lại sự thoải mái và tin tưởng đối với việc sử dụng cây trồng; tăng tính thẩm mỹ, cải thiện môi trường sống cho người dân thành thị.
Xuất phát từ thực trạng hiện nay về rau bẩn, rau chứa dư lượng bảo vệ thực vật, chất kích thích và các loại hóa học khác, các công đoàn viên trong Tổ Công nghệ Thông tin đã trăn trở và câu hỏi đặt ra “làm gì để được thụ hưởng rau an toàn và làm thế nào để cải thiện môi trường?” đã trở thành đề tài, là những câu chuyện không hồi kết được trao đổi thường xuyên trong các bữa ăn trưa tại phòng thí nghiệm B304 thuộc khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Lạc Hồng. Đau đáu thực hiện, nhóm tiến hành thu thập thêm thông tin và bắt đầu cho dự án mang tên “Smart Aquaponics System – Hệ thống thủy sinh thông minh”. Điều đặc biệt trong nhóm có bạn Nguyên Kevin là sinh viên người Pháp đang theo học tại Trường Universite de La Rochelle, qua Việt Nam thực tập và trải nghiệm tại Trường Đại học Lạc Hồng, trong những ngày ở tại Việt Nam bạn đã cùng nhóm hoàn thành dự án trên. Trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá hay còn gọi là hệ Aquaponic là một hệ hoạt động tuần hoàn hồi lưu khép kín. Hệ thống này giúp trồng rau theo hướng hữu cơ không sử dụng thuốc trừ sâu, không có chất hóa học tốt cho sức khỏe, thân thiện với môi trường, tiện lợi để trồng ở các văn phòng, nhà ở giúp tăng cường oxy trong môi trường và làm đẹp cho không gian sống. Hệ thống này hoạt động dựa trên nguyên tắc cộng sinh cùng có lợi giữa cá và cây. Sử dụng mô hình trồng rau thủy canh nuôi cá vừa có rau sạch vừa có cá tươi ngon để ăn. Mô hình này cũng khá lý tưởng cho các hộ gia đình đặc biệt các gia đình ở vùng thành thị, còn là hình thức mang tính giải trí thú vị. Hệ thống thủy sinh thông minh với những ưu điểm là dùng hệ thống tưới tự động giúp tiết kiệm nước, giúp cây phát triển đồng đều, phát triển nhanh hơn, sử dụng hiệu ứng nhà kính nên không có sâu bọ. Với mô hình này cây có thể phát triển được ở đa dạng môi trường thậm chí trên như sa mạc...Điều đặc biệt ở đây là hệ thống thủy sinh thông minh lắp đặt hệ thống điều khiển quản lý và giám sát cây trồng qua mạng lưới Internet hay còn biết đến là IoT được cài đặt trên smart phone, “thông minh” như chính tên gọi của nó giúp cho người dùng có thể kiểm tra được từ xa các yếu tố như nhiệt độ môi trường, độ ẩm môi trường, nhiệt độ nước, độ ẩm đất, cảm biến PH, theo dõi lưu lượng nước, theo dõi sự phát triển của cây, của cá và hệ thống đèn LED (là nguồn lấy sáng cho cây và được sử dụng để trang trí).
Đại diện Ban chấp hành Công đoàn nhà trường, Thầy Diệp Cẩm Thu - Chủ tịch Công đoàn đặc biệt quan tâm và đã trực tiếp đến động viên, ủng hộ nhóm thực hiện. Hệ thống thủy sinh thông minh dự kiến sẽ được nhân rộng tạo môi trường ngày càng khang trang, xanh - sạch - đẹp góp phần nâng cao chất lượng học tập trong ngôi trường mang tên Đại học Lạc Hồng và dự kiến tiếp tục được triển khai, thí nghiệm phục vụ cho dự án Đô thị thông minh thành phố Biên Hòa trong tương lai.
Một số hình ảnh minh họa:
Hình ảnh thực tế “Smart Aquaponics System – Hệ thống thủy sinh thông minh”
Nhóm trong quá trình lên ý tưởng thực hiện
Thầy Diệp Cẩm Thu – Chủ tịch Công đoàn đến thăm và động viên nhóm thực hiện Hệ thống Thủy sinh Thông minh
Các thành viên thực hiện “Hệ thống thủy sinh thông minh”, theo thứ tự từ trái qua phải Nguyen Kevin, Nguyễn Minh Sơn, Phan Thị Hường và Phan Thiện Phước
Công Đoàn trường Đại học Lạc Hồng