Thực hiện một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của tổ chức Công đoàn là “Tổ chức các hoạt động bồi dưỡng năng lực chuyên môn, kĩ năng mềm cho CBNGNLĐ; động viên khuyến khích các CĐBP tổ chức sinh hoạt chuyên môn, giao lưu học thuật, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của CBNGNLĐ”, ngày 26/01/2018, Công đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức một buổi tọa đàm, trao đổi học thuật dành cho công đoàn viên đến từ các khoa thuộc khối ngành khoa học xã hội và khoa học giáo dục. Buổi tọa đàm với chủ đề “Biến đổi văn hóa: một số vấn đề từ lý thuyết đến thực tiễn” do PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm - Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam trình bày đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo công đoàn viên.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Tại buổi nói chuyện, với kiến thức uyên thâm, sâu rộng của mình, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm đã đề cập đến những lý thuyết nghiên cứu và phương pháp tiếp cận về Biến đổi văn hóa mới nhất mà hiện nay các nhà khoa học trên thế giới đang thực hiện. Theo đó, khái niệm “văn hóa” không chỉ là “tập hợp những giá trị” mà cần được hiểu theo hướng mới “là sự lựa chọn của mỗi chủ thể (agency)”, những biểu hiện của văn hóa chỉ là khoảnh khắc (snapshot) còn biến đổi văn hóa là cả một quá trình. Do đó, nghiên cứu biến đổi văn hóa không phải chỉ là mô tả sự thay đổi của những biểu hiện bên ngoài của văn hóa, mà cần phải hướng đến nghiên cứu “tầng ẩn” của những biểu hiện đó, hướng đến phân tích ý nghĩa của sự biến đổi văn hóa và tác động của nó đối với xã hội, đời sống nói chung. Nhiều thuật ngữ thú vị được PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm nhắc đến như phương pháp nghiên cứu theo chân, tiến hóa luận đơn tuyết, tiến hóa luận đa tuyến, dòng chảy văn hóa, chuyển đổi văn hóa hay cách ví von hài hước “đề tài thần thánh” khiến cho buổi nói chuyện không chỉ có được sự nghiêm túc mà còn tạo cả không khí gần gũi, thân thiện và cởi mở.
Bằng lối diễn thuyết đầy tính thuyết phục và sinh động, hệ thống kiến thức sâu rộng và hết sức cập nhật, lối dẫn dắt cử tọa linh hoạt, gần gũi, chỉ trong một buổi sáng, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Châm đã truyền đạt một khối lượng kiến thức rất lớn và bổ ích không chỉ cho những người trong lĩnh vực chuyên môn mà còn cả những người quan tâm và hoạt động ở các lĩnh vực liên quan. Trong suốt buổi tọa đàm, ngoài phần diễn thuyết của diễn giả còn có phần trao đổi học thuật, các công đoàn viên của ĐHSP Hà Nội là những giảng viên, nghiên cứu viên ở các khoa, phòng ban cũng đã có những trao đổi thảo luận rất sôi nổi với diễn giả và được diễn giả giải đáp những thắc mắc, băn khoăn và cả những phản biện một cách rất thẳng thắn.
Là một đơn vị đi đầu trong giáo dục, đào tạo và nghiên cứu, hoạt động trao đổi chuyên môn là một hoạt động không những không thể thiếu tại trường ĐHSP Hà Nội, mà còn góp phần thúc đẩy sự giao lưu giữa các giảng viên, nghiên cứu viên và các nhà nghiên cứu ở nhiều lứa tuổi. Với mong muốn tạo một sân chơi ý nghĩa, thực tế, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học đối với hoạt động công đoàn, hoạt động này đã khẳng định công đoàn không chỉ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần mà còn quan tâm đến việc bồi dưỡng và phát triển chuyên môn cho cán bộ, và như mục tiêu mà Ban chấp hành Công đoàn trường ĐHSP Hà Nội đã đề ra, đó là:
- Tạo sự kết nối giữa các đơn vị thuộc chuyên ngành khoa học xã hội và khoa học giáo dục trong toàn trường trong một sân chơi mang tính liên ngành;
- Góp phần cùng với chính quyền tổ chức các hoạt động mang tính học thuật nhằm bổ trợ về chuyên môn cho công đoàn viên.
- Tạo kết nối với các cơ quan nghiên cứu chuyên sâu ngoài trường ĐHSP Hà Nội để thúc đẩy mở rộng phạm vi hoạt động khoa học của công đoàn viên, đặc biệt đối với các công đoàn viên chưa có điều kiện cọ sát nhiều.
Với mục tiêu và những ý nghĩa đó, hi vọng buổi trao đổi chuyên môn này sẽ là hoạt động tiên phong mở đầu cho những hoạt động chuyên môn có chiều sâu khác và chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của ngày càng nhiều công đoàn viên của trường ĐHSP Hà Nội.