Là trường đại học trọng điểm quốc gia tại Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ngoài công tác giảng dạy, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) còn có nhiều hoạt động trọng tâm khác như nghiên cứu khoa học, hợp tác trong và ngoài nước, ứng dụng và chuyển giao công nghệ…góp phần rất lớn cho phát triển của khu vực. Trường hiện có 1.968 công chức, viên chức và người lao động (CC.VC.NLĐ), trong đó có 823 VC.NLĐ không làm công tác giảng dạy, chiếm 41,8%. Phần lớn lực lượng này làm công tác hành chính (gọi là Viên chức hành chính), họ đã hỗ trợ rất lớn cho tất cả các mặt công tác của Trường. Do viên chức hành chính phải thường xuyên tiếp xúc với số lượng lớn các đối tượng khác nhau (sinh viên, phụ huynh, giảng viên, đối tác của Trường…) nên áp lực công việc là rất lớn. Để đạt được hiệu quả công tác cao đòi hỏi viên chức hành chính phải được trang bị không chỉ trình độ chuyên môn mà còn là kỹ năng giao tiếp. Nhằm chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về những nguyên tắc ứng xử trong công tác giao tiếp của viên chức hành chính để các mặt hoạt động của Trường ĐHCT ngày càng hoàn thiện và phát triển hơn, ngày 04/7/2017, Ban Thường vụ Công đoàn Trường ĐHCT đã tổ chức buổi Tọa đàm “Nâng cao kỹ năng giao tiếp trong viên chức hành chính”. Buổi tọa đàm có sự tham dự của PGS. TS. Trần Thị Thanh Hiền, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng, thủ trưởng các đơn vị, Ban chấp hành công đoàn Trường, đại diện công đoàn các dơn vị và hơn 200 viên chức hành chính.
Đ/c Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Công đoàn Trường phát biểu khai mạc
Toàn cảnh buổi Tọa đàm “Nâng cao kỹ năng giao tiếp trong viên chức hành chính” (tại Nhà Điều hành Trường ĐHCT)
Đặc biệt, buổi tọa đàm vinh dự đón tiếp đồng chí Nguyễn Thị Thảo, Phó Chủ tịch Công đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội và là MC Thảo Vân nổi tiếng của đài Truyền hình Việt Nam. Đ/c Thảo Vân tham dự với tư cách là khách mời đồng thời là người dẫn chương trình của buổi tọa đàm. Với sự dẫn dắt thật duyên dáng và cuốn hút của MC Thảo Vân, chương trình đã diễn ra rất sôi động và hào hứng với hai chủ đề chính là “Những nguyên tắc căn bản trong giao tiếp” và “Chia sẻ một số kinh nghiệm trong giao tiếp”. Các diễn giả và VC.NLĐ đã cùng nhau thảo luận về những tình huống giao tiếp cụ thể, trao đổi về các khái niệm, thuật ngữ, cách thức thể hiện trong giao tiếp, kỹ năng trong giao tiếp và một số nguyên tắc cụ thể trong giao tiếp qua điện thoại, e-mail…Để chuẩn bị tốt nội dung cho buổi tọa đàm, Ban tổ chức đã vận động các đơn vị tham gia gởi tham luận theo nhiệm vụ của từng đơn vị và đã nhận được 24 bài viết về chủ đề của buổi tọa đàm với những nội dung phong phú và thiết thực. Các ý kiến đóng góp, đề xuất trong các bài tham luận và các phát biểu trong buổi tọa đàm sẽ được Công đoàn Trường tổng hợp và trình Đảng ủy, Ban Giám hiệu xem xét đưa vào các chương trình hoạt động của Nhà trường để công tác của viên chức hành chính ủa Trường ngày càng tốt hơn.
Các diễn giả trao đổi trên sân khấu
Tại buổi tọa đàm, thực hiện Công văn số 203/CĐN-CSPL, ngày 28/6/2017 của Công đoàn Giáo dục Việt Nam về việc ủng hộ Chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa” năm 2017, để tỏ lòng thành kính và biết ơn các Anh hùng liệt sỹ Hải quân Nhân dân Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sỹ 27/7/1947 - 27/7/2017, với sự hướng dẫn của MC Thảo Vân tất cả diễn giả và VC.NLĐ đã đồng loạt thực hiện một hành động đầy ý nghĩa đó là nhắn tin ủng hộ Chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa-Trường Sa” năm 2017 (theo cú pháp “GM” gửi 1407, mỗi tin nhắn 20.000đồng).
Qua buổi tọa đàm, các tham luận chia sẻ kinh nghiệm và những đề xuất đầy trách nhiệm của VC.NLĐ đã thể hiện sự tâm huyết trong công tác giao tiếp, việc này góp phần xây dựng bộ máy hành chính của Trường ngày càng hiệu quả và hoàn thiện hơn, xứng đáng là một trường đại học xuất sắc trong cả nước và khu vực.
Tin: Hoàng Nghĩa (Tổ trưởng Tổ Công đoàn Phòng Công tác Chính trị)