Với mục đích nâng cao hiệu quả của công tác vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới trong ngành giáo dục Vĩnh Phúc. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị giáo dục trong việc chỉ đạo, tổ chức, triển khai công tác vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới. Ngày 5/11/2024 Sở Giáo dục Đào tạo và Công đoàn Ngành Giáo dục tổ chức Hội nghị tập huấn công tác vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới.
Công tác vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới luôn được các cấp quản lý và xã hội quan tâm; nhiều văn bản pháp lý về bình đẳng giới đã được ban hành. Năm 2006 Quốc hội đã ban hành Luật Bình đẳng giới, sau đó đã có các nghị định, thông tư, chỉ thị, nghị quyết của Ban bí thư, Bộ chính trị, chính phủ và các bộ ngành về công tác bình đẳng giới. Trong ngành giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch hành động vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 với 5 mục tiêu cùng các chỉ tiêu cụ thể về công tác bình đẳng giới. UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã ban hành các kế hoạch triển khai chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2025; kế hoạch triển khai thực hiện chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030”.
Ngành Giáo dục Vĩnh Phúc với 19.970 cán bộ, giáo viên, nhân viên trong đó tỷ lệ nữ chiếm hơn 60%, trong suốt những năm qua công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ luôn được ngành quan tâm triển khai; các nữ nhà giáo tích cực học tập rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, khẳng định năng lực bản thân; các chế độ chính sách về nữ được thực hiện đầy đủ, kịp thời; các nhà trường chú trọng đến vấn đề giới, giáo dục giới tích cho các em học sinh với nội dung và hình thức triển khai phù hợp với từng cấp học, bậc học.
Đ/c Nguyễn Phú Sơn- Giám đốc Sở GD&ĐT phát biểu khai mạc hội nghị
Để công tác bình đẳng giới đi vào thực chất, hiệu quả hơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Phú Sơn yêu cầu thủ trưởng các nhà trường xây dựng kế hoạch, có chỉ tiêu, những giải pháp cụ thể về công tác nữ và bình đẳng giới; có những nội dung, chương trình, những chủ điểm hoạt động thiết thực phù hợp giáo dục kỹ năng sống, giáo dục giới tính cũng như tuyên truyền về giới và bình đẳng giới cho học sinh; lãnh đạo các nhà trường quan tâm, tạo điều kiện, động viên để nữ nhà giáo phát huy năng lực chuyên môn; quan tâm giới thiệu, quy hoạch nữ nhà giáo có năng lực; chú trọng tỷ lệ nữ trong nhiệm kỳ đại hội Đảng các cấp, đặc biệt nhiệm kỳ 2025-2030.
Tại hội nghị hơn 400 cán bộ quản lý, giáo viên đã được nghe các nội dung chuyên đề của TS. Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung, đến ngành Giáo dục nói riêng, trong đó có vấn đề liên quan đến bình đẳng giới; bình đẳng giới trong ngành Giáo dục và trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0.
Hình ảnh Hội nghị TS. Lê Doãn Hợp truyền đạt tại hội nghị
Theo Tiến sỹ Lê Doãn Hợp đối với vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới, mọi sự đổi mới đều đòi hỏi yêu cầu về nhận thức, nâng cao nhận thức và chuyển đổi nhận thức. Với quan điểm gia đình là nền tảng xã hội, trong đó phụ nữ là tổ ấm của gia đình, Tiến sỹ Lê Doãn Hợp đã trình bày 4 nội dung trong chuyên đề, gồm: Đặc trưng bao trùm của cách mạng 4.0, góc nhìn đối với phụ nữ; Vai trò của phụ nữ trong lịch sử và trong thời đại 4.0; Những bài học về phụ nữ ở quốc gia và trên thế giới và tổng kết những kiến thức, nghiên cứu, kinh nghiệm của bản thân về phụ nữ và gia đình.
Về những vấn đề đặt ra với công tác bình đẳng giới đặc biệt là trong thời đại 4.0, Tiến sỹ Lê Doãn Hợp cho rằng trước hết cần phải nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, đồng thời tiếp tục hoàn thiện, đẩy mạnh thực hiện các quy định của pháp luật, các chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới, tích cực thu hẹp khoảng cách về giới tại nơi làm việc, đặc biệt phải tập trung nhân rộng các mô hình tốt thực hiện bình đẳng giới. Tiến sỹ Lê Doãn Hợp cũng nhấn mạnh tầm quan trọng và sự tác động sâu rộng, bao trùm của chuyển đổi số lên tất cả các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội; hướng tới sự thay đổi về bình đẳng giới trong nghề nghiệp, cuộc sống gia đình.
Hội nghị tập huấn không chỉ giúp các cán bộ quản lý, giáo viên nâng cao kiến thức, kỹ năng mà còn góp phần đưa công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.
Tin bài: CĐN Giáo dục Vĩnh Phúc