Chương trình “Đồng hành cùng người thầy” là một hoạt động thiết thực và ý nghĩa thuộc chương trình “Vì ngày mai phát triển” của Báo Tuổi Trẻ tổ chức thực hiện từ năm 2016 dành cho giáo viên có hoàn cảnh khó khăn làm kinh tế gia đình, qua đó giúp người thầy yên tâm đứng lớp. Đối tượng nhận hỗ trợ của chương trình là các giáo viên có gia cảnh khó khăn, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa và hết lòng với nghề giáo, được đồng nghiệp, phụ huynh hay học sinh giới thiệu, có phương án làm kinh tế gia đình khả thi và sẽ hoàn vốn sau 02 năm.
Lễ trao vốn Chương trình cho giáo viên tại Sở GDĐT Đồng Tháp năm 2018
Hơn một năm trước, ngày 18-11-2018, tại Sở GDĐT Đồng Tháp, Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công đoàn Giáo dục tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức lễ trao vốn chương trình "Đồng hành cùng người thầy" giai đoạn 2018-2020 cho 46 giáo viên có hoàn cảnh khó khăn tại 06 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Kiên Giang, Bến Tre, Hậu Giang và Sóc Trăng; trong đó tỉnh Đồng Tháp có số lượng giáo viên được hỗ trợ nhiều nhất là 17 người và 01 học sinh với số tiền là 342 triệu đồng.
Cơ sở tranh thêu tại nhà cô Tiên, giáo viên trường THPT Tam Nông
17 thầy, cô ở Đồng Tháp được nhận hỗ trợ vốn từ Chương trình là 17 hoàn cảnh khó khăn đến cùng cực. Tuy nhiên, ở các thầy cô chúng ta lại tìm thấy đều có điểm chung, đó là nghị lực phi thường, cố gắng vượt qua những lo toan của cơm áo gạo tiền đời thường để bám trường, bám lớp. Đó là trường hợp thầy Minh, giáo viên trường THPT Trần Quốc Toản có hoàn cảnh khó khăn khi cha là cựu chiến binh bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, mẹ bị ung thư và em gái bị bệnh tâm thần, dù vậy thầy vẫn tỏ ra lạc quan vào cuộc sống. "Nghề giáo là nghề cao quý, tui đã muốn làm giáo viên từ nhỏ. Tuy đồng lương ít ỏi, nhìn lên không bằng ai nhưng nhìn xuống mình còn hơn rất nhiều người. Nghịch cảnh nhưng tui luôn lạc quan, tin vào một ngày mai tươi sáng hơn" thầy Minh chia sẻ. Thầy Minh đã dùng đồng vốn từ chương trình để trồng rau sạch, nuôi gà để cải thiện sinh kế đồng thời đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng thực phẩm hàng ngày. Còn hoàn cảnh của cô Tiên, giáo viên trường THPT Tam Nông cũng rất khó khăn, một mình cô Tiên đi dạy với đồng lương ít ỏi chưa được 5 triệu/ tháng mà phải gánh cả gia đình. Chồng làm nhân viên văn phòng, hai con vẫn còn nhỏ, bé gái chỉ 8 tuổi, bé trai 3 tuổi; bản thân Cô bị hẹp dây thần kinh cổ tay phải phẩu thuật, khó khăn chồng chất khó khăn khi Chồng cô lại bị bệnh thoát vị đĩa đệm phải phẩu thuật tại bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyện vọng của cô Tiên là sử dụng đồng vốn của Chương trình để đầu tư vào cơ sở tranh thêu nhỏ tại gia đình với mong muốn có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.
Quán café của cô Minh Tho, giáo viên trường THPT Đốc Binh Kiều, Tháp Mười
Sau hơn 01 năm đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, mua bán nhỏ, mở cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ,… 17 dự án của thầy cô tại Đồng Tháp nhìn chung đã phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả kinh tế gia đình một cách thiết thực. Lợi nhuận từ dự án nuôi gà kết hợp trồng rau sạch của thầy Trà Ngọc Minh, giáo viên trường THPT Trần Quốc Toản; mua xe Ben chở thuê đất của cô Dương Thị Ngân Hà, giáo viên trường THPT Tân Thành; mở quán Mì cay của thầy Nguyễn Văn Bé Ti, giáo viên trường THPT Hồng Ngự 3; cơ sở may đồng phục học sinh của cô Nguyễn Thị Tuyết Hoa, giáo viên trường THCS-THPT Phú Thành A;…đã thật sự giúp cho thầy cô giảm bớt gánh nặng bươn chải hàng ngày, cải thiện cuộc sống, an tâm công tác.
Ông Trần Thanh Liêm, Giám đốc Sở GDĐT Đồng Tháp phát biểu ý kiến
Có thể nói rằng Chương trình “Đồng hành cùng người thầy” mang ý nghĩa nhân văn cao cả; đây là chương trình hỗ trợ vốn vay không lãi suất cho giáo viên có hoàn cảnh khó khăn làm kinh tế gia đình, giúp người thầy yên tâm đứng lớp, đầu tư tâm sức cho sự nghiệp trồng người, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Chương trình không chỉ dừng lại ở việc sẻ chia, giúp đỡ về vật chất mà còn thúc đẩy tinh thần tôn sư trọng đạo, duy trì truyền thống tốt đẹp của cha ông ta vì ngày mai phát triển, vì một xã hội tốt đẹp hơn./.
Phan Khuyên – CĐGD tỉnh Đồng Tháp