Cơn bão Yagi (cơn bão số 3) đi qua đã để lại những hậu quả nghiêm trọng tại nhiều tỉnh miền Bắc. Mặc dù, đã có sự chuẩn bị, ứng phó nhưng siêu bão vẫn để lại những mất mát và hậu quả rất nặng nề ở những nơi bão đi qua. Sau bão, Đảng, Nhà nước, chính quyền và người dân địa phương nỗ lực khắc phục hậu quả, tái thiết cuộc sống.
Trường THPT Hiền Đa (xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ sau cơn bão. Theo báo cáo của nhà trường, hiện có gần 20 cán bộ, giáo viên và nhân viên phải di chuyển từ xa, với quãng đường từ 30 đến 40 km mỗi ngày để đến trường công tác. Trong điều kiện bình thường, việc đi lại đã nhiều vất vả. Tuy nhiên, từ khi cầu Phong Châu - tuyến giao thông huyết mạch kết nối các địa bàn lân cận - bị gãy do ảnh hưởng của bão Yagi, việc đi lại trở nên đặc biệt khó khăn và nguy hiểm. Nhiều giáo viên buộc phải đi đường vòng xa hàng chục cây số hoặc phải thuê trọ tạm gần trường trong điều kiện thiếu thốn, không đảm bảo sinh hoạt. Đặc biệt, trong những ngày mưa lũ hoặc mùa thi, tình hình càng thêm khó khăn. Việc không thể di chuyển về trong ngày đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng giảng dạy, sinh hoạt và sức khỏe của giáo viên.
.jpg)
Trường THPT Hiền Đa, Cẩm Khê, Phú Thọ
Trước thực trạng đó, ngày 12/6/2025, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có buổi làm việc với trường THPT Hiền Đa về kiến nghị của nhà trường xây dựng một khu nhà công vụ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của giáo viên, nhân viên.
Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thị Thảo, Chủ tịch Công đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội cùng đoàn công tác; đại diện Ban Giám hiệu và Ban Chấp hành Công đoàn, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của Trường THPT Hiền Đa.
.jpg)
Quang cảnh buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Ngọc Ân nhấn mạnh: “Việc hỗ trợ xây dựng nhà công vụ không chỉ nhằm khắc phục hậu quả thiên tai mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự tri ân và đồng hành của tổ chức công đoàn đối với đội ngũ nhà giáo đang ngày đêm bám trường, bám lớp tại các địa bàn khó khăn.”
.jpg)
Đồng chí Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam trao đổi tại buổi làm việc
Qua khảo sát thực tế, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đánh giá cao nỗ lực vượt khó của tập thể nhà trường, đồng thời thống nhất chủ trương hỗ trợ kinh phí xây dựng một căn nhà công vụ mới kiên cố, đảm bảo điều kiện sinh hoạt ổn định cho giáo viên với quy mô 4 phòng khép kín (gồm cả bếp và nhà vệ sinh), tổng diện tích 184m², kinh phí xây dựng ước tính khoảng 828 triệu đồng. Ngoài ra, các hạng mục phụ trợ như sân, lối đi, tường rào... dự kiến chi phí thêm 200 triệu đồng, nâng tổng mức đầu tư lên 1.028 triệu đồng.
Việc xây dựng nhà công vụ ngay trong khuôn viên trường sẽ giúp giáo viên ổn định nơi ở, an tâm giảng dạy và sinh hoạt, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động của nhà trường – nhất là trong điều kiện vùng sâu, vùng xa, giao thông còn nhiều bất cập.
.jpg)
Vị trí dự kiến xây dựng nhà công vụ
Thầy giáo Hoàng Quang Châm, Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới Công đoàn Giáo dục Việt Nam và các cấp ngành đã quan tâm, sẻ chia và hỗ trợ thiết thực. Đây sẽ là nguồn động viên to lớn để thầy cô yên tâm công tác, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.
.jpg)
Thầy giáo Hoàng Quang Châm, Hiệu trưởng nhà trường phát biểu
Ông Tạ Văn Nguyên, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường cho biết địa hình của xã nằm ở vùng trung du, nhiều khe suối chia cắt, chỉ cần trời đổ mưa là các thầy, cô không thể về nhà, phải ngủ nhờ lại ở các hộ dân gần trường, vì vậy việc đầu tư xây nhà công vụ là hết sức cần thiết và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
.jpg)
Buổi làm việc kết thúc trong không khí chân tình, cởi mở và đoàn kết. Các bên thống nhất sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai công trình đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, phát huy hiệu quả lâu dài trong việc cải thiện đời sống giáo viên nơi vùng sâu, vùng xa.
Tin bài: Ban Nghiệp vụ - Công đoàn Giáo dục Việt Nam