Sáng ngày 04/12/2019, tại Nhà khách Tổng Liên đoàn số 95 Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Vụ Giáo dục chính trị - Học sinh sinh viên, Bộ GD&ĐT tổ chức tọa đàm “Khen thưởng, kỷ luật học sinh hướng tới trường học hạnh phúc” nhằm thực hiện kế hoạch 103 của CĐGD Việt Nam về việc triển khai nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo trong giai đoạn hiện nay. Chủ trì tọa đàm gồm đồng chí Vũ Minh Đức Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ủy viên Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch CĐGD Việt Nam, đồng chí Bùi Văn Linh - Vụ trưởng vụ GDCT-HSSV, Bộ GD&ĐT, đồng chí Nguyễn Ngọc Ân - Phó Chủ tịch CĐGD Việt Nam.
Tham dự tọa đàm có các đại biểu là lãnh đạo CĐGD tỉnh, thành phố, đại diện lãnh đạo phòng GD&ĐT, lãnh đạo và giáo viên chủ nhiệm một số trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông công lập, ngoài công lập, trường có yếu tố nước ngoài trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, các đồng chí lãnh đạo các ban cơ quan CĐGD Việt Nam.
Đến dự tọa đàm có các chuyên gia tâm lý giáo dục sư phạm như: PGS Chu Cẩm Thơ, Phó Giám đốc trung tâm Đánh giá chất lượng giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Hồng Thuận, Giám đốc trung tâm Tâm lý Giáo dục Viện KHGD Việt Nam; PGS.TS. Trần Thành Nam, Trưởng khoa các khoa Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục - ĐHQG Hà Nội; TS. Nguyễn Tùng Lâm: Phó Chủ tịch Hội khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam.
Đ/c Vũ Minh Đức - Chủ tịch CĐGD Việt Nam phát biểu tại tọa đàm
Phát biểu khai mạc tọa đàm đồng chí Vũ Minh Đức cho biết: Khen thưởng, kỷ luật học sinh là một yếu tố trong quá trình giáo dục học sinh, nhằm khuyến khích, thúc đẩy học sinh phấn đấu vươn lên, noi theo các gương tốt để tu dưỡng, rèn luyện bản thân; phòng ngừa và ngăn chặn học sinh vi phạm nội quy, quy định của nhà trường, pháp luật của nhà nước và ngành Giáo dục, giúp cho học sinh tự phấn đấu vươn lên trở thành công dân tốt. Tọa đàm là dịp để các đại biểu thẳng thắn trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp để công tác khen thưởng, kỷ luật học sinh đảm bảo hiệu quả hơn, hướng tới trường học hạnh phúc, đáp ứng yêu cầu giáo dục trong giai đoạn hiện nay và sắp tới. Các ý kiến đóng góp tại tọa đàm có ý nghĩa và tầm quan trọng rất lớn nhằm cung cấp những kinh nghiệm thực tiễn, những giải pháp phù hợp cho Bộ GD&ĐT để nghiên cứu sửa đổi và xây dựng các quy định về khen thưởng, kỷ luật học sinh phù hợp với giai đoạn hiện nay.
Trước đó, Bộ GD&ĐT, CĐGD Việt Nam đã có công văn triển khai lấy ý kiến đề xuất của các đơn vị về các hình thức khen thưởng, kỷ luật học sinh. Tại buổi tọa đàm, đồng chí Bùi Văn Linh, Vụ trưởng vụ GDCT-HSSV đã có báo cáo tóm tắt về các giải pháp mà các đơn vị đã đề xuất, định hướng của Bộ GD&ĐT trong sửa đổi các quy định về khen thưởng, kỷ luật học sinh. Các ý kiến tại tọa đàm đều cơ bản nhất trí với báo cáo của Bộ GD&ĐT về công tác khen thưởng, kỷ luật học sinh: mục đích khen thưởng kỷ luật, quan điểm, các hình thức khen thưởng, 12 nhóm giải pháp kỷ luật tích cực đã đưa ra.
Một số đại biểu đã đưa ra những kinh nghiệm cụ thể về các giải pháp đã được áp dụng có kết quả tốt trong thực tế các nhà trường: Có bảng chấm điểm và đánh giá hằng tuần. Thông qua đánh giá có khen, thưởng học sinh tốt và nhắc nhở học sinh rút kinh nghiệm đối với học sinh chưa tốt; áp dụng các hình thức phạt học sinh lao động công ích (trực nhật, quyét dọn...), viết bản kiểm điểm, liên lạc với phụ huynh trao đổi về học sinh...
Các đại biểu nhất trí cho rằng quy định về khen thưởng, kỷ luật học sinh cần thể hiện được các quan điểm:
+ Khen thưởng, kỷ luật là phương pháp giáo dục học sinh làm cho học sinh phát triển tốt.
+ Các hình thức khen thưởng kỷ luật phải đảm bảo quyền trẻ em, mang tính nhân văn, tôn trọng sự khác biệt, bình đẳng, dùng lòng yêu thương chinh phục trái tim học trò.
+ Cần có những hình thức kỷ luật sớm như nhắc nhở học sinh khi vi phạm, đặc biệt là phạm vi nhắc nhở nên hẹp, không công chúng hóa việc nhắc nhở hay các hình thức kỷ luật học sinh.
+ Khi xử phạt học sinh cần quan tâm đến tâm lý của học sinh, tôn trọng sự khác biệt của học sinh, các biện pháp nên đánh vào lòng tự trọng của học sinh để khích lệ học sinh tiến bộ.
Bên cạnh đó, các đại biểu đề xuất một số các giải pháp giúp giáo viên giải quyết tốt hơn vẫn đề kỷ luật học sinh: trang bị cho giáo viên kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống, hiểu tâm lý học sinh, phụ huynh để có những giải pháp phù hợp khi có vấn đề về kỷ luật học sinh.
Kết thúc buổi tọa đàm, các đại biểu đều cho rằng tọa đàm đã thu được nhiều ý kiến xác đáng, có thực tiễn, có căn cứ khoa học, rất hữu ích cho giáo viên và các nhà trường trong quá trình thực hiện công tác khen thưởng, kỷ luật học sinh, đồng thời giúp cho Bộ GD&ĐT có thêm căn cứ để chỉnh sửa quy định về khen thưởng, kỷ luật học sinh trong thời gian tới.
Một số hình ảnh tọa đàm:
Đ/c Bùi Văn Linh - Vụ trưởng vụ GDCT-HSSV, Bộ GD&ĐT phát biểu
Các đại biểu phát biểu ý kiến tại tọa đàm
Ban Tuyên giáo - Nữ công, CĐGD Việt Nam