Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức các hoạt động tri ân, về nguồn
nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sỹ
Ban Tuyên giáo Nữ công - CĐGD Việt Nam
Lịch sử dân tộc Việt Nam gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước. Trong các cuộc trường kỳ kháng chiến giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, hàng triệu người con ưu tú, phần lớn là thanh niên đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình cho đất nước. Họ ngã xuống trên chiến trường, hoặc khi trở về đã mang trên mình thương tật suốt đời.Hàng triệu thân nhân liệt sĩ, những bậc ông bà, cha mẹ, những người chồng, người vợ và những người con đã mãi mãi không thể gặp lại người thân yêu nhất của mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chính họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi…, tinh thần của họ luôn sống với non sông Việt Nam”.Đảng, Nhà nước và nhân dân ta mãi mãi ghi tạc và đời đời biết ơn sự hy sinh, cống hiến to lớn đó.Các thế hệ người Việt Nam sẽ luôn tự hào và nguyện sống xứng đáng với những hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh”.
Hằng năm cứ đến dịp 27/7, cả nước kỷ niệm ngày thương binh - liệt sĩ, coi đó là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc. Đặc biệt năm 2017, kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017), các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân các liệt sỹ, thương binh, người có công với nước trên phạm vi toàn quốc được tổ chức rất trọng thể. Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, nhiều nhà giáo đã được động viên lên đường nhập ngũtham gia chiến đấu, xây dựng trường lớp phổ thông, xóa mù chữ và bổ túc văn hóa để đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng và chuẩn bị công cuộc phát triển đất nước sau giải phóng. Đội ngũ nhà giáo bao gồm các nhà giáo ở địa phương, các nhà giáo từ miền Bắc vào chi viện đã có mặt khắp nơi chung sức xây dựng nền giáo dục cách mạng ở Miền Nam. Trong suốt thời kỳ chống Mỹ cứu nước, lực lượng nhà giáo cách mạng ở vùng giải phóng và vùng tạm chiếm luôn là những chiến sĩ ngoan cường, dũng cảm, không quản ngại gian khổ, hy sinh để duy trì và phát triển sự nghiệp giáo dục. Nhiều nhà giáo đã anh dũng hi sinh. Những tấm gương hy sinh cao cả của các Thầy, các Cô đã góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc.
Hiến thân cho nước: sống đã vinh mà thác cũng vinh
Hết dạ vì dân: mệnh chẳng thọ mà danh lại thọ
Đạo làm thầy mãi mãi nêu cao
Gương trí thức đời đời sáng tỏ!
(Lời văn bia của Anh hùng Lao động-Giáo sư Vũ Khiêu)
Tri ân những người có công với cách mạng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân. Với đạo lý “Ăn quả phải nhớ người trồng cây”, Uống nước nhớ nguồn, 70 năm qua, cùng với nhân dân cả nước, công tác đền ơn đáp nghĩa luôn được các cấp công đoàn trong Ngành Giáo dục chú trọng, thực hiện. Với tấm lòng biết ơn các liệt sỹ, thương binh, cứ vào dịp tháng 7, các đơn vị trong ngành đã chủ động chăm lo, hỗ trợ, cùng với chuyên môn tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực, trong đótổ chức chăm sóc, tôn tạo Nghĩa trang Liệt sĩ; hỗ trợ, thăm hỏi thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công;nhận chăm sóc phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng,... Nhiều đơn vị tổ chức gặp mặt, tri ân, tặng quà, động viên CBNGLĐ là thương binh, bệnh binh, các gia đình là thân nhân liệt sĩ, thương binh, gia đình chính sách; đặc biệt việc chăm lo cho nhà giáo, người lao động thuộc diện chính sách được CĐGD các cấp quan tâm thực hiện tốt.
Trong số hàng vạn liệt sĩ thương binh, bệnh binh của cả nước, Ngành Giáo dục có trên 2 ngàn liệt sĩ và hàng ngàn thương binh, bệnh binh. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh Liệt sỹ,hướng về kỷ niệm 55 năm Giáo dục giải phóng thời kỳ chống Mỹ cứu nước (1962-2017 - đoàn Nhà giáo đi B đầu tiên năm 1962,để tỏ lòng tri ân và biết ơn vô hạn đối với các Liệt sĩ - Nhà giáo, CĐGD Việt Nam đã chỉ đạo và tổ chức nhiều hoạt động tri ân, trong đó chỉ đạo CĐGD các cấp rà soát, bổ sung thông tin vào danh sách với tổng số 2263 Liệt sĩ - Nhà giáovà in Sổ vàng “Tổ quốc ghi công các Nhà giáo Liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp Giáo dục -Đào tạo và bảo vệ tổ quốc”. Cuốn Sổ vàng “Tổ quốc ghi công các Nhà giáo Liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp Giáo dục -Đào tạo và bảo vệ tổ quốc”được trao tặng Bộ GD&ĐT để lưu giữ tại Phòng Truyền thống Giáo dục của Ngành; trao tặngPhòng Truyền thống của Sở GD&ĐT Tây Ninh và lưu giữ tại Phòng Truyền thống của CĐGD Việt Nam. Nhân dịp này, CĐGD Việt Namtổ chức Lễ dâng hương, tri ân các Liệt sĩ - Nhà giáotại Nghĩa trang Tân Biên;viếng Bia tưởng niệm 11 Thầy, Cô giáo bị bọn Pôn Pốt sát hại năm 1977; tổ chức hoạt động về nguồn, thăm căn cứ Trung ương Cục Miền Nam; tuyên truyền và nhắn tin ủng hộ xây dựng khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma do Tổng LĐLĐViệt Nam chủ trì xây dựng. Với tinh thần hướng về các liệt sỹ, hướng về Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu, mỗi cán bộ, đoàn viên công đoàn Ngành Giáo dục thể hiện tấm lòng của mình bằng việc tiếp tục đóng góp kinh phí để hoàn thiện công trình.
Phát huy truyền thống tốt đẹp và noi gương các thế hệ cha anh đi trước, CĐGD các cấp cùng CBNGLĐ Ngành Giáo dục ra sức thi đua, quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học 2017- 2018, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Một số hình ảnh:
Chủ tịch Công đoàn GD Việt Nam trao tặng Sổ vàng “Tổ quốc ghi công các Nhà giáo Liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo và bảo vệ tổ quốc” cho đại diện Bộ GD&ĐT
Đoàn đại biểu Công đoàn Giáo dục Việt Nam thành kính trước bia tưởng niệm
Công đoàn Giáo dục Việt Nam dâng hương tại Khu tưởng niệm Liệt sĩ - Nhà giáo
Công đoàn Giáo dục Việt Nam viếng Bia tưởng niệm 11 Thầy, Cô giáo bị bọn Pôn Pốt sát hại năm 1977
Đoàn đại biểu về thăm căn cứ Trung ương Cục Miền Nam