Cần tư duy đột phá và sự bản lĩnh người thầy
Đó là một trong hàng chục ý kiến đóng góp, bàn luận tại Hội thảo : Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” do Công đoàn Giáo dục Việt Nam vừa tổ chức. Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học vốn là một chủ trương nhằm cụ thể hóa các nội dung thi đua, các cuộc vận động đã và đang triển khai trong toàn ngành thời gian qua mà Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã phát động đầu năm học 2016-2017.
Toàn cảnh buổi hội thảo "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học
Nhiều mô hình đổi mới, sáng tạo hay
Lao động trong ngành giáo dục mang tính đặc thù rất cao. Mọi thao tác lao động nghề nghiệp của người thầy có tác động đến hiệu quả kinh tế, định hướng phát triển của xã hội và là tấm gương phản chiếu một cục diện lao động của một thế hệ tiếp theo - bắt đầu từ học sinh, sinh viên đang được ảnh hưởng trực tiếp từ thao tác lao động của người thầy.
Chính vì thế, khi thực hiện phong trào thi đua, đổi mới, sáng tạo trong dạy và học rất nhiều ý tưởng và mô hình đổi mới hay đã được triển khai và ghi nhận.
Trong hàng loạt các phương thức đổi mới, sáng tạo trong dạy và học mà Công đoàn các cơ sở đang quyết liệt triển khai thời gian qua như: tập trung vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy và giáo dục toàn diện đối với học sinh; Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo của Giáo viên chủ nhiệm lớp và của cán bộ quản lý; Giải pháp bồi dưỡng tư tưởng cho đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao chất lượng dạy học ở trường tiểu học; Công tác bồi dưỡng học sinh giỏi; Quản lí, điều hành hoạt động tổ chuyên môn (mang tính cá nhân), có thể kể đến mô hình “nhóm Nhà giáo cùng nhau phát triển” (theo nhóm) mà nhiều trường đại học, sở GD&ĐT các tỉnh thành đang thực hiện.
Theo TS Dương Huy Cẩn- Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Đồng Tháp thì đây là mô hình hoạt động với mục đích giúp các nhà giáo đoàn kết, hỗ trợ đồng nghiệp trong công tác, đời sống, cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ, có những giải pháp phù hợp giúp đỡ nhau trên cơ sở xây dựng các nhóm "Nhà giáo cùng nhau phát triển”. Hoạt động giúp đỡ như: hỗ trợ trong học tập, nghiên cứu khoa học, trong sáng tác, công bố công trình khoa học, đóng góp cho địa phương, cùng nhau chia sẻ khi hoạn nạn khó khăn, việc hiếu, hỉ.
“ Đầu năm học 2016-2017 đến nay, nhà trường đã thành lập được 10 nhóm nhà giáo cùng tham gia. Qua các nhóm này, trường đã công bố 62 bài báo quốc tế (trong đó có 29 bài ISI, 34 bài báo Scopus và MR) và nhiều bài báo đăng trên các Tạp chí có chỉ số ISSN ở trong nước. Những kết quả bước đầu đã tạo đà thuận lợi cho phát triển hoạt động đào tạo của Nhà trường trong thời gian tiếp theo. Đồng thời là động lực cho sự phấn đấu vươn lên của từng viên chức, giảng viên trong xu hướng Hội nhập và phát triển”-TS Cẩn cho biết.
Tương tự, ngành Giáo dục TPHCM ngoài các hình thức sáng tạo, đổi mới trên còn tổ chức các cuộc thi như: “Dạy học theo chủ đề tích hợp” dành cho giáo viên trung học; “Vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn” dành cho học sinh trung học. Đồng thời, công tác hướng dẫn, định hướng cho học sinh tham gia nghiên cứu khoa học cũng là một nội dung thiết thực trong việc thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.
Qua phòng trào, giáo viên đã tích cực định hướng, hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học. Từ nội dung này đã thu hút giáo viên và học sinh có sự sáng tạo trong quá trình nghiên cứu khoa học. Theo thống kê, trong năm học 2016 – 2017 đã có 602 giáo viên hướng dẫn cho 1.150 học sinh nghiên cứu khoa học.
Thực tế, việc đổi mới sáng tạo ở đâu? khi nào? và như thế nào là câu hỏi thường trực trong từng suy nghĩ của mỗi công đoàn viên, cán bộ, giảng viên các cơ sở giáo dục. Bởi theo ông Vũ Minh Đức- Chủ tịch Công đoàng Giáo dục Việt Nam từng cán bộ, giảng viên chính là người luôn “nhìn lại quá trình” làm việc của mình. Để từ đó có cách thay đổi, tìm ra cách làm mới hơn, hay hơn, hướng tới hiệu quả hơn để cải thiện chính công việc đó cho một chu trình mới, ở một thời điểm mới.
“Thay đổi từ những công việc nhỏ là điều không khó. Nhiều thay đổi nhỏ góp nên sự đổi mới lớn. Sáng tạo bắt nguồn từ lao động, hãy bắt đầu bằng sự lao động nghiêm túc say mê thì ắt những sáng tạo được khơi mở. Từ những phòng học đơn sơ đến những giảng đường hiện đại, từ việc vá lành manh áo nhỏ ở một bản làng xa xôi cho đến những công trình nghiên cứu vũ trụ bao la, tất cả đều cần đến sáng tạo để làm tốt hơn, ý nghĩa hơn cho mỗi công việc của mình”-ông Đức nói.
Làm gì để nâng cao vai trò của Công đoàn trong việc đổi mới, sáng tạo trong dạy và học
Từ nền tảng truyền thống và yêu cầu của nền giáo dục, đặc biệt trong điều kiện thích ứng với xu thế hiện nay, đại diện Công đoàn các trường cho rằng bản thân các trường cần tự nghiên cứu để có những hoạt động thiết thực, phù hợp, đóng góp tốt hơn việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Vì đây là lực lượng nòng cốt để đáp ứng nhu cầu đổi mới giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong môi trường giáo dục đại học, các trường phổ thông hiện nay.
Trong đó, việc chủ động và cải tiến phương thức tổ chức dự giờ cho cán bộ trẻ và cán bộ công tác lâu năm để tạo điều kiện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc chuyển tải kiến thức, tổ chức lớp học và tăng cường công tác trợ giảng đối với giảng viên mới là cơ sở để các ý tưởng đổi mới phát huy hiệu quả.
Đăc biệt, nhiều đại biểu cho rằng: Công đoàn cơ sở các trường cần xây dựng cơ chế và khuyến khích tạo cơ hội cho cán bộ trẻ có điều kiện học tập và tham gia các đề tài trong và ngoài nước, nâng cao trình độ năng lực cho cán bộ, giảng viên; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học; thực hiện tốt công tác đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục.
“ Việc xây dựng chính sách khuyến khích, động viên và tạo điều kiện cho cán bộ công đoàn, các thầy cô giáo xây dựng mô hình “Nhóm cùng nhau phát triển”, để có thể hỗ trợ trong rèn luyện, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ, có cơ hội tham gia các đề tài, dự án”- TS Cẩn nói.
Theo TS Phạm Hồng Kỳ- Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM, việc đảm bảo thực hiện tốt đời sống vật chất, tinh thần, các chế độ chính sách cho CB-VC-LĐ và tôn vinh, khen thưởng kịp thời các nhà giáo có nhiều đóng góp thiết thực, các CB-VC-LĐ có những sáng kiến hữu ích trong dạy và học chính là chìa khóa “thúc đẩy” sự năng nổ của họ và nâng dần vị thế và vai trò của Công đoàn trong đổi mới, sáng tạo dạy và học.
“Đây là vấn đề rất quan trọng, công đoàn cần giám sát việc thực hiện, cũng như chủ động góp ý, đề nghị điều chỉnh cho phù hợp và kịp thời, tạo động lực và để CB-VC-LĐ yên tâm phấn đấu, đóng góp công sức và trí tuệ cho giáo dục đào tạo”- TS Kỳ nói.
Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo là nhiệm vụ sống còn của mỗi giáo dục đại học nói chung và tại các cơ sở giáo dục phổ thông nói riêng. Những giải pháp, những sáng kiến hữu ích của cán bộ, giảng viên không chỉ mang đến sự “tươi mới” trong hoạt động dạy và học mà còn thúc đẩy đội ngũ Nhà giáo, người lao động chủ động tham gia phong trào, làm cho phong trào có chiều sâu, có ý nghĩa, mang lại hiệu quả thiết thực hơn.
Tin: Anh Nguyễn - Báo GD&TĐ