GD&TĐ - Ngày 12/3, tại Hà Nội, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức gặp mặt, tọa đàm về nghiên cứu khoa học trong nữ cán bộ, giảng viên trường đại học; đồng thời, tổ chức triển lãm trưng bày sản phẩm khoa học và chuyển giao công nghệ của nữ cán bộ, giảng viên. Đây là sự kiện chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 của Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Đại diện một số nhà khoa học nữ đang công tác ở các cơ sở đào tạo đại học trên cả nước đã tham dự. Chia sẻ tại tọa đàm, đồng chí Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh: Làm khoa học đã khó nhưng phụ nữ nghiên cứu khoa học càng khó hơn, phải trải qua nhiều khó khăn, thách thức, hy sinh. Vì vậy, Công đoàn Giáo dục Việt Nam muốn lan tỏa, tôn vinh những công trình lao động sáng tạo của các nhà khoa học, giảng viên nữ; hỗ trợ thúc đẩy liên kết, trao đổi khoa học công nghệ để các giảng viên nữ có thêm động lực, tự tin và tiếp tục tạo ra nhiều sản phẩm nghiên cứu phục vụ cộng đồng hơn nữa.
Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân phát biểu tại tọa đàm
Các nữ giảng viên chia sẻ về quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học
Là một nhà khoa học có sản phẩm trưng bày tại triển lãm là “Đèn tảo lọc không khí Aloxy”, PGS.TS Đoàn Thị Thái Yên (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, tất cả những nhà khoa học nữ khi làm nghiên cứu đều gặp khó khăn. Vì vậy, chị không muốn nói nhiều về điều này mà đề cập đến những điều tâm đắc khi tham gia nghiên cứu khoa học. Đó là việc đi từ nghiên cứu đến tạo ra sản phẩm thực tế, hữu ích, phát huy được lợi thế, tính năng để phục vụ cho cộng đồng. Sản phẩm của chị bước đầu đã có đơn vị ứng dụng đưa ra thị trường với các tính năng cơ bản. Trong thời gian tới, chị sẽ tiếp tục phát triển thêm tính năng mới để tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, phù hợp với nhu cầu sử dụng.
TS. Nguyễn Thị Lan Anh giới thiệu về sản phẩm trà sạch Diên Hồng
Một số sản phẩm có tính ứng dụng cao đã được đưa ra thị trường
Xuất thân từ ngành kinh tế phát triển, khi bắt đầu tham gia nghiên cứu khoa học, để tạo ra sản phẩm chè hữu cơ, TS Nguyễn Thị Lan Anh (Đại học Thái Nguyên) đã chủ động tìm ra con đường phát triển cho sản phẩm, tiếp cận thị trường, đến nay được 8 năm. Để tạo sự khác biệt cho sản phẩm giữa rất nhiều sản phẩm về chè, ngay trên chính đất trồng chè - một loại cây chủ lực ở Thái Nguyên, TS Nguyễn Thị Lan Anh chia sẻ: Đó là cả quá trình đau đáu tìm tòi, cần có sự am hiểu về cây chè, văn hóa của những người trồng chè, quy trình trồng và tạo đầu ra cho sản phẩm. TS Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay của các nhà khoa học là tìm được thị trường. Vì vậy, nếu các nhà khoa học nữ có cơ hội gặp gỡ, giao lưu để liên kết các sản phẩm nghiên cứu, cơ hội quảng bá và tiếp cận thị trường sẽ rộng mở hơn.
Gian trưng bày các sản phẩm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Công đoàn Giáo dục Việt Nam tại số 2 Trịnh Hoài Đức, Đống Đa, Hà Nội
Sản phẩm gạch không nung bằng bê tông Geopolyme của TS.Đặng Thùy Chi, Trường Đại học Giao thông Vận tải
Không gian trưng bày sản phẩm khoa học và chuyển giao công nghệ của các nữ giảng viên lần này, còn nhiều sản phẩm khác mang tính ứng dụng cao trong đời sống. Có thể kể đến giống lúa chịu hạn của PGS.TS Phan Thị Phương Nhi, Trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế; sản phẩm từ cây bưởi Tân Triều của dược sĩ Huỳnh Thị Anh Thư, Trường Đại học Lạc Hồng; sản phẩm gạch không nung bằng bê tông Geopolyme của TS Đặng Thuỳ Chi, Trường Đại học Giao thông Vận tải. Người xem cũng ấn tượng với sản phẩm gốm sứ có sự kết hợp nhiều loại men của TS Nguyễn Thu Thủy, Trường Đại học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội; sản phẩm rượu, phở tươi ăn liền của PGS.TS Vũ Thu Trang, Trường Hóa và Khoa học Sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội; sản phẩm nước lá tía tô của PGS.TS Trần Thị Thuý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Nhân dịp này, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tặng Bằng khen cho 25 giảng viên, nhà khoa học nữ có thành tích trong phong trào nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo năm 2024.
Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân tặng bằng khen cho các nữ giảng viên có thành tích trong phong trào nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo năm 2024
Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại