logo » Tin hoạt động » Tin hoạt động CĐGD Việt Nam

Đại biểu Công đoàn Giáo dục Việt Nam tham gia Diễn đàn người lao động năm 2023
(23:28, 03/08/2023)

Chiều ngày 28/7/2023, nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2023), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Văn phòng Quốc hội phối hợp tổ chức Diễn đàn Người Lao động năm 2023 với chủ đề “Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn”.

 

  

Quang cảnh Diễn đàn Người lao động năm 2023 

Chủ trì Diễn đàn Người Lao động năm 2023 có đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Công hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Trần Thanh Mẫn Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; đồng chí Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; đồng chí Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Bên cạnh đó là sự tham gia của 50 đại biểu là đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương tham dự diễn đàn Đặc biệt là 500 đại biểu, đại diện Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. 

Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh: Diễn đàn này là dịp để đoàn viên công đoàn, người lao động cả nước bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội về chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và hoạt động công đoàn; đề xuất ý tưởng, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023 và nhiệm kỳ, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và thực hiện khát vọng dân tộc phồn vinh, hạnh phúc. Diễn đàn cũng là kênh thông tin quan trọng để Quốc hội, các đại biểu Quốc hội làm tốt hơn nhiệm vụ lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đánh giá cao và khẳng định: Diễn đàn Người lao động năm 2023 là “một cuộc tiếp xúc cử tri đặc biệt", khi lần đầu tiên được tổ chức theo sáng kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và được tổ chức tại Hội trường Diên Hồng, nơi diễn ra các kỳ họp Quốc hội với sự tham gia của 500 đại biểu đại diện cho hơn 52 triệu đoàn viên, người lao động trên cả nước. Theo Chủ tịch Quốc hội, với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, mọi quyết sách của Quốc hội đều phải lấy người dân và doanh nghiệp đặt ở vị trí trung tâm. Công nhân và người lao động là công dân, là đối tượng điều chỉnh của hầu hết các luật trong hệ thống pháp luật. Do đó, theo Chủ tịch Quốc hội, việc Quốc hội, cơ quan Quốc hội có dịp để gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến của công nhân, người lao động, của các công đoàn các cấp, để hoàn thiện hệ thống pháp luật là việc cần thiết, có ý nghĩa.

             

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn người lao động  năm 2023

Tại Diễn đàn có 21 ý kiến của các đại biểu, tập trung vào các nhóm vấn đề chính, đó là những khó khăn, vướng mắc có liên quan đến lao động, việc làm, sinh kế, đời sống và thu nhập của người lao động trong giai đoạn hiện nay; vấn đề nhà ở cho người lao động; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, rút bảo hiểm một lần, quyền lợi hưởng bảo hiểm xã hội, tuổi nghỉ hưu; các giải pháp đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập, tăng lương tối thiểu, lương cho đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, vấn đề nâng cao tay nghề cho người lao động, chính sách đặc thù cho người lao động ngành giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ. Đặc biệt, nhiều ý kiến phản ánh những vấn đề xã hội nhức nhối của công nhân như tình trạng nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội; những khó khăn trong khám chữa bệnh; chăm sóc sức khỏe của công nhân; sinh hoạt văn hóa, thể thao; việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em là con công nhân; việc xây dựng gia đình công nhân ấm no, tiến bộ, hạnh phúc.

Các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các đại biểu đã được đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành chia sẻ và giải đáp, như: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng Nguyễn, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh…

Tham gia Diễn đàn Người lao động 2023, đoàn đại biểu của Công đoàn Giáo dục Việt Nam gồm 15 đồng chí tham gia diễn đàn với mong muốn được bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng đại diện cho hơn 40.000 đoàn viên là cán bộ, nhà giáo và người lao động từ công đoàn các cơ sở giáo dục đại học và các đơn vị trực thuộc Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Tại diễn đàn này, ngành Giáo dục có 02 nhóm ý kiến, đó là: nhà ở công vụ cho giáo viên tại vùng núi, hải đảo; quy định giáo viên mầm non là nghề nặng nhọc, độc hại và vấn đề về tự chủ đại học.

Phát biểu ý kiến, giáo viên Trần Mạnh Hùng, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình mong muốn và đề xuất Quốc hội quan tâm nhà ở công vụ cho giáo viên tại vùng núi, hải đảo; đề xuất quy định giáo viên mầm non là nghề nặng nhọc, độc hại.

Thầy giáo Trần Mạnh Hùng, giáo viên huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình

Đối với vấn đề tự chủ đại học, PGS.TS Phạm Thị Huyền, Trưởng Bộ môn Marketing, trường Đại học Kinh tế quốc dân có ý kiến: “Hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học đang từng bước thực hiện tự chủ đại học theo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi). Đây là một chủ trương đúng để khơi thông các nguồn lực, nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, còn vướng mắc về cơ chế, chính sách do sự thiếu đồng bộ, thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể đó là giữa Luật Giáo dục đại học với các luật: Luật Viên chức, Luật Đầu tư công, Luật đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách. Do vậy mà nhiều nội dung, nhiệm vụ, các trường không thể triển khai được. Tại Diễn đàn này, tôi trân trọng đề nghị Quốc hội tiến hành rà soát, sớm sửa đổi, hoàn thiện đồng bộ các quy định của pháp luật về thực hiện tự chủ đại học”.

PGS.TS. Phạm Thị Huyền, Trưởng Bộ môn Marketing, Trường Đại học Kinh tế quốc dân 

Trả lời những kiến nghị đề xuất trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: giáo viên công tác, giảng dạy ở vùng miền núi, hải đảo, vùng sâu xa khó khăn có thêm nhiều chính sách ưu đãi khác như: Giáo viên nội trú, bán trú được hưởng phụ cấp trách nhiệm 0,3% mức lương tối thiểu, giáo viên dạy các lớp ghép được hưởng phụ cấp 50%...cùng nhiều chính sách ưu đãi khác. Đồng thời, với chức năng nhiệm vụ của mình, Bộ GD&ĐT đang tham mưu với Chính phủ thực hiện một số chính sách như: Đẩy mạnh kiên cố hóa trường học, trong đó ưu tiên xây nhà công vụ cho giáo viên làm việc ở các điểm trường khó khăn; phối hợp với Bộ Nội vụ kiến nghị xem xét nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học; phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xem xét đưa đối tượng giáo viên mầm non vào danh sách ngành nghề nặng nhọc để xem xét các vấn đề liên quan đến tuổi nghỉ hưu. Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chủ trì xây dựng Luật Nhà giáo, trong đó lưu ý đến các chính sách đối với nhà giáo khó khăn vùng sâu, vùng xa, khó khăn.

Với ý kiến về tự chủ đại học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có ý kiến, đó là: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học, Luật 34/2018/QH14 đã được ban hành đây là bộ luật quan trọng. Trong thực tế luật đã đi vào cuộc sống tạo ra tinh thần khí thế mới được đón nhận ghi nhận hiệu quả bước đầu trong triển khai, tuy nhiên còn một số điểm chồng chéo, mâu thuẫn. Trước mắt với thẩm quyền của mình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đề nghị sửa đổi Nghị định 99 hướng dẫn thi hành Luật 34/2018/QH14 để tháo gỡ các vướng mắc, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sửa đổi một số nội dung. Đặc biệt, theo Kế hoạch năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất rà soát sửa đổi Luật 34/2018/QH14 để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, chồng chéo.

 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải đáp ý kiến

Cũng tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trao tặng các phần quà cho 20 gương mặt đoàn viên công đoàn xuất sắc trong cả nước được nhận nhiều giải thưởng, bằng khen, giấy khen trong lao động, sản xuất, công tác. Mỗi suất quà gồm 5 triệu đồng và quà lưu niệm của Chủ tịch Quốc hội. Thật vinh dự và tự hào, trong số đó có tấm gương điển hình tiêu biểu của Công đoàn Giáo dục Việt Nam là GS.TS. Lê Minh Thắng hiện đang là Giảng viên Cao cấp Bộ môn Công nghệ Hữu cơ - Hóa dầu, Viện Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội. Đồng thời trao 30 phần quà đến tới 30 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tặng quà cho đoàn viên, người lao động xuất sắc

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trao quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Tiếp theo Chương trình đó nghi thức phát động giải Vô địch bóng đá công nhân toàn quốc năm 2023 do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang, cùng đại diện Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và Báo tuổi trẻ thực hiện.

Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc 2023 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn bóng đá Việt Nam và Báo Tuổi trẻ phối hợp tổ chức nhằm mục đích nâng cao đời sống sinh hoạt văn hoá tinh thần, tạo sân chơi bổ ích, rèn luyện sức khoẻ cho công nhân lao động cả nước, đồng thời thiết thực chào mừng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 -2028.

Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc năm 2023

 

Với thành công của diễn đàn lần này, cán bộ, nhà giáo và người lao động của Công đoàn Giáo dục Việt Nam nói riêng và công nhân, cán bộ, người lao động của các cấp công đoàn trên cả nước nói chung mong muốn Diễn đàn người lao động tiếp tục được duy trì hàng năm. Như vậy, Quốc hội sẽ có thêm góc nhìn, dữ liệu khi xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế về việc làm cũng như duy trì việc làm bền vững, nâng cao thu nhập đời sống và cải thiện điều kiện làm việc của người lao động.

Các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Tổng LĐLĐ Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và các thầy cô giáo ngành Giáo dục

Tin bài: Ban Tuyên giáo – Nữ công CĐGD Việt Nam

 

  


Các tin khác
Khánh thành nhà công vụ cho giáo viên miền núi Kon Tum (28/07/2023)
Công đoàn Giáo dục Việt Nam - 72 năm, một chặng đường phát triển (22/7/1951-22/7/2023) (20/07/2023)
Lễ khánh thành và bàn giao nhà công vụ cho các thầy giáo, cô giáo Trường Tiểu học Trung Thượng (19/07/2023)
(GD&TĐ) Khánh thành Khu tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ ngành Giáo dục (14/07/2023)
Hội Nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Khối thi đua 11 Công đoàn ngành Trung ương (12/07/2023)
Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức gặp mặt phóng viên báo chí (29/06/2023)
(GD&TĐ)Cải thiện điều kiện làm việc tại các trường Đại học (28/05/2023)
Tập thể và cá nhân điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Công đoàn Giáo dục Việt Nam được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tôn vinh, khen thưởng (16/05/2023)
(LĐ) Hoạt động tháng công nhân năm 2023 Công đoàn Giáo dục Việt Nam (11/05/2023)
Đại diện Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam thăm hỏi gia đình cô giáo Mai Thị Yến (08/05/2023)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 18760943
Online: 69
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn