Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT làm việc với Công đoàn GDVN
Nhiều đổi mới trong hoạt động Công đoàn
Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT đã nghe Chủ tịch Công đoàn GDVN Trần Công Phong báo cáo về kết quả hoạt động công tác Công đoàn trong học kỳ II năm học 2013-2014 và một số nhiệm vụ trọng tâm trong học kỳ I năm học 2014-2015; Báo cáo về tình hình tổ chức và hoạt động của Công đoàn giáo dục các cấp.
Chủ tịch Công đoàn GDVN Trần Công phong báo cáo tại buổi làm việc
Đồng thời Ban cán sự Đảng cũng đã lắng nghe những đề xuất, kiến nghị của Công đoàn GDVN về những tồn tại vướng mắc đang gặp phải về cơ chế, chính sách, mô hình hoạt động của tổ chức Công đoàn GD... để có những chỉ đạo, tháo gỡ trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, các Ủy viên Ban cán sự Đảng đã đánh giá cao trong thời gian qua Công đoàn GDVN hoạt động có nhiều đổi mới. Đã tổ chức tuyên truyền, quán triệt hiệu quả trong đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục triển khai Nghị quyết số 29 của BCH T.Ư Đảng Khóa XI về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT.
Công đoàn GDVN đã chăm lo tốt đến đời sống, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động; làm tốt công tác vận động đoàn viên và các tổ chức, cá nhân ngoài xã hội có tấm lòng hảo tâm ủng hộ nhà giáo, học sinh vùng khó, vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai;
Tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động mang tính xã hội trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển GD&ĐT của đất nước...
Phát huy mạnh mẽ vai trò tổ chức công đoàn trong công cuộc đổi mới GD&ĐT
Phát biểu tại buổi làm việc Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đánh giá cao những hoạt động trong học kỳ vừa qua của Công đoàn GDVN đã góp phần quan trọng vào thành công chung của ngành giáo dục cả nước đang thực hiện đổi mới theo tinh thần Nghị quyết số 29 của BCH T.Ư Đảng Khóa XI.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại buổi làm việc
Bộ GD&ĐT đã có những đổi mới thành công trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua, nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của dư luận xã hội; trong đó có vai trò của Công đoàn GDVN đã vận động mang tính xã hội rộng lớn trong đội ngũ cán bộ, giáo viên và người lao động...
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận mong rằng tiếp tục những thành công đó, Công đoàn GDVN tiếp tục tập hợp các ý kiến đóng góp của nhà giáo, cán bộ quản lý là các đoàn viên công đoàn các cấp cho bộ phận khảo thí làm căn cứ tin cậy giúp Bộ chọn được phương án tối ưu nhất tổ chức một kỳ thi quốc gia trong thời gian tới.
Đồng thời với đó, với chức năng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, Công đoàn GDVN trong thời gian tới sẽ là một kênh cùng với Bộ GD&ĐT đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Trước mắt, Công đoàn các cấp cần có những giải pháp truyền thông, tuyên truyền đến giáo viên, cán bộ quản lý đẩy mạnh thực hiện đổi mới trong công tác kiểm tra, đánh giá, đổi mới phương pháp dạy và học trong giáo viên và các nhà trường.
Đề cập đến chức năng kiểm tra, giám sát của Công đoàn GDVN, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đề nghị trong thời gian tới phát huy vai trò, chức năng của mình Công đoàn GDVN rà soát những tổ chức, trường ĐH có vấn đề về hoạt động tài chính để chấn chỉnh lại hoạt động cho đúng quy chế;
Tương tự như vậy, tại các tổ chức, nhà trường có dấu hiệu của sự mất đoàn kết nội bộ trong đội ngũ cán bộ chủ chốt, tổ chức công đoàn phải đứng lên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, đoàn viên; Đồng thời đấu tranh, lên án và loại bỏ những cá nhân có động cơ gây mất đoàn kết để bảo vệ lợi ích chung.
Bộ trưởng cũng mong rằng Công đoàn GDVN có những phối hợp với bộ phận chức năng của Bộ đổi mới công tác thi đua khen thưởng. Khen tặng đúng đối tượng là các nhà giáo, đoàn viên công đoàn, nhất là các nhà giáo công tác ở những vùng khó khăn, các giáo viên trực tiếp đứng trên bục giảng... để các danh hiệu thi đua của Ngành có ý nghĩa hơn, tác động lớn hơn góp phần động viên, khích lệ các phong trào thi đua trong Ngành.
Về mô hình hoạt động, ở một số nơi thí điểm giải thể Công đoàn GD cấp huyện, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận yêu cầu Công đoàn GDVN trên cơ sở rà soát lại những quy định hiện hành và hoạt động thực tế của mô hình để có đánh giá cụ thể hiệu quả hoạt động của mô hình thí điểm;
Nếu mô hình hoạt động kém hiệu quả và không đảm bảo chăm lo được lợi ích, đời sống của đoàn viên ở Công đoàn cơ sở, sẽ có kiến nghị chính thức với Tổng liên đoàn Lao động về những thí điểm này.
Bá Hải