(ĐCSVN) – Đến với hành trình “Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” năm 2022 (Đoàn công tác số 6) đi thăm tặng quà quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có nhiều hoạt động thăm hỏi, động viên thiết thực đến các giáo giáo viên hiện đang làm nhiệm vụ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam trao quà của Bộ trưởng Bộ GD& ĐT và của Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho hai thầy giáo ở đảo Sinh Tồn
Trong hành trình thăm các đảo và nhà giàn thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, cùng với các hoạt động thăm hỏi, động viên quân và dân trên các đảo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã đến thăm, gặp gỡ các giáo viên các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa.
Ra công tác tại xã đảo Song Tử Tây được 4 năm thì cả 4 năm, thầy Nguyễn Hữu Phú và Nguyễn Bá Ngọc đều đảm nhiệm nhiệm vụ chăm sóc, dạy dỗ các cháu học sinh từ mầm non đến hết lớp 5, đồng thời còn tham gia các hoạt động canh giữ, bảo vệ cùng với các lực lượng khác trên đảo. Với các thầy, câu hỏi “Có nhớ nhà không?” có lẽ phải chuyển thành câu khẳng định luôn bởi vì, trong đất liền nỗi nhớ có thể khỏa lấp bằng các phương tiện nghe nhìn vô cùng thuận tiện thì trên đảo xã, cách đất liền gần 300 hải lý, chỉ khi điều kiện thời tiết thật tốt các thầy mới có thể gọi được về và chỉ nghe gọi chứ không hề có hình ảnh và thời gian cho các cuộc nói chuyện cũng không được nhiều.
Việc dạy lớp ghép từ 2 đến 3 trình độ đã trở thành mô hình đặc thù của các trường học trên đảo. Kiểu kê bàn ghế xoay theo nhiều hướng để thầy có thể đến dạy cho mỗi em ở một trình độ khác nhau có lẽ chỉ còn tồn tại trên đảo. Xa gia đình, xa vợ con có lẽ mọi tình yêu thương các thầy đều đổ dồn hết cho các em học sinh của mình. Bởi để có tiếng trẻ đọc bài vang xa theo mỗi con sóng lan trên mặt đại dương mênh mông ấy, nhiều người nhiều thế hệ đã phải đánh đổi cả xương máu, tính mạng, với chúng tôi đó là niềm tự hào, là vinh dự lớn lao của một nhà giáo có cơ hội được cống hiến trên vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc”, thầy Phú và thầy Ngọc chia sẻ.
Thầy Phạm Xuân Diệu, một trong những thầy giáo còn rất trẻ đang dạy học tại xã đảo Sinh Tồn thì lại coi việc dạy học vô cùng khó khăn, vất vả, thiếu thốn là chuyện bình thường. Tốt nghiệp sư phạm tôi xung phong ra đảo dạy học. Những năm tháng dạy học trên đảo đã giúp cho chúng tôi có nhiều trải nghiệm vô cùng quý giá. Những thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần, những khắc nghiệt của thời tiết và rất nhiều những khó khăn không tên khác chắc chắn sẽ tạo nên những giá trị trong cuộc đời mỗi con người nơi đây.
Các thầy đều rất vui bởi mỗi đoàn khách lên thăm đảo thì lớp học và các em học sinh hồn nhiên, ríu rít nơi đây luôn là điểm đến của tất cả mọi người. Nhìn ngắm lũ trẻ say sưa đọc những bài thơ về biển, về đảo, về cụm từ "Quê hương em"... người ta có thể tự vấn mình về những so đo của bản thân vẫn xuất hiện đâu đó, người ta cũng có thể giật mình để định vị lại ý nghĩa của cuộc sống này... sự vô tư của học sinh nơi đây truyền cho con người ta sự lạc quan, niềm tin vượt qua cả những cơn sóng gió, bão tố theo đúng nghĩa đen trên mỗi cuộc hành trình ra đảo, và cũng có thể là nghĩa bóng để có sức mạnh đối mặt với bao thách thức trong cuộc đời. Hình ảnh lớp học, học sinh nơi đây rất đỗi thân thương, bình dị nhưng mang lại sức sống mãnh liệt. Một sự liên tưởng tới phóng sự gần đây trên VTV viết về tấm gương các nhà giáo tận tâm cống hiến nơi vùng khó khăn "Nơi ấy có Thầy" bỗng ùa về nhưng lúc này, hiện lên giữa các em nhỏ nơi đây là với những người thầy đang gian nan gieo con chữ nơi đầu sóng ngọn gió, nơi đảo xa tít tắp ngàn trùng... Quần đảo Trường Sa thân yêu!.
Khác với đảo Song Tử Tây và đảo Sinh Tồn, Đảo Trường Sa Lớn là một thị trấn có diện tích lớn nhất trong các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, ở Trường Sa lớn chỉ có một thầy giáo Bành Hữu Tình đảm nhiệm dạy luôn cả 5 khối lớp tiểu học và 1 lớp mầm non. Thầy Tình đã có thâm niên công tác gần 20 năm và đã ra đảo công tác được gần 5 năm. Thầy vô cùng xúc động khi lần đầu tiên từ khi ra đảo thầy được đón đoàn công tác có đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn Giáo dục Việt Nam đến thăm hỏi, động viên thầy trò nhà trường. Khi đón nhận lời thăm hỏi và món quà của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi tặng, thầy Tình xúc động tâm sự: "Món quà 30 triệu đồng mà Bộ trưởng gửi tặng các thầy giáo đang công tác trên đảo có nghĩa rất lớn vì giúp chúng tôi giải quyết 1 phần khó khăn trong cuộc sống, đồng thời, cảm thấy cô cùng ấm áp vì Bộ trưởng và Công đoàn Giáo dục Việt Nam rất quan tâm mặc dù trường rất nhỏ, lớp rất đơn sơ và ở một nơi rất xa".
Ông Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam (thứ 2 từ trái qua), thăm hỏi động viên thầy trò Trường Tiểu học xã Song Tử Tây
Thầy Bành Hữu Tình được coi như anh cả trong nhóm 5 anh em đang dạy học trên các đảo về tuổi đời cũng như tuổi nghề. Vì vậy khi được hỏi về những nguyện vọng của các thầy giáo trên đảo, thầy Tình cho biết: Hiện nay theo quy định thì giáo viên được chuyển xếp hạng theo chức danh nghề nghiệp mà muốn được xếp hạng thì giáo viên phải hoàn thành các khóa bồi dưỡng cấp chứng chỉ nghiệp vụ theo các chức danh đó. Điều kiện dạy học ngoài đảo xa không thể tham gia các lớp tập huấn như trong đất liền nên chúng tôi đang bị thiệt thòi bởi không thể nâng hạng được mặc dù anh em đều đảm bảo đủ chuẩn trình độ đào tạo.
Mỗi năm giáo viên trên đảo được nghỉ vào bờ 25 ngày mà cũng phải tùy vào lịch của tàu và thời tiết của biển. Dạy học trong bối cảnh không có mạng internet cũng là một thiệt thòi lớn với các thầy giáo nơi đây. Máy tính, máy in chỉ dùng được khoảng 3 tháng là hơi nước biển đà làm hoen gỉ, hỏng hóc. Một đề xuất về chính sách ưu đãi, hỗ trợ dành riêng cho giáo viên công tác tại các đảo xa xôi về chuyển nâng hạng chức danh thiết nghĩ là điều mà các cấp quản lý ngành giáo dục nên quan tâm.
Tham gia Đoàn công tác số 6, tại mỗi điểm đảo đến thăm, ông Nguyễn Ngọc Ân, Ủy viên Ban cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã thay mặt Bộ trưởng trao quà của Bộ trưởng và quà của Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho các giáo viên và nhà trường. Ghi nhận những ý kiến đề xuất của giáo viên nơi đảo xa, ông Ân cho biết: “Gây dựng và phát triển giáo dục ở vùng biển đảo là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Muốn có trường lớp, muốn có học sinh thì phải có giáo viên. Ngoài những chế độ ưu đãi hiện nay, nhà giáo nơi đây rất cần có những chính sách theo kịp với những yêu cầu đặt ra để nhà giáo yên tâm công tác, cống hiến. Những đề xuất của các thầy giáo cần được quan tâm và có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Đây là trách nhiệm của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của cá nhân tôi trong chuyến công tác đặc biệt này”./.
Bài, ảnh: Khánh Lan