logo Giới thiệu Giới thiệu chung

CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM

QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP VÀ CÁC KỲ ĐẠI HỘI

 

I. Quá trình thành lập

Ngày 28/7/1929, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) được thành lập, từ đó giáo giới cả nước được tiếp cận với các chủ trương của Tổng Liên đoàn. Tổ chức của giáo giới bắt đầu được hình thành ở nhiều nơi với nhiều tên gọi : Liên đoàn giáo giới ở Thanh Hoá, Nghệ An và một số tỉnh ở khu V; Công đoàn giáo giới ở Phú Yên; Công đoàn giáo dục tiểu học ở Hà Tĩnh... Các tổ chức này lúc đầu hoạt động như các đoàn thể cứu quốc, lấy việc phục vụ kháng chiến, tham gia công tác xã hội làm nội dung chính.

Tháng 9/1950, thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn và được sự giúp đỡ tận tình của Lãnh đạo Bộ Giáo dục, đặc biệt là Thứ trưởng Nguyễn Khánh Toàn, Bí thư Đảng đoàn Bộ Giáo dục, Ban vận động thành lập Công đoàn Giáo dục (CĐGD) Việt Nam đã ra đời. Từ đó, theo đường hướng của Tổng Liên đoàn và sự chỉ đạo của Liên hiệp công đoàn các tỉnh, tổ chức CĐGD nhanh chóng được phát triển ở các cơ quan giáo dục và các trường học từ Việt Bắc đến khu III, khu IV, khu V. Số lượng đoàn viên lúc này đã lên tới 9857 người.

Trên cơ sở đó, ngày 22/7/1951, tại Hội nghị CĐGD toàn quốc ở Việt Bắc, Ban Chấp hành lâm thời CĐGD Việt Nam chính thức được thành lập với chức năng tập hợp, vận động cán bộ, giáo viên trong các cơ quan giáo dục và trường học thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, phục vụ kháng chiến. Ban Chấp hành CĐGD Việt Nam lâm thời có 15 uỷ viên do đồng chí Nguyễn Cát Tường làm Chánh thư ký, đồng chí Phương Hoa làm Phó thư ký. Hội nghị đã thông qua chương trình công tác gồm 4 điểm: Thúc đẩy đoàn viên làm nhiệm vụ chuyên môn; Xây dựng tổ chức công đoàn lớn mạnh, đảm bảo thực hiện cải cách giáo dục; Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên; Đoàn kết lao động trí óc và chân tay đấu tranh giải phóng dân tộc.

Tuy còn sơ lược nhưng chương trình hoạt động nói trên đã như một lời tuyên ngôn về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công đoàn ngành, đặt cơ sở cho quá trình tổ chức và hoạt động của Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

Với tinh thần hăng hái của một tổ chức mới ra đời, được đông đảo giáo giới cả nước hưởng ứng, tổ chức Công đoàn Giáo dục đã phát triển nhanh chóng. Đến cuối năm 1952, tổng số đoàn viên đã lên tới 11.500 người.

Tham gia Công đoàn Giáo dục Quốc tế (fise)

Tháng 7/1953, tại Hội nghị Công đoàn Giáo dục Quốc tế (FISE) họp tại Viên (Thủ đô nước Áo), Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã được công nhận là một thành viên chính thức và có đại diện tham gia Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục Quốc tế. Từ đó, vai trò, tiếng nói của Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia và ngày càng tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của giáo giới các nước đối với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng một nền giáo dục mới ở nước ta.

Hội nghị cán bộ công đoàn toàn quốc

Tháng 6/1954, sau chiến thắng lịch sử ở Điện Biên Phủ, Hội nghị cán bộ công đoàn toàn quốc đã họp tại xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Tuy chưa phải là một Đại hội, nhưng đây là lần đầu tiên CĐGD Việt Nam có cuộc họp toàn quốc, bao gồm cán bộ công đoàn ở các khu, tỉnh và Ban Chập hành lâm thời CĐGD Việt Nam. Hội nghị này là một mốc quan trọng trong quá trình phát triển của CĐGD Việt Nam. Hội nghị đã kiểm điểm tình hình phong trào, bàn bạc thống nhất các vấn đề về củng cố tổ chức, kiện toàn lãnh đạo công đoàn, vận động đoàn viên làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, tham gia phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất... Hội nghị đã bầu GS Nguyễn Văn Chiển làm Chánh Thư ký, đồng chí Trần Nhật Dụ làm Phó Thư ký Ban Chấp hành lâm thời.

Sau ngày giải phóng Thủ đô, hoạt động của CĐGD Việt Nam bước vào thời kỳ mới-thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng miền Bắc XHCN, đấu tranh thống nhất nước nhà.

II. Đại hội lần thứ nhất CĐGD Việt Nam

Năm 1957, CĐGD Việt Nam đã có một hệ thống tổ chức hoàn chỉnh, tương ứng với hệ thống tổ chức của chuyên môn. Được sự đồng ý của TLĐLĐVN, Đại hội đại biểu lần thứ nhất của CĐGD Việt Nam tổ chức từ ngày 25-31/7/1957 tại Thủ đô Hà Nội.

Đại hội đã xác định nhiệm vụ chung của cả hệ thống CĐGD Việt Nam là: "Tăng cường giáo dục nâng cao giác ngộ XHCN đoàn kết rộng rãi lao động toàn ngành; chăm lo bồi dưỡng đoàn viên; động viên lòng phấn khởi hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển ngành Giáo dục; góp phần củng cố miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà".

Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, Uỷ viên Thường vụ TLĐLĐVN Bùi Quỳ đã đến thăm và nói chuyện với Đại hội.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành CĐGD Việt Nam khoá I gồm 25 đồng chí. GS. Đặng Minh Trứ được bầu làm Chánh Thư ký; các đồng chí Ngụy Như Kon Tum, Trần Hậu Toàn, Trần Nhật Dụ làm Phó Thư ký. Năm 1959, GS. Đặng Minh Trứ chuyển sang làm công tác khoa học, TLĐLĐVN điều GS. Nguyễn Văn Hiếu từ Bộ Giáo dục sang làm Chánh Thư ký.

Ngày 20/11/1958, lần đầu tiên ngày Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo đã được tổ chức trọng thể tại Nhà hát Nhân dân (nay là Cung Văn Hóa Hữu nghị). Đồng chí Trường Chinh cùng nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, lãnh đạo TLĐLĐVN, Bộ Giáo dục và đông đảo các Nhà giáo ở Thủ đô Hà Nội đã đến dự.

III. Đại hội lần thứ II CĐGD Việt Nam

Đại hội lần thứ hai của CĐGD Việt Nam được tổ chức từ ngày 25-27/7/1961 tại thành phố Hải Phòng

Thứ trưởng Bộ Giáo dục Võ Thuần Nho và Phó Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam đã đến dự và phát biểu ý kiến.

Đại hội đã quyết định nhiệm vụ trước mắt của CĐGD Việt Nam là: "Đoàn kết lao động toàn ngành, ra sức bồi dướng quan điểm tư tưởng mới, bồi dưỡng nghiệp vụ văn hoá, kỹ thuật, cải thiện đời sống vật chất cho đoàn viên, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh nhằm phát triển phong trào quần chúng thi đua giảng dạy tốt, công tác tốt, thực hiện giáo dục phục vụ công- nông, giáo dục phục vụ sản xuất, xây dựng một nền giáo dục thật sự XHCN".

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 36 đồng chí uỷ viên chính thức và 4 đồng chí uỷ viên dự khuyết. Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu được bầu làm Chánh thư ký, các đồng chí Trần Hậu Toàn, Ngụy Như Kon Tum, Trần Nhật Dụ được bầu làm Phó thư ký.

IV. Đại hội lần thứ III CĐGD Việt Nam

Đại hội lần thứ III của CĐGD Việt Nam được tổ chức từ ngày 9-11/8/1963 tại trường Chính trị-Bộ Giáo dục. Đồng chí Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên đã đến dự, chỉ đạo Đại hội.

Đại hội đã đề ra nhiệm vụ chung trong nhiệm kỳ là: “Trên cơ sở kiện toàn Công đoàn ngành trung ương, củng cố công đoàn cơ sở, ra sức bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức, tác phong xã hội chủ nghĩa; tích cực cải thiện đời sống cho đoàn viên, lao động toàn Ngành nhằm đẩy mạnh phong trào quần chúng thi đua giảng dạy tốt, công tác tốt. Xây dựng nền giáo dục gắn liền với nhà trường và đời sống, với sản xuất, phục vụ đắc lực hai cuộc vận động lớn của Đảng và Chính phủ, góp phần thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hoá XHCN ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà”.

Đại hội đã bầu 15 uỷ viên Ban Chấp hành. GS Nguyễn Văn Hiếu làm Chánh thư ký, đồng chí Trần Hậu Toàn tiếp tục được bầu làm Phó thư ký. Năm 1964, GS. Nguyến Văn Hiếu chuyển công tác, đồng chí Trần Văn Các được bầu bổ sung làm Chánh thư ký.

Ngày 20/11/1963, Hội Nhà giáo yêu nước miền Nam Việt Nam được thành lập do GS. Lê Văn Huấn làm Hội trưởng, đảm nhận việc tập hợp, đoàn kết giáo giới miền Nam phát triển sự nghiệp giáo dục các vùng giải phóng, đấu tranh cho dân sinh, dân chủ và thống nhất nước nhà.

V. Đại hội lần thứ IV CĐGD Việt Nam

Tháng 9/1967, Đại hội lần thứ IV CĐGD Việt Nam diễn ra tại một hội trường tranh tre, xung quanh là hầm hào phòng không thuộc xã Việt Tiệp, huyện Khoái Châu tỉnh Hải Hưng.

Đại hội đã quyết định nhiệm vụ chung của CĐGD Việt Nam trong những năm tiếp theo là: "Tăng cường tổ chức bồi dưỡng GV-CB-CNV tham gia quản lý cơ quan, trường học, quán triệt sâu sắc đường lối giáo dục của Đảng, đồng thời hết sức chăm lo đến đời sống của anh chị em; động viên toàn ngành nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chuyển hướng giáo dục, chuyển hướng đào tạo trong bất kỳ tình huống nào".

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành mới gồm 31 uỷ viên. Thứ trưởng Lê Liêm, Bí thư Đảng Đoàn Bộ Giáo dục được bầu làm Chánh Thư ký; các đồng chí Trần Văn Các, Trần Hậu Toàn, Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Danh Hoàn được bầu làm Phó Thư ký.

VI. Đại hội lần thứ V CĐGD Việt Nam

Đại hội lần thứ V CĐGD Việt Nam tiến hành vào tháng 6/1970 tại trường Cán bộ Công đoàn Hà Nội. Đại hội đã xác điịnh nhiệm vụ thiêng liêng là: "Đại hội thực hiện Di chúc của Bác Hồ".

Đại hội đã quyết định nhiệm vụ chung của CĐGD Việt Nam trong nhiệm kỳ là: "Tập trung giáo dục, động viên toàn thể cán bộ, giáo viên nâng cao quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược và xây dựng CNXH, nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước thế hệ trẻ, phát huy khí thế cách mạng tiến công, phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục lên một bước".

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 25 uỷ viên. Giáo sư Ngụy Như Kon Tum được bầu làm Chánh thư ký, đồng chí Hoàng Kim Hải được bầu làm Phó thư ký

VII. Đại hội lần thứ VI CĐGD Việt Nam

Đại hội VI CĐGD Việt Nam từ ngày 22-24/4/1975 tại trường Đại học Kinh tế Kế hoạch Hà Nội. Đại hội đã đề ra nhiệm vụ tổng quát trong nhiệm kỳ là: "Nâng cao nhiệt tình cách mạng, ý thức làm chủ sự nghiệp giáo dục của toàn thể GV- CB- CNV, động viên anh chị em hăng hái thi đua giảng dạy và công tác theo đúng đường lối, phương châm giáo dục của Đảng, cần kiệm xây dựng nhà trường XHCN; đồng thời không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ về mọi mặt để đáp ứng yêu cầu của cải cách giáo dục. Sẵn sàng chi viện cho yêu cầu phát triển giáo dục ở miền Nam. Tích cực tham gia quản lý cơ quan trường học góp phần cải tiến công tác chỉ đạo, Chăm lo đời sống của GV - CB - CNV. Tăng cường công tác bồi dưỡng cán bộ, cải tiến các hình thức, phương pháp hoạt động công đoàn"

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 25 đồng chí, đồng chí Dương Xuân Nghiên được bầu làm Thư ký, đồng chí Hoàng Kim Hải được bầu làm Phó thư ký.

Hội Nhà giáo yêu nước hoà nhập vào CĐGD Việt Nam: Theo đường lối thống nhất của Đảng và chủ trương của Tổng Công đoàn Việt Nam, ngày 25/7/1977 Hội Nhà giáo yêu nước miền Nam Việt Nam đã làm lễ kết thúc nhiệm vụ lịch sử của mình, hoà nhập vào tổ chức CĐGD Việt Nam.

Sự thành lập Công đoàn Đại học-Trung học chuyên nghiệp Việt Nam

Tháng 10/1965, Chính phủ quyết định thành lập Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Về tổ chức công đoàn hai ngành vẫn thống nhất trong Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam.

Để thống nhất công tác quản lý, đẩy mạnh sự nghiệp đào tạo cán bộ khoa học-kỹ thuật, cán bộ quản lý kinh tế và cán bộ chuyên môn, Tổng Công đoàn Việt Nam đã ra quyết định số 71/QĐ-TCĐ ngày 30/01/1975 thành lập công đoàn ngành Đại học và Trung học chuyên nghiệp Việt Nam, chỉ định Ban Chấp hành Lâm thời Công đoàn ngành đại học - Trung học chuyên nghiệp, gồm 9 đồng chí: đồng chí Ngụy Như Kon Tum, Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp làm Thư ký, đồng chí Nguyễn Đức Thừa, giảng viên trường Đại học Bách khoa làm Phó Thư ký.

Đầu năm 1976 một số uỷ viên trong Ban Chấp hành thuyên chuyển công tác, Tổng công đoàn (TLĐ) đã quyết định bổ sung đồng chí Nguyễn Thọ làm Phó thư ký thường trực. Tháng 9/1977, TLĐ quyết định bổ sung đồng chí Ngô Văn Cân, Chủ nhiệm khoa kinh tế Nông nghiệp, Thư ký Công đoàn trường Đại học Kinh tế kế hoạch làm Phó thư ký.

VIII. Đại hội lần thứ VII CĐGD Việt Nam

Ngày 06-09/4/1978, Đại hội lần thứ VII CĐGD Việt Nam khai mạc trọng thể tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây là Đại hội lịch sử lần đầu tiên, từ khi thống nhất đất nước, của CĐGD Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình và Thứ trưởng kiêm Bí Thư Đảng đoàn Bộ Giáo dục Nguyễn Thanh Khiết đã đến dự và phát biểu với Đại hội.

 Đại hội đã đề ra nhiệm vụ tổng quát trong nhiệm kỳ là: “Phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của GV-CB-CNV đối với sự nghiệp giáo dục, đẩy mạnh các phong trào cách mạng trong các trường học mà trung tâm là phong trào thi đua hai tốt theo gương các điển hình tiên tiến, thực hiện tốt các nguyên lý giáo dục của Đảng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo lớp người lao động mới, tích cực chuẩn bị và từng bước thực hiện cải cách giáo dục; không ngừng giáo dục rèn luyện, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, hết sức chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ GV-CB-CNV nhằm từng bước xây dựng một đội ngũ trí thức của giai cấp công nhân Việt Nam; xây dựng công đoàn giáo dục lớn mạnh về tư tưởng, về tổ chức; tích cực cải tiến phương thức hoạt động làm cho Công đoàn Giáo dục thực sự là tổ chức rộng lớn nhất của giai cấp công nhân, là trường học của chủ nghĩa cộng sản, trường học quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước”.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 41 người, đồng chí Dương Xuân Nghiên được bầu làm Thư ký, đồng chí Hoàng Kim Hải làm Phó Thư ký.

Tại đại hội, Nhà nước đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho CĐGD Việt Nam.

IX. Đại hội lần thứ nhất Công đoàn ĐH-THCN Việt Nam

Ngày 28-30/9/1978 tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã tiến hành Đại hội đại biểu Công đoàn ngành Đại học-Trung học chuyên nghiệp. Đại hội đã đề ra phương hướng và nhiệm vụ chung của công đoàn ĐH-THCN nhiệm kỳ 1978-1982 như sau:

Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho mọi người nhận rõ tình hình và nhiệm vụ mới của đất nước. Trên cơ sở đó, tăng cường đoàn kết và động viên cao độ lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, nâng cao ý chí chiến đấu, tinh thần tự lực, tự cường, xây dựng phát huy quyền làm chủ tập thể, đẩy mạnh phong trào đồng khởi thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của ngành với hai nhiệm vụ trung tâm và thực hiện tốt 3 kết hợp. Tổ chức và quản lý tốt đời sống, xây dựng nếp sống văn minh trong các trường ĐH – THCN. Kiện toàn tổ chức công đoàn các cấp, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực và phương pháp công tác của cán bộ công đoàn, đặc biệt chú trọng xây dựng củng cố công đoàn cơ sở. Nâng cao cảnh giác cách mạng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, xây dựng lực lượng tự vệ vững mạnh trong các trường, sẵn sàng chiến đấu cùng nhân dân cả nước kiên quyết đập tan mọi âm mưu phá hoại của bọn đế quốc và bọn phản động trong và ngoài nước, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Đại hội đã bầu Ban chấp hành gồm có 25 uỷ viên. Đồng chí Ngô Văn Cân làm Thư ký, đồng chí Nguyễn Thọ và đồng chí Lương Lãng làm Phó thư ký.

                                                                                                                                                             1 | 2



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 18759835
Online: 1274
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn