logo Tư vấn pháp luật

NHỮNG TẤM GƯƠNG ĐIỂN HÌNH TIÊN TIẾN CỦA NGÀNH GIÁO DỤC HÀ GIANG
(15:47, 26/06/2015)
“NGỌN LỬA CỦA NHIỆT HUYẾT VÀ TÌNH THƯƠNG”
(Chị Vũ Thị Gọn – Hiệu trưởng trường PTDTNTcấp 2,3 Yên Minh)

 

Sinh năm 1968, chị Vũ Thị Gọn - người con gái của mảnh đất Hàm Yên – Tuyên Quang với tấm lòng mến trẻ và mơ ước trở thành một “kĩ sư tâm hồn”, năm 1989 cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp sư phạm, cùng trái tim đầy nhiệt huyết của tuổi đôi mươi chị đã tình nguyện xung phong lên mảnh đất địa đầu tổ quốc để hiện thực mơ ước của mình.

Bến đò đầu tiên nơi chị chèo lái con thuyền tri thức là Trường THCS xã Minh Ngọc Huyện Bắc Mê tỉnh Hà Giang. Đất nước những năm đầu đổi mới với muôn vàn khó khăn, nhất là ở nơi thôn xóm của miền sơn cước địa đầu của tổ quốc. Nhưng, bằng tâm huyết của tuổi trẻ, bằng đam mê với nghề và đặc biệt với tấm lòng thương mến những học trò nghèo miền núi chị vừa không ngừng học hỏi, rèn luyện nâng cao tay nghề, vừa hết mình vận động, dạy dỗ lớp lớp học trò nên người.

Được, trò mến, dân tin, cấp trên tín nhiệm, năm 1993 chị được bổ nhiệm là Phó hiệu trưởng truờng Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Bắc Mê.

Vì hoàn cảnh gia đình, chồng chị thường xuyên đau ốm, bệnh tật nên năm 1997 chị xin chuyển vùng lên Yên Minh công tác để được gần gia đình nhà chồng. Có những giai đoạn chồng chị bệnh nặng, trong sinh hoạt cá nhân không tự chủ được hành vi ý thức của mình cùng với đó là những bộn bề lo toan về kinh tế, và việc chăm sóc nuôi dạy con thơ nhưng chị đã xắp xếp việc nhà, việc trường hợp lí, khoa học, hết lòng chạy chữa, chăm sóc cho chồng, đảm đang khéo léo trong việc thu vén kinh tế và nuôi dạy con dồng thời luôn hoàn thành xuất sắc  nhiệm vụ nhà trường giao. Sau hai năm giảng dạy tại trường Phổ thông dân tộc Nội trú Yên Minh. Năm 1999 chị được bổ nhiệm giữ chức vụ phó hiệu trưởng nhà trường.

Năm 2002, chị được đề bạt giữ chức vụ quyền hiệu trưởng. Công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế và phát triển của đất nước là một thách thức lớn đối với mỗi nhà giáo và người cán bộ quản lý giáo dục.Trước yêu cầu đó, cùng với mong muốn được hoàn thiện mình, được tiếp cận với những kiến thức mới, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lí luận chính trị, và tìm ra được những giải pháp lãnh chỉ đạo chinh phục được trái tim, khối óc của đồng nghiệp và học trò  chị đã học lên đại học, học chương trình quản lý giáo dục và hoàn thành xuất sắc khoá học cao cấp chính trị tại Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Năm 2005, trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Yên Minh được nâng cấp thành Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú cấp II – III Yên Minh chị tiếp tục được tín nhiêm bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng.

Nhìn lại hành trình xa quê lập nghiệp nơi biên cương xa xôi mới thấy chị thực sự là tấm gương của sự cố gắng, phấn đấu hết mình cho công việc và cuộc sống. Nhưng có lẽ được sống, làm việc và tiếp xúc với chị mới cảm nhận hết đựơc những trăn trở, những nỗ lực và những cống hiến của chị cho gia đình, cho công việc,  cho xã hội và nhất là những em thơ vùng cao, nhớ lại ngày đó đường vùng cao đi lai khó khăn, những khi mưa gió nhiều đoạn đường không thể đi được xe máy chị đã cùng cán bộ giáo viên  trong trường đi bộ đến những xóm, xã xa xôi của huyện Yên Minh để thăm hỏi động viên học sinh tới trường. Đây là một việc làm không hề đơn giản nhưng chị đã làm được và bằng chứng là sĩ số học sinh luôn được duy trì ổn định qua các năm. Khi học sinh đến học tại trường chị ân cần, hỏi han, động viên các em. Khi các em ốm chị chỉ đạo cán bộ, giáo viên, y tế của nhà trường chăm sóc cho các em chu đáo. Khi các em bệnh nặng phải nằm viện chị như một người mẹ chăm sóc, động viên, nâng giấc, tảo tần cơm cháo chăm sóc cho các em như chính con đẻ của mình, và thay gia đình các em cam kết với bệnh viện để các em được mổ và điều trị…Dù khi là giáo viên đứng lớp giảng dạy hay khi giữ chức vụ lãnh đạo chị vẫn theo sát việc học tập, ăn ở, tâm tư của từng học trò bởi với chị các em cũng chính là các con của chị và với học trò chị như người mẹ - người mẹ luôn hết lòng vì các con thân yêu.

Hôm nay, khi nhìn những lớp học cao tầng khang trang chúng tôi không khỏi cảm kích trước sự nỗ lực không ngừng của chị và khâm phục tài năng lãnh đạo và tâm huyết thực sự nơi chị. Trong những năm đầu khi trường được nâng cấp thành lập lên trường Nội trú cấp II, III vinh dự thì lớn lao xong trách nhiệm lại hết sức nặng nề, học sinh tăng, cơ sở vật chất thiếu thốn khó khăn chồng chất những khó khăn. Nhưng bằng khối óc, bằng trái tim nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm cao với công việc, chị đã xây dựng được một tập thể cán bộ, giáo viên đoàn kết, vững mạnh, hết lòng vì học sinh thân yêu. Chị cùng BGH và tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường sát cánh bên nhau từng bước khắc phục khó khăn về vật chất, tìm cách quản lí học sinh vào khuôn khổ, nền nếp biết đoàn kết, chan hoà và yêu thương lẫn nhau. Được sự quan tâm đầu tư của cấp trên cơ sở vật chất nhà trường dần đảm bảo, chị lại chỉ đạo cán bộ, giáo viên và học sinh tô điểm cho ngôi truờng thân yêu bằng những đồi keo, vuờn rau, những hàng cây ăn quả...Không chỉ có vậy, thành tích dạy và học của nhà trường qua từng năm đã có nhiều chuyển biến rõ rệt: đội ngũ giáo viên non trẻ ngày nào giờ đã trưởng thành và đạt được nhiều thành tích trong dạy học, minh chứng là hàng năm số lượng giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh của nhà trường đều tăng; đặc biệt chất lượng học sinh đã nâng cao trông thấy, hàng năm nhà trường đều có học sinh giỏi cấp tỉnh, tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp tăng dần và những năm trở lại đây luôn đạt 100%, số lượng học sinh đỗ vào các trường chuyên nghiệp cũng không ngừng gia tăng. Đặc biệt nhiều học sinh sau khi ra trường đã trở thành những cán bộ chủ chốt của các địa phương trong tỉnh… Lòng nhiệt huyết, sự hăng say với nghề từ chị như một sức mạnh tinh thần, một ngọn lửa kì diệu vô hình lan toả tới mọi cán bộ, giáo viên trong trường giúp họ không ngừng nỗ lực phấn đấu đi lên, chung tay xây dựng nhà trường.  

Trong công tác quản lí, chị luôn quan tâm giáo đục tư tưởng đạo đức cho cán bộ giáo viên. Đặc biệt chú trọng đến công tác xây dựng khối đoàn kết nội bộ, trong những năm qua mỗi cán bộ, giáo viên nhà trường luôn có tinh thần tương thân, tương ái giúp đỡ nhau trong công việc cũng như cuộc sống để mái trường đối với mỗi anh chị em cán bộ, giáo viên không chỉ là nơi làm việc mà còn là mái ấm của tình thân. Đó chính là điều không chỉ chị mà tất cả cán bộ, giáo viên nhà trường luôn cảm thấy hạnh phúc và tự hào. Trong công tác chuyên môn chị luôn chỉ đạo sát sao, thường xuyên thăm lớp dự giờ để kịp thời đánh giá chất lượng dạy và học, đề xuất ra những giải pháp hỗ trợ, khuyết khích cán bộ giáo viên học tập và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đặc biệt, ở trường nội trú các em ăn ở, sinh hoạt tại trường bởi thế giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò vô cùng quan trọng, các thầy các cô là những người cha người mẹ thứ hai của học trò. Ý thức được tầm quan trọng của công tác chủ nhiệm, chị chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm phải nắm vững kế hoạch của nhà trường để chỉ đạo và  quản lý học sinh của lớp mình theo yêu cầu kế hoạch của nhà trường. Chị nói “Mỗi đồng chí chủ nhiệm lớp chính  là “một hiệu trưởng nhỏ”Chịu trách nhiệm trước nhà trường tham gia công tác quản lý, giáo dục học sinh”; “ Nhà trường là tổ ấm, là ngôi nhà thứ hai của các em thì mỗi cán bộ giáo viên là những người cha, người mẹ thứ hai của các em, “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”  mỗi cán bộ giáo viên phải thật sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo  ”.

Với tập thể giáo viên nhà trường chị là tấm gương tiên phong không ngừng học tập, sáng tạo, chị đã có nhiều đề tài, sáng kiến kinh nghiệm được áp dụng hiệu quả trong nhà trường, như: Đề tài “Một số biện pháp duy trì sĩ số học sinh”; Đề tài “Giải pháp giáo dục học sinh hư, chậm tiến”; Đề tài “Một số biện pháp nâng cao chất lượng quản lý học sinh nội trú”; Đề tài “Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm lớp”. Chính tấm gương sáng tạo đó đã thúc đấy phong trào tự học, sáng tạo trong tập thể hội đồng sư phạm nhà trường. Từ đó, nhiều cán bộ, giáo viên nhà trường đã có những đề tài, sáng kiến phong phú, thiết thực áp dụng trong công việc. Với những giáo viên mới, những giáo viên có nghiệp vụ chuyên môn chưa vững vàng chị luôn tìm những biện pháp thiết thực để nâng cao tay nghề như cử giáo viên cùng chuyên môn có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy hướng dẫn, giúp đỡ … Không chỉ trong công việc mà chị còn rất quan tâm đến đời sống của cán bộ, giáo viên, chỉ đạo công đoàn nhà trường có những giải pháp thiết thực để động viên và giúp đỡ kịp thời những công đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn như thành lập quỹ vay vốn; tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên tăng gia sản xuất nâng cao chất lượng cuộc sống để an tâm công tác…

Với học sinh chị không chỉ là một hiệu trưởng, một cô giáo mà còn là một người mẹ hiền là nơi để các em gửi gắm những tâm tư, tình cảm, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Khi được phát biểu cảm nhận về chị, rất nhiều học trò đã tâm sự xúc động, rằng “Khi nhận kết quả vào học ở trường em đã không muốn đi vì xa nhà, đặc biệt điều kiện nước sinh hoạt và nhà ở của trường khó khăn. Nhưng khi đến trường, được gặp và nghe những lời động viên của cô, chứng kiến sự ân cần, tận tâm qua việc cô đến bếp ăn hàng ngày, đến từng phòng ở để nhắc nhở học sinh vệ sinh, rồi trò chuyện, lắng nghe những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của chúng em …thì em đã cảm thấy an tâm và mong muốn đươc ở lại. Thời gian ba năm trôi qua, giờ đây trong em cô thực sự như một người mẹ, em vô cùng biết ơn cô và sau này khi rời xa mái trường có lẽ em sẽ không bao giờ quên được nụ cười thân thiện và ấm áp của cô!”. Điều gì đã xoá đi khoảng cách cố hữu giữa một người lãnh đạo nhà trường với học trò? Phải chăng đó chính là sự ấm áp của tình mẫu tử luôn thường trực trong chị.

Chị nói  với cán bộ, giáo viên trong nhà trường : “Đảng và nhà nước trao cho chúng ta một trọng trách lớn lao là trồng người; nhân dân, các bâc phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em cho chúng ta dạy dỗ và chăm sóc, các thầy cô giáo hãy coi học sinh như chính con em của mình, hãy hết lòng hết sức dạy dỗ chăm lo cho các em. Hãy thắp sáng ước mơ, thổi vào tâm hồn các em những kiến thức mới, những mơ uớc khát vọng để vươn tới tương lai tốt đẹp!”

22 năm miệt mài, say mê với sự nghiệp giáo dục, bằng tất cả những nỗ lực, cố gắng và năng lực thực sự chị đã được Đảng và nhà nước ghi nhận, chị luôn đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh. Chị vinh dự được đón nhận Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, Huy chương “Vì thế hệ trẻ” và bằng khen của Công đoàn giáo dục Việt Nam. Năm 2009 chị vinh dự được đi dự Hội nghị thi đua “hai giỏi” toàn quốc giai đoạn 2005 – 2009 của ngành giáo dục,…

những thành tích đó có lẽ đã nói thay được tất cả những lời ngợi ca dành cho chị và đó thực sự là niềm tự hào không chỉ cho bản thân, gia đình chị mà còn là niềm tự hào của bao hế hệ cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường. Thiết nghĩ những tấm gương tiêu biểu về giáo dục như chị sẽ góp phần vinh danh cho nghề làm thầy cao quý. Với tinh thần nhiệt huyết và sự chèo lái tài ba của chị thì mái trường Nội trú cấp II – III Yên Minh sẽ còn gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp trồng người./.

         

                                                                Triệu Thu Hằng - Nguyễn Thị Nhung - (Giáo viên trường PTDT Nội cấp II, III Yên Minh).

 

 

CÔ GIÁO VÙNG CAO TÂM HUYẾT VỚI NGHỀ

 

Sinh ra và lớn lên tại thành phố ngã ba sông, Thành phố Hà giang xinh đẹp và thơ mộng Cô giáo Nguyễn Thị Bích Thu rất thấu hiểu sự nhọc nhằn của người dân sinh sông nơi biên cương cực bắc. Sau khi tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm Hà Giang năm 2000, với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ và tình yêu thương dành cho thế hệ học trò nghèo nơi vùng cao, cô hăm hở lên đường nhận công tác tại xã Tùng Bá – Một xã khó khăn của huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang ngày đó. Sau 4 năm công tác cô lại nhận được sự phân công của Đảng và ngành giáo dục Vị Xuyên, cô nhận nhiệm vụ tại xã Linh Hô, sau 3 năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cô quay lại trường cũ với niềm hân hoan của học trò nhỏ vẫn hằng ngày mong cô quay lại. Đến năm 2010, một lần nữa cô lại lên đường theo tiếng gọi của Đảng , cô nhận công tác tại xã Cao Bồ - Một xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Vị xuyên.

Ngày nay khi đất nước đã bước vào thời kỳ CNH- HĐH thì Cao Bồ vẫn là một xã nghèo không chỉ của Vị Xuyên mà còn là một trong những xã nghèo của tỉnh Hà Giang. Trò chuyện với các đồng nghiệp cô giáo chia sẻ: Bây giờ được nhà nước và các cơ quan ban ngành quan tâm nên đời sống người dân đã khá lên nhiều. Khi mình mới ra trường thì huyện Vị Xuyên còn rất hoang sơ chưa có nhiều nhà xây nên mình được phân công dạy phổ cập Trung học cơ sở, sau đó tiếp tục dạy các lớp Bổ túc văn hóa, và các em THCS trong độ tuổi . Mặc dù gặp nhiều khó khăn mình vẫn cố gắng học hỏi, vượt qua những khó khăn về cơ sở vật chất để luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, gian nan là thế nhưng cứ nhìn những ánh mắt thơ ngây của trẻ mình như quên hết mọi nhọc nhằn.

Đúng như câu nói: “Cô giáo như mẹ hiền” chỉ khi cô giáo coi học sinh của mình như chính những đứa con thân yêu thì người mẹ ấy mới làm nên nhiều điều kỳ diệu : Biết bao thế hệ học sinh được cô dìu dắt đã trưởng thành và đóng góp công sức giúp quê hương Vị Xuyên ngày một đẹp hơn. Bản thân cô nhiều năm liền đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, là lao động tiên tiến nhiều năm liền.

Chúng tôi những thế hệ đi sau khi nghe kể về những khó khăn mà cô đã trải qua càng làm tăng thêm trong mỗi người sự kính trọng và nể phục. Thấm thoắt đã 15 năm có lẻ ngày lại ngày cô giáo Nguyễn Thị Bích Thu vẫn cần mẫn với công việc chăm sóc – giáo dục học sinh tại xã Cao Bồ. Khi có người hỏi sao cô không ra ngoài để đi lại cho thuận tiện cô đã tâm sự: “Về gần nhà là niềm mong mỏi không chỉ của riêng ai nhưng Cao Bồ đã in đậm trong tôi như máu thịt, từng con đường, từng mảnh đất rất đỗi thân quen ấy làm tôi không nỡ rời xa”.

Điều đó càng được khẳng định khi cô tự nguyện nhiều năm làm chủ nhiệm lớp. Phụ huynh không muốn cho con em đi học, điều tra phổ cập không thể chính xác do bất đồng ngôn ngữ…Từ khi nhận bàn giao lớp, bằng niềm tin, kinh nghiệm và sự quyết tâm cô đã huy động được 26 học sinh đến lớp, tỷ lệ chuyên cần đạt rất cao, ngày ngày cô cặm cụi chăm sóc học sinh từ miếng ăn, giấc ngủ, trời về đông rét buốt từng cơn gió rít lên ào ào qua những manh áo mỏng của học trò bé nhỏ, đôi bờ vai của em run lên làm lòng cô như quặn thắt. Cùng với tình cảm của các trường bạn qua những tấm áo giúp cho mùa đông của Cao Bồ bớt lạnh, cô giáo lại xin thêm của những người thân, bè bạn…để giúp các con vượt qua mùa đông trong sự ấm áp của tình yêu thương . Ai đó khi lên thăm Cao Bồ nhìn cảnh cô trò quấn quýt bên nhau như một đàn con bên người mẹ thân yêu sẽ thấy ngay câu trả lời vì sao cô không muốn chuyển ra trường ngoài nơi có đầy đủ cơ sở vật chất, thuận tiện cho đi lại.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Thu - Người lái đò thầm lặng suốt 15 năm qua cần mẫn, lặng lẽ và quyết liệt đưa từng thế hệ học sinh về bến đỗ bình yên. Đến nay dù đã 36 tuổi cô vẫn mạnh mẽ, kiên cường như những gì cô đã thể hiện bao nhiêu năm qua. Chúng tôi - những người đồng nghiệp của cô khi nhìn những thành tích cô đã đạt được mỗi chúng tôi đều tự dặn lòng mình phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa để trở thành những người lái đò như cô góp phần nhỏ bé của mình xây dựng quê hương Cao Bồ - Huyện Vị Xuyên ngày một giàu đẹp./.

 

                                                                                                      Lê Thanh Bằng

 

Công đoàn Giáo dục Hà Giang

  


Các tin khác
Hỏi - Đáp về kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia ( CỤC KHẢO THÍ VÀ KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC) (16/09/2014)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 17742850
Online: 14380
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn