Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập CĐGD Việt Nam
Công đoàn Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh Hành trình 60 năm xây dựng và trưởng thành
(15:17, 21/07/2016)

Có thể thấy rằng, trong giai đoan hiện nay, ngành giáo dục Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách - đặc biệt là giáo dục đại học. Chính vì vậy, khi Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VIII (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ra đời đã tạo một làn gió mới để mỗi đơn vị giáo dục, mỗi nhà trường tích cực đổi mới, phấn đấu vươn lên nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đây là cơ sở pháp lý để các trường đại học tập trung mọi nguồn lực để điều chỉnh, hoàn thiện và phát triển.

Với 60 năm xây dựng và phát triển (1955-2015), Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh là một trường Đại học đa ngành, đã và đang khẳng định được vai trò, vị thế của một trung tâm đào tạo uy tín, chất lượng với mũi nhọn là lĩnh vực nông nghiệp, với đội ngũ các cán bộ, giảng viên, công nhân viên năng động, tâm huyết, giàu trí tuệ, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục đào tạo của Ngành và đất nước. Tập thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên nhà trường đã phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó và sự năng động, sáng tạo để phấn đấu đạt những mục tiêu trong Chiến lược phát triển của nhà trường đến năm 2020 nói riêng và hoàn thành trọng trách “Nâng cao dân trí - Đào tạo nhân lực - Bồi dưỡng nhân tài” mà xã hội giao phó.

Có được những thành tựu ngày hôm nay là do công lao của tất cả các thế hệ cán bộ, giảng viên, viên chức và sinh viên của nhà trường. Trong đó, vai trò của tổ chức công đoàn trong nhà trường đang ngày càng được khẳng định và đòi hỏi ở vị trí cao hơn, thiết thực hơn và cần thiết hơn về cả chất lẫn lượng. Trong hành trình hơn 40 năm xây dựng (1975 – 2015), công đoàn Trường đã phát huy tốt vai trò, chức năng của mình trong mọi hoạt động, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của nhà Trường, các hoạt động có thể kể đến như:

1. Thực hiện Quy chế dân chủ:

Việc phát huy dân chủ trong nhà Trường là một trong những yếu tố xây dựng sự đoàn kết, nhất trí góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ của nhà trường. Quy chế dân chủ được thực hiện và phát huy tốt ở cả 6 mặt công tác: Công tác chỉ đạo, điều hành; công tác tổ chức cán bộ; công tác quản lý tài chính, tài sản công; công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại và kiến nghị của CBVC - NLĐ trong trường; công tác thi đua, khen thưởng; công tác phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các vấn đề tiêu cực trong nhà trường. Trong đó, nổi bật là việc phối hợp của Công đoàn Trường với Ban Giám hiệu (tiến hành tổ chức Hội nghị CBVC - NLĐ thường niên). Hội nghị này đã được triển khai từ các đơn vị trực thuộc đến cấp trường theo đúng luật, thể hiện sự công khai, dân chủ và nhất trí cao, tạo điều kiện để CBVC - NLĐ đóng góp ý kiến về những vấn đề căn bản của Nhà trường liên quan đến công tác đào tạo, cơ sở vật chất - trang thiết bị, chiến lược phát triển của Nhà trường, công tác tái định cư, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất cho CBVC- NLĐ… Qua đó, nhà trường thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở trường học; Hàng năm, BCH Công đoàn Trường còn tham gia với lãnh đạo đơn vị tổ chức đối thoại định kỳ, công khai thông tin theo quy định của pháp luật thông qua nhiều kênh: ban hành văn bản, họp giao ban trên website Trường.

BCH CĐ Trường đại diện cho tập thể CBVC - NLĐ thương lượng, đề xuất với chính quyền điều chỉnh, bổ sung những điểu khoản có lợi cho CB,NG, NLĐ, thể hiện trong quy chế chi tiêu nội bộ: giờ giảng, phụ cấp, khen thưởng, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn…Chính vì vậy, đội ngũ CBVC - NLĐ ngày càng tin tưởng vào tổ chức Công đoàn và tích cực phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng trường ĐH Nông Lâm ngày càng lớn mạnh.

2. Tham gia cải tiến lề lối làm việc, cải thiện điều kiện làm việc; nâng cao chất lượng công tác và thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn:

            Đây là mảng công tác được Công đoàn Trường quan tâm và thực hiện thường xuyên. Trong đó, có thể kể đến những hoạt động cụ thể như: Phối hợp thực hiện và giám sát việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động, không để xảy ra tai nạn lao động nặng do lỗi chủ quan. Công đoàn Trường là thành viên thường trực của Hội đồng bảo hộ lao động, PCCC, ATVSLĐ. Trong nhiều năm nay, nhà trường chưa xảy ra bất kỳ trường hợp nào mất an toàn, vệ sinh lao động và cháy nổ.

Công đoàn nhà trường phối hợp với chính quyền triển khai theo dõi việc thực hiện các quy chế, đảm bảo thời gian làm việc, triển khai hiệu quả đề án về vị trí việc làm. Vận động CBVC - NLĐ thực hiện tốt văn hóa công sở. Thực hiện công tác tự kiểm tra chấm điểm về phong trào thi đua “Đảm bảo An toàn - Vệ sinh lao động", "Công sở văn minh, sạch đẹp”, các phong trào này được phát động hàng năm là một hoạt động mang ý nghĩa thiết thực, được đông đảo CBVC - LĐ hưởng ứng tích cực, tao nên môi trường làm việc an toàn, sạch đẹp. Bên cạnh đó, công đoàn trường cũng là đầu mối triển khai thường xuyên, hiệu quả việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được cụ thể hóa bằng nội dung: “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” gắn với thực hiện tốt phong trào: “Xanh, sạch, đẹp, an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ” đạt kết quả cao vô cùng tốt đẹp trong thời gian vừa qua.

3. Tuyên truyền, vận động và giáo dục truyền thống cho CBVC - NLĐ:

Đây là một mảng công tác trọng tâm mà công đoàn Trường tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả theo từng năm học, nhằm thực hiện các nhiệm vụ chính trị của nhà trường trên tất cả các mặt hoạt động. Tập trung vào các cuộc vận động lớn của ngành: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, ... Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ CBVC-LĐ trong toàn trường về ý nghĩa quan trọng của “Đổi mới công tác quản lý - Nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội”, xem đó là vấn đề cấp thiết, là khâu đột phá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục & đào tạo, quyết định sự tồn tại và phát triển của Nhà trường. Các hoạt động học tập, quán triệt, phổ biến các nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các Chỉ thị, Nghị quyết của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Công đoàn Giáo dục Việt Nam được quan tâm, tổ chức thường xuyên, linh hoạt phù hợp với điều kiện của nhà trường.

Công đoàn Trường đã phối hợp với chính quyền tiếp tục phổ biến đến toàn thể CBVC - NLĐ nhiệm vụ năm học 2015 - 2016 với chủ đề “Đổi mới công tác quản lý - nâng cao chất lượng - Đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội”; đồng thời triển khai và vận động CBVC - NLĐ tích cực tham gia các cuộc vận động do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đooàn Giáo dục Việt Nam phát động; Cùng với  chính quyền, công đoàn Trường tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hoá trong công nhân viên chức, lao động. Các cuộc vận động này góp phần nâng cao phẩm chất đạo đức nhà giáo, tác phong, lề lối làm việc, đặc biệt là trong học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ giảng dạy, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học.

Việc triển khai vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm” là công tác xuyên suốt trong năm học vừa qua. Cuộc vận động này đã tiếp tục khơi dậy những phẩm chất cao quí vốn có của CBVC - NLĐ trong toàn Trường. Không chỉ bằng tài năng, trí tuệ của mình mà còn bằng cả tấm lòng nhân ái, tình thương yêu đối với SV; chia sẻ khó khăn với đồng nghiệp, đặc biệt với những CBVC - NLĐ có hoàn cảnh khó khăn; duy trì tốt mối quan hệ giữa nhà trường với địa phương; tham gia tích cực các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện trong trường và ngoài xã hội.

Một vấn đề nữa là công tác phổ biến và tổ chức nghiên cứu các Nghị quyết, Chỉ thị đã được cải tiến về nội dung và hình thức. Chính quyền, công đoàn và Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên đã phối hợp chặt chẽ nhằm cụ thể hóa nội dung các cuộc vận động vào thực tiễn công việc của mỗi cá nhân, đơn vị thể hiện qua việc xây dựng chương trình công tác trong các năm học thông qua việc triển khai các cuộc vận động lớn trong ngành: “Dân chủ - kỷ cương - tình thương - trách nhiệm”; “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Xây dựng người cán bộ công chức, viên chức trung thành - sáng tạo - tận tụy - gương mẫu” , “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn và không đáp ứng yêu cầu xã hội”, “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”. Điều này giúp CBVC - LĐ và sinh viên tham gia học tập với ý thức trách nhiệm cao, góp phần tạo nên sự thành công chung trong việc triển khai nhiệm vụ chung của toàn trường.

4. Tổ chức hoạt động phong trào:

Mảng công tác này được coi là hoạt động công đoàn then chốt của công đoàn Trường. Thông qua những đợt sinh hoạt phong trào văn hoá, văn nghệ, thể thao, toàn thể CBVC - NLĐ trong nhà trường đã tạo dựng nên những mối quan hệ gắn bó, đoàn kết, học hỏi lẫn nhau về mọi mặt trong công tác và cả trong cuộc sống. Từ nhiều năm qua, hoạt động phong trào đã khẳng định vai trò không thể thiếu trong hoạt động công đoàn. Đây cũng là hoạt động mà CBVC - NLĐ trong nhà trường chờ đợi nhiều nhất. Nó góp phần nâng cao trình độ văn hoá, chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của CBVC - NLĐ và được xem là nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường.

Việc tổ chức hoạt động phong trào trong nhà Trường đòi hỏi người cán bộ công đoàn phải luôn tìm tòi, học hỏi và sáng tạo trong hình thức, nội dung và phương pháp tổ chức. Hiện nay, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước đã được CĐ trường tổ chức bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực, hiệu quả, thu hút đông đảo đội ngũ CBVC - NLĐ tham gia, trong đó trọng tâm là tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao chào mừng các ngày lễ lớn như 30/4, 1/5, Tháng hành động vì Trẻ em, Tháng công nhân, Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Ngày gia đình Việt Nam, ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam, chào mừng Đại hội Đảng bộ TP.HCM và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Ngoài ra, các phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Người tốt, việc tốt”, “Dạy tốt, học tốt”, “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” được vận dụng và tổ chức linh hoạt thu hút sự quan tâm và thực hiện hiệu quả của toàn thể CBVC - NLĐ trong toàn Trường. 

Công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động được Công đoàn Trường xác định rõ đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức công đoàn. Chính vì vậy, Công đoàn Trường cũng đã tập trung nguồn lực để thực hiện tốt công tác này trong suốt thời gian vừa qua. Đặc biệt, Công đoàn trường đã thăm hỏi, động viên kịp thời CBVC - NLĐ những lúc ốm đau, ma chay, hiếu hỉ, quyên góp hỗ trợ bản thân hoặc thân nhân của những CBVC - NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo với tổng kinh phí đạt xấp xỉ là 125 triệu đồng /năm.

Có thể nói rằng, sự phối hợp chặt chẽ giữa Công đoàn với Ban Giám hiệu trong việc tạo điều kiện cho CBVC - NLĐ có điều kiện khó khăn vay vốn để học tập nâng cao chuyên môn, ngoại ngữ, nghiệp vụ từ nguồn quỹ hỗ trợ cán bộ trẻ và quỹ Mái ấm công đoàn đã phát huy hiệu quả tích cực, hỗ trợ và động viên kịp thời CBVC - NLĐ gặp khó khăn trong cuộc sống. Vào mỗi dịp lễ, tết Công đoàn Trường đã chỉ đạo cho các tổ công đoàn tổ chức gặp mặt CBVC - NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, không may bị bệnh hiểm nghèo, thăm hỏi cán bộ đã nghỉ hưu, mất sức với mức kinh phí 35 triệu đồng/năm.

Các hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ CBVC - NLĐ đã được công đoàn trường tổ chức với các hình thức phong phú, đảm bảo tiêu chí thiết thực và kịp thời. Dù giá trị vật chất có thể không lớn nhưng giá trị và ý nghĩa về mặt tinh thần là vô cùng lớn. Đây cũng là một trong những hoạt động của Công đoàn Trường được toàn thể CBVC- NLĐ đánh giá cao. Trong đó, có thể kể đến những hoạt động như: gặp mặt, giao lưu cán bộ qua các thời kỳ; hội nghị biểu dương, tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua, tôn vinh những nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, các CBVC - NLĐ được phong hàm Giáo sư, PGS, NGƯT…; tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, thăm hỏi, tặng quà, động viên gia đình CBVC - NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, không may mắc bệnh hiểm nghèo, thăm hỏi và tặng quà cho các Bà mẹ Anh hùng trên địa bàn.  

5. Công tác nữ công:

Được đánh giá là một trong những Ban hoạt động mạnh mẽ, tích cực của Công đoàn Trường ĐHNL TPHCM. Các chị trong Ban Nữ công luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trong nhiều năm qua. Để đảm bảo duy trì tốt nhất hoạt động trong của Ban, các chị đã phải xây dựng kế hoạt động ngay từ đầu mỗi năm học, trong đó tập trung trọng tâm vào công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho nữ CBVC- LĐ, tập trung vào đổi mới phương pháp tổ chức các hoạt động nữ công với phương châm “giải phóng” cho nữ CBVC- NLĐ. Theo đó, mỗi một hoạt động nữ công của Công đoàn Trường ĐHNL TPHCM tổ chức phải luôn hài hoà giữa việc đảm bảo nội dung hoạt động của công đoàn cấp trên, nhưng cũng phải đảm bảo để nữ CBVC- LĐ trong toàn trường được nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí trong những dịp kỷ niệm 20/10; 8/3… Khó khăn lớn nhất của công tác nữ công là các cán bộ nữ phải đảm bảo được “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” cho bản thân mình và cho tập thể. Để đánh giá hiệu quả của công tác nữ hàng năm, Ban Nữ công Trường đã tổ chức sơ kết, đánh giá phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” mỗi năm và tiếp tục phát động phong trào thi đua cho năm tiếp theo. Ban Nữ công Trường sẽ tiến hành khen thưởng cho các nữ CBVC – LĐ đạt danh hiệu “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” vào dịp 20/10 hàng năm nhằm động viên, khen thưởng kịp thời các nữ CBVC- LĐ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Ngoài ra, một trong những nội dung hoạt động nữ công mang lại nhiều ý nghĩa đó là công tác chăm lo Nữ CBVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, bệnh tật, không may mắc bệnh hiểm nghèo và chăm lo cho các cháu thiếu nhi là con của CBVC – LĐ trong trường. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trong tâm của Công đoàn Trường trong nhiều năm vừa qua. Riêng trong năm học 2015 – 2016, công đoàn Trường tiếp tục duy trì việc xây dựng quỹ Mái ấm công đoàn và Quỹ học bổng Nguyễn Đức Cảnh để có nguồn kinh phí chăm lo, thăm hỏi giúp đỡ CBVC - LĐ có hoàn cảnh khó khăn và trao học bổng Nguyển Đức Cảnh cho con CBVC - NLĐ vượt khó học giỏi. Năm học 2015 - 2016, có 9 CBVC - NLĐ đã được hỗ trợ kinh phí giải quyết khó khăn với số tiền là 25 triệu đồng; Ban Nữ công đã tổ chức chăm lo, thăm viếng, động viên, chia sẻ kịp thời cho 05 trường hợp nữ CBVC - LĐ ốm đau, hiếu hỉ, thai sản, tang chế; đã trao 10 suất học bổng Nguyễn Đức Cảnh cho các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng biết vươn lên trong học tập với số tiền 14.4 triệu đồng; đã hỗ trợ cho 08 cháu thiếu nhi tham gia Trại hè Thanh Đa do LĐLĐ TPHCM tổ chức.

6. Công tác từ thiện - xã hội:

Hàng năm, mỗi CBVC – NLĐ đã tích cực đóng góp vào Quỹ Vì người nghèo TPHCM một ngày lương, tham gia đầy đủ, tích cực các hoạt động ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lũ do Công đoàn Giáo dục Việt Nam và LĐLĐ TPHCM phát động, Ủng hộ Quỹ Nghĩa tình Hoàng Sa, Quỹ trái tim nghĩa tình, Cuộc vận động Nghĩa tình Trường Sa, Tặng quà các chiến sĩ biên giới hải đảo với tổng kinh phí khoảng 70-75 triệu đồng/ năm.

Tháng 8 năm 2015, Công đoàn Trường đã tổ chức thăm và tặng quà cho 2 trường tiểu học thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa tại Tỉnh Ninh Thuận với số kinh phí là 50 triệu đồng. Có thể nói rằng đây là một chuyến công tác thật sự ý nghĩa, đã mang lại cho các thành viên trong đoàn công tác nhiều cảm xúc và kỷ niệm đẹp khó quên và cũng là những trải nghiệm vô cùng tuyệt vời cho người làm công tác công đoàn. Hơn bao giờ hết, các cán bộ công đoàn tham gia đoàn công tác cảm nhận được rõ ràng rằng việc làm tưởng chừng như nhỏ bé lại mang lại niềm hạnh phúc lớn lao cho đội ngũ Thầy Cô giáo, học sinh nghèo nơi vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, thiệt thòi của đất nước. Chuyến đi này cũng thôi thúc các cán bộ công đoàn hướng đến những hoạt động xã hội khác trong những năm tiếp theo.

7. Công tác dư luận xã hội:

Đây là mảng công tác không phải là trọng tâm nhưng đã cho thấy những hiệu quả hết sức thiết thực trong nhà trường. Việc nắm bắt và phản ánh kịp thời dư luận xã hội trong CBVC - NLĐ là một trong những nhiệm vụ mà BCH CĐ Trường luôn quan tâm và sâu sát. Trong đó, Công đoàn Trường đã tham mưu, phối hợp giải quyết kịp thời các ý kiến, nguyện vọng chính đáng của CBVC - NLĐ và thường xuyên lắng nghe, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của CĐV, CBVC - LĐ thông qua hệ thống mạng lưới dư luận xã hội bao gồm các thành viên trong BCH CĐ, CĐ bộ phận để can thiệp, giải quyết kịp thời. Trong vài năm gần đây, khi hệ thống mạng lưới dư luận xã hội được triển khai đến các công đoàn bộ phận, việc ghi nhận những phản hồi, đóng góp xây dựng trở nên nhanh chóng và việc giải đáp thắc mắc, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của CBVC -  NLĐ trở nên kịp thời, thoả đáng. Từ đó, khẳng định vai trò và uy tín của tổ chức công đoàn ngày càng cao trong nhà Trường.

Tóm lại, để có được những chuyển biến tích cực và những thành tích đáng khích lệ như hiện nay không thể không nhắc đến cơ chế dân chủ và sự phối hợp một cách hiệu quả, thống nhất giữa Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên trong nhà trường. Sự phối hợp chỉ đạo và tổ chức triển khai các nhiệm vụ gắn với hoạt động dạy và học của nhà trường đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc xây dựng tập thể đoàn kết vững mạnh.

Trong thời gian vừa qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của nhà trường luôn đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy tính chủ động, sáng tạo đối với CBVC - NLĐ trong thực hiện nhiệm vụ, công việc được giao. Các chương trình, kế hoạch hoặc các văn bản chỉ đạo của nhà trường trên cơ sở cụ thể hoá các văn bản của nhà nước đều được thông qua và lấy ý kiến của đội ngũ cán bộ chủ chốt hoặc toàn thể CBVC - NLĐ. Những chủ trương, quyết định quan trọng đều có ý kiến tham gia của Đảng uỷ, Công đoàn Trường, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên để bảo đảm tính phù hợp và khả thi. Việc phố hợp thực hiện nhiệm vụ chính trị với việc thực hiện quy chế dân chủ được thực hiện thường xuyên, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, quy chế làm việc của Trường cũng như các đơn vị trực thuộc trường.

Mối quan hệ giữa Đảng uỷ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể được phối hợp chặt chẽ và thực hiện tốt. Riêng trong năm học 2015 - 2016, rất nhiều cuộc họp giữa Ban giám hiệu, Công đoàn Trường, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên để cho ý kiến về những vấn đề quan trọng trong nhà trường: công tác tổ chức, cán bộ; công tác phát triển Đảng viên mới, công tác đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của CBVC - NLĐ; công tác thi đua, khen thưởng và các công tác khác trong nhà Trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường vai trò, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể triển khai thực hiện các hoạt động thiết thực với CBVC - NLĐ toàn trường. Ngoài ra, các buổi làm việc giữa các thành viên BGH với các đơn vị được phân công phụ trách để nắm bắt kịp thời tình hình và chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đối với các công việc đột xuất, BGH triệu tập lãnh đạo các đơn vị bàn bạc, thảo luận và thống nhất cách thức triển khai thực hiện.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, bám sát nhiệm vụ và những sự kiện chính trị của đất nước, sự chỉ đạo của CĐGDVN, Liên đoàn Lao động TPHCM, Công đoàn Trường đã phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên và các đoàn thể khác trong nhà trường chỉ đạo sâu sát và chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục tư tưởng cho toàn thể CBVC - NLĐ và sinh viên trong toàn Trường. Ngoài ra, việc phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các tổ chức đoàn thể khác như: Hội Cựu chiến binh, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ để triển khai các nhiệm vụ gắn với hoạt động dạy và học góp phần tạo không khí vui tươi, đoàn kết trong toàn Trường, đặc biệt là  việc quán triệt, học tập các Nghị quyết của Trung ương Đảng; Nghị quyết của Đảng bộ TPHCM, Đảng bộ Khối các Trường ĐH-CĐ-THCN; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường. Triển khai Chương trình hành động trong năm học của Bộ GD&ĐT và của Hiệu trưởng.

Trong những năm học tới, cùng với xu thế đổi mới trong ngành giáo dục, để đáp ứng định hướng xây dựng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM thành một trường đại học nghiên cứu đa ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao chất lượng giáo dục và nâng tầm hội nhập quốc tế, đòi hỏi mỗi CBVC- NLĐ trong toàn trường cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong từng vị trí công tác của mình. Điều này cũng đòi hỏi sự nỗ lực của tập thể Đảng uỷ, BGH và trong đó không thể thiếu vai trò của tổ chức công đoàn trong nhà trường về cả chất và lượng.

Hoàng Thị Mỹ Hương - Chủ tịch Công đoàn Trường ĐHNL TPHCM

  


Các tin khác
Công đoàn cơ sở Trường Đại học Y dược – Đại học Huế nét riêng từ hoạt động của một công đoàn cơ sở (20/07/2016)
Công đoàn Trường THPT Nguyễn Trãi, Tỉnh Thái Bình Tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động (20/07/2016)
Vai trò của Công đoàn Trường ĐH Giao Thông Vận tải trong hoạt động chuyên môn (20/07/2016)
PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG 65 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH, TIẾP TỤC ĐỔI MỚI NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM, ĐÁP ỨNG TÌNH HÌNH, NHIỆM VỤ MỚI (20/07/2016)
Công Đoàn Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh 20 năm - Một chặng đường phát triển (18/07/2016)
Công đoàn Đại học Thái Nguyên quan tâm chăm lo đời sống cán bộ, viên chức, lao động (15/07/2016)
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong các cơ sở giáo dục (14/07/2016)
Nữ cán bộ, nhà giáo và người lao động ngành Giáo dục - Đào tạo Khánh Hòa với phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” giai đoạn 5 năm (2010 - 2015) (07/07/2016)
CĐGD Lào Cai với phong trào “Phòng giúp phòng, trường giúp trường” (07/07/2016)
CĐGD Phú Thọ Chăm lo đời sống cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động (07/07/2016)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 17761187
Online: 1015
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn