logo Chuyên đề Tuyên truyền giáo dục

Hướng dẫn Tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, nguyên Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam khóa IV (01/7/1915 - 01/7/2015)
(09:47, 16/06/2015)

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
___________
 
Số:   771  /HD-TLĐ
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập Tự do Hạnh phúc
_______________________
 
Hà Nội, ngày  01 tháng 6 năm 2015
 

 

HƯỚNG DẪN
Tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh,
nguyên Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam khóa IV (01/7/1915 - 01/7/2015)

 

Thực hiện Hướng dẫn số 153-HD/BTGTW ngày 08/05/2015 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (01/7/1915 - 01/7/2015); hướng dẫn số 1951/HD-TLĐ, ngày 31/12/2014 về tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2015, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trong các cấp Công đoàn như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tôn vinh và tri ân những cống hiến to lớn, quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước và của tổ chức Công đoàn trên cương vị Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam khóa IV; khẳng định mục tiêu hành động của tổ chức Công đoàn đề ra từ Đại hội IV - thời gian đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam: “Động viên giai cấp công nhân và những người lao động khác thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa trong cả nước”  vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.

2. Các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm góp phần giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống cho cán bộ, đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ, qua đó nâng cao nhận thức, khơi dậy tính tích cực, chủ động học tập phẩm chất cao quý của người cộng sản: “Tận trung với nước, tận hiếu với dân”; đồng thời nêu cao tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

3. Công tác tuyên truyền, giáo dục cần tiến hành bằng các hình thức sinh động, thiết thực, hiệu quả gắn với các hoạt động tổ chức kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2015) tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Đại hội thi đua yêu nước trong CNVCLĐ lần thứ IX. Các hoạt động kỷ niệm cần tổ chức trang trọng, chu đáo, tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức; kết hợp với tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tổ chức Công đoàn và các sự kiện quan trọng khác.

 II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN

1. Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và những cống hiến to lớn, quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước nói chung, đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam nói riêng, trong đó nhấn mạnh những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam khóa IV.

2. Những phẩm chất đạo đức cách mạng cao quý của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, trong đó nhấn mạnh về lòng trung thành với lý tưởng cộng sản, kiên trì mục tiêu chiến lược, năng động, sáng tạo, nhạy bén trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhất là về tinh thần đổi mới, phát huy dân chủ, gắn bó máu thịt với nhân dân; bám sát thực tiễn, gần dân, tin dân, trọng dân, hiểu dân, lo cho dân.

3. Những thành tựu nổi bật của đất nước, của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo; những tập thể, cá nhân có công lao, đóng góp to lớn, quan trọng trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

4. Phản ánh các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Hưng Yên, thành phố Hải Phòng và các tỉnh, thành phố trong cả nước.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đối với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam:

- Hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh trong các cấp Công đoàn.

- Tổ chức Lễ dâng hương tại Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).

- Chỉ đạo các cơ quan báo chí trong hệ thống Công đoàn tổ chức xây dựng tin, bài phản ánh đậm nét về thân thế, sự nghiệp, những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với phong trào công nhân, hoạt động công đoàn và tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

2. Các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn

- Xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm trong cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, ngành mình.

- LĐLĐ tỉnh Hưng Yên, LĐLĐ TP. Hồ Chí Minh chủ động tham gia, phối hợp với Ban Tổ chức kỷ niệm của tỉnh ủy, thành ủy trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm của Trung ương, của tỉnh, thành phố trên địa bàn. Liên hệ phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm do Tổng Liên đoàn chủ trì đảm bảo chu đáo, trang trọng.

IV. MỘT SỐ KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN

1. Nhiệt liệt chào mừng 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (01/7/1915 - 01/7/2015)!

2. Đồng chí Nguyễn Văn Linh - Người đảng viên cộng sản kiên cường, suốt đời chiến đấu vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội!

3. Đồng chí Nguyễn Văn Linh - Nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo, tấm gương sáng về “Tận trung với nước, tận hiếu với dân”!

4. Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!

5. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!

6. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

 

 
TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
Nơi nhận:
- Các LĐLĐ tỉnh, thành phố;
- Các CĐ ngành Trung ương;
 CĐ Tổng công ty trực thuộc;
- Các cơ quan báo chí Công đoàn;
- Thường trực ĐCT         
- Ban Tuyên giáo TƯ     (báo cáo)
- Ban Dân vận TƯ
- Lưu VT, TG
PHÓ CHỦ TỊCH
 
 
 
Đã ký
 
 
 
Nguyễn Văn Ngàng
 
 
 

(Gửi kèm Đề cương tuyên truyền)

 

 

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh
(01/7/1915 - 01/7/2015)

 

  1. Khái lược về thân thế và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Văn Linh

Đồng chí Nguyễn Văn Linh, tên thật là Nguyễn Văn Cúc (còn gọi là Mười Cúc), sinh ngày 01 tháng 7 năm 1915, trong một gia đình công chức ở xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.

Tiếp thu truyền thống yêu nước của dân tộc, ngay từ lúc còn trẻ tuổi, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã tham gia các hoạt động yêu nước và sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1929, đồng chí tham gia phong trào Học sinh đoàn do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lãnh đạo (tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương).

Ngày 01 tháng 5 năm 1930, đồng chí tham gia rải truyền đơn chống thực dân Pháp, bị địch bắt, kết án tù chung thân và đày đi Côn Đảo.

Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp, chính quyền thực dân Pháp phải trả tự do cho đồng chí. Năm đó, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được phân công đi vận động công nhân lao động ở Hà Nội, rồi về Hải Phòng hoạt động. Tại đây đồng chí đã xây dựng cơ sở cách mạng trong công nhân và nhiều tầng lớp nhân dân khác; gây dựng cơ sở đảng và thành lập Ban Chấp hành lâm thời Thành ủy Hải Phòng.

Năm 1939, đồng chí được điều động vào công tác ở Sài Gòn, tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố. Cuối năm 1939, đồng chí được phân công vào Trung Kỳ bắt liên lạc với các cơ sở đảng còn lại ở các tỉnh để lập lại Xứ ủy Trung Kỳ.

Đầu năm 1941, đồng chí bị địch bắt ở Vinh, kết án 05 năm tù và đày ra Côn Đảo lần thứ hai.

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được đón về Nam bộ hoạt động ở miền Tây, sau trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến ngay trong lòng thành phố Sài Gòn - Chợ lớn với các cương vị Bí thư Thành ủy, Bí thư Đặc Khu ủy.

Năm 1947, đồng chí được bầu vào Xứ ủy Nam bộ; từ năm 1949, đồng chí tham gia Ban Thường vụ Xứ ủy; từ năm 1957 đến năm 1960, quyền Bí thư Xứ ủy Nam bộ.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Trung ương chỉ định làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1961) và sau đó là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1964).

Năm 1976, đồng chí là Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 12 năm 1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, rồi được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đảm nhiệm các chức vụ: Trưởng Ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa Trung ương, Trưởng Ban Dân vận Mặt trận Trung ương, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam đến tháng 12 năm 1980. Sau đó, đồng chí được phân công theo dõi thực hiện Nghị quyết của Đảng và Chính phủ ở các tỉnh miền Nam.

Tháng 12/1981, đồng chí được Trung ương Đảng phân công trở lại làm Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 3/1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 6/1985, tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa V), đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị, tiếp tục làm Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 6/1986, đồng chí được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng và được phân công Thường trực Ban Bí thư.

Tháng 12/1986, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng - Đại hội mở đầu thời kỳ đổi mới, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1987, đồng chí kiêm chức Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương. Tháng 6 năm 1987, đồng chí được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa VIII.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII (tháng 6/1991) và lần thứ VIII (tháng 6/1996) của Đảng, đồng chí được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh mất ngày 27/4/1998 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 83 tuổi.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh gắn liền với những chặng đường cam go, gian khổ, hào hùng của Đảng và dân tộc ta. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí thật oanh liệt và phong phú, trải rộng trên cả ba miền của đất nước; được Đảng tin cậy giao nhiều trọng trách quan trọng. Dù ở trong hoàn cảnh nào, với nhiệm vụ gì, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước. Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác. Đồng chí được Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng thưởng Huân chương Vàng quốc gia; Nhà nước Cuba tặng thương Huân chương Hôxê Mácti; Nhà nước Campuchia tặng thưởng Huân chương Ăngco.

  1. Những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam
  1. Đồng chí Nguyễn Văn Linh - một người cộng sản kiên cường, bất khuất; một nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo

Đồng chí Nguyễn Văn Linh mồ côi cha mẹ từ nhỏ, tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Mới 15 tuổi đồng chí đã bị thực dân Pháp kết án tù chung thân, hai lần bị địch bắt và đày ra Côn Đảo. Hơn 10 năm bị địch giam cầm tại địa ngục trần gian - Côn Đảo, kẻ thù đã dùng mọi cực hình, đòn roi tra tấn nhưng đồng chí vẫn nêu cao khí phách anh hùng, kiên cường, bất khuất, giữ vững khí tiết cách mạng, cùng các đồng chí trong chi bộ đảng nhà tù tổ chức các lớp học tập chính trị, văn hóa, ngoại ngữ, biến nhà tù thực dân, đế quốc thành trường học cộng sản. Ngay sau khi được ra tù, đồng chí lại lao vào hoạt động cách mạng, không sợ hy sinh, gian khổ, được Đảng tin cậy cử đến hoạt động ở những nơi phong trào cách mạng gặp khó khăn. Đồng chí là một trong những người đề xuất thực hiện hợp nhất hai tổ chức Việt Minh: Bộ Việt Minh Sài Gòn và Ủy ban Việt Minh Chợ Lớn, lập ra Thành ủy lâm thời thành phố Sài Gòn - Gia Định. Trong thời kỳ gay go nhất và cũng oanh liệt nhất của cách mạng miền Nam, kẻ thù dùng luật 10/59 dìm cách mạng miền Nam trong biển máu và thời kỳ hàng triệu quân Mỹ - ngụy càn quét tìm diệt lực lượng cách mạng, đồng chí không lúc nào xa rời quần chúng, luôn luôn gắn bó với phong trào cách mạng của miền Nam để xây dựng Đảng. Với trách nhiệm Phó Bí thư, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí đã chủ trì và cùng các đồng chí Trung ương Cục lãnh đạo và phát động quần chúng nổi dậy phá ách kìm kẹp của địch, xây dựng căn cứ địa cách mạng, phát triển chiến tranh du kích, xây dựng lực lượng quân giải phóng, đánh bại các chiến lược chiến tranh cục bộ, chiến tranh đặc biệt và Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), giành toàn thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975).

Đất nước thống nhất, với cương vị là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí đã trăn trở, tìm tòi các giải pháp nhằm đẩy mạnh công cuộc xây dựng Thành phố theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Thành phố đã quen với nền kinh tế thị trường. Đồng chí luôn khuyến khích, cổ vũ, những người dám tìm tòi, dám “xé rào”, cổ vũ các đồng chí của mình dũng cảm, sáng tạo, thay đổi cách nghĩ, cách làm khi cơ chế, chính sách ở cấp vĩ mô chưa thay đổi kịp. Đồng chí nói: “Phải tự cứu lấy mình, trước khi trời cứu”. Trong tìm tòi bước đi đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có những lời tâm huyết như: “Mình phải chặt chẽ với mình. Khi thấy mình đúng, có ý thức xây dựng thì phải kiên quyết bảo vệ chân lý, phải dũng cảm”; “Đổi mới là cuộc cách mạng sâu sắc, triệt để: đổi mới tư duy, đổi mới chính sách, đổi mới tổ chức, đổi mới cán bộ... Người lãnh đạo mà bảo thủ, sai lầm, không chấp nhận đổi mới thật sự thì không thể lãnh đạo được”.

Những tìm tòi thử nghiệm, những mô hình mới ở thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác trong cả nước đã góp phần quý báu giúp Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị quyết định xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện cơ chế mới, mở ra công cuộc đổi mới - bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử cho cách mạng Việt Nam. Đồng chí đã đề xướng và kiên trì thực hiện đổi mới có nguyên tắc - đổi mới nhưng luôn luôn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện nghiêm túc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Trong bối cảnh quốc tế cực kỳ phức tạp, công cuộc cải tổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu phạm sai lầm về chiến lược. Đất nước ta bị chủ nghĩa đế quốc bao vây, cấm vận, cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội diễn ra nghiêm trọng, đời sống của cán bộ và nhân dân gặp nhiều khó khăn, niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước bị giảm sút. Với tinh thần kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng, trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng vững vàng, chủ động, sáng tạo lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, vượt qua thử thách, kiên trì đường lối đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, với những bước đi và cách làm phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam: Tập trung đổi mới kinh tế, đồng thời từng bước đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, kiên quyết không chấp nhận đa nguyên, đa đảng; coi trọng phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh, công cuộc đổi mới của đất nước ta đã đạt được thành tựu quan trọng: Từ một nước thiếu lương thực triền miên, chúng ta đã đảm bảo an ninh về lương thực và có lượng gạo xuất khẩu lớn; từ một nước làm không đủ ăn, thu không đủ chi, xuất khẩu không đủ nhập khẩu, chúng ta đã phấn đấu ra khỏi nhóm nước chậm phát triển và đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, cải thiện đời sống của nhân dân, mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đất nước mà toàn Đảng, toàn dân ta đạt được có công lao, đóng góp quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

  1. Đồng chí Nguyễn Văn Linh - một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Văn Linh không thường xuyên làm việc bên cạnh Bác Hồ, nhưng đồng chí luôn quán triệt sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trải qua nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau ở địa phương và cơ quan Trung ương, dù ở đâu, làm việc gì, đồng chí cũng đem hết trí tuệ, sức lực để cống hiến cho Đảng và nhân dân, đặt lợi ích chung của cách mạng lên trên lợi ích cá nhân. Hơn 10 năm bị địch giam cầm, tra tấn trong ngục tù Côn Đảo, 30 năm gian khổ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đến khi trở thành Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí luôn phát huy phẩm chất kiên cường của người cách mạng: Liêm khiết, khiêm tốn, giản dị, mẫu mực. Đồng chí là tấm gương sáng về phẩm chất của người cộng sản “tận trung với nước, tận hiếu với dân” theo gương Bác Hồ vĩ đại.

Nét nổi bật trong phong cách của đồng chí Nguyễn Văn Linh là tác phong làm việc sâu sát và dân chủ. Đồng chí thường xuyên đi xuống cơ sở, gặp gỡ cán bộ và nhân dân, khơi gợi một cách dân chủ để mọi người phát biểu, tranh luận, đề xuất; lắng nghe ý kiến của nhân dân, nhất là những ý kiến trái ngược; từ đó suy nghĩ, cân nhắc, giải quyết phù hợp và có hiệu quả nhất. Mỗi quyết sách của đồng chí đều là kết quả tìm tòi trên cơ sở tập hợp trí tuệ của quần chúng.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh rất chú trọng công tác tổng kết thực tiễn. Mỗi khi hoạch định, ban hành đường lối, chính sách mới, đồng chí đều xuất phát từ thực tiễn, từ tình hình cụ thể của đất nước. Trước những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, đồng chí thường lấy thực tiễn để thuyết phục, kết luận. Đồng chí thường xuyên nhắc nhở cấp ủy đảng và cán bộ các cấp phải đi sâu, đi sát cuộc sống của nhân dân, tổng kết thực tiễn để hoàn chỉnh chủ trương, đường lối đã đề ra. Đồng chí nói: “Mọi vấn đề đều có thể tranh luận quyết liệt, nhưng đã quyết thì phải theo đa số, rồi thực tiễn sẽ là ông thầy phán xét”. Đường lối đổi mới của Đảng ta hình thành và phát triển từ tổng kết thực tiễn sáng tạo của nhân dân, trong đó có cống hiến của đồng chí Nguyễn Văn Linh. Trên trọng trách Tổng Bí thư khóa VI, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhạy bén, chủ động, sáng tạo, khôn khéo chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những bước hiểm nghèo, đẩy mạnh công cuộc đổi mới và thu được những thành tựu rất quan trọng, tạo tiền đề cơ bản để đất nước phát triển nhanh trong những giai đoạn tiếp theo.

Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn luôn nêu cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tận trung với nước, tận hiếu với dân, sống trung thực, thẳng thắn, chan hòa, gần gũi mọi người, ghét thói phô trương, hình thức. Đồng chí nhận thấy bệnh tham nhũng, lãng phí, quan liêu có thể trở thành nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ xã hội chủ nghĩa, những bài báo “Những việc cần làm ngay” đăng trên báo Nhân Dân, ký tên N.V.L vào năm đầu thời kỳ đổi mới, tạo ra luồng sinh khí mới trong xã hội, đã thể hiện sự trăn trở và tinh thần quyết tâm của người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ lợi ích và quyền làm chủ của nhân dân. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6/1991), mặc dù còn đủ sức khỏe để tái cử, đồng chí vẫn xin phép toàn Đảng, toàn dân thôi giữ chức Tổng Bí thư. Trên cương vị Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí tiếp tục đem hết sức lực, trí tuệ của mình để tham gia nhiều ý kiến quan trọng với lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thực hiện và hoàn thiện đường lối đổi mới và nhũng vấn đề lớn của đất nước.

  1.  Noi theo gương đồng chí Nguyễn Văn Linh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại

Qua gần 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Những thành tựu đó đã khẳng định đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo là đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với quy luật khách quan của lịch sử, của Việt Nam và nguyện vọng thiết tha của nhân dân, trong đó có vai trò, đóng góp to lớn, quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đất nước trong bối cảnh thế giới và trong nước hiện nay, vừa có những thuận lợi, vừa có những khó khăn, thách thức, chúng ta phải đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế tri thức; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguôn nhân lực; đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ; xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Phát triển y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Hoàn thiện, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân. Tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực cầm quyền.

Hiện nay toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Trong khi khẳng định những thành tựu và tiến bộ đạt được, chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, chỉ rõ những hạn chế, yếu kém và những phức tạp, thách thức mới đang đặt ra cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nước ta mới chỉ ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào Nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Một số mặt công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội chuyển biến chậm.

Ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước, chúng ta càng thêm trân trọng, tự hào và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, người cộng sản kiên cường, bất khuất, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí để lại cho chúng ta bài học quý báu về lãnh đạo và chỉ đạo đó là: Giữ vững nguyên tắc trong quan điểm, đồng thời linh hoạt trong sách lược, luôn gắn bó với thực tiễn đất nước, đồng cảm với đồng bào, chiến sĩ; bình tĩnh lắng nghe, suy nghĩ, cân nhắc, giải quyết công việc họp lý, vừa có lý luận vừa có thực tế và trên cơ sở tổng kết thực tiễn để không ngừng hoàn thiện chủ trương, đường lối đã vạch ra.

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyyễn Văn Linh, chúng ta học tập và noi theo gương đồng chí Nguyễn Văn Linh về lòng trung thành với lý tưởng cộng sản, kiên trì mục tiêu chiến lược, năng động, sáng tạo, nhạy bén trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhất là về tinh thần đổi mới, phát huy dân chủ, gắn bó máu thịt với nhân dân; bám sát thực tiễn, gần dân, tin dân, trọng dân, hiếu dân, lo cho dân.

Học tập và làm theo những phẩm chất đạo đức cách mạng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) “về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”, đặc quyền, đặc lợi, nói không đi đôi với làm; chủ động nắm bắt thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, thách thức đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, học tập phẩm chất cộng sản cao quý “Tận trung với nước, tận hiếu với dân”, luôn nêu cao đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh; gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước; dũng cảm, sáng tạo, kịp thời giải quyết những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn; kiên quyết thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng, xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG

  


Các tin khác
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tăng cường tuyên truyền thực thi Luật PCTH của thuốc lá (15/06/2015)
GD&TĐ - Công đoàn giáo dục phối hợp tổ chức thi THPT quốc gia (03/06/2015)
Ban Tuyên giáo – Nữ công, CĐGD Việt Nam giới thiệu các bài viết tham dự Cuộc thi “Thủ tục khiếu nại lao động và hoạt động tư vấn pháp luật” (01/06/2015)
Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá 2015 (29/05/2015)
Từ Đại thắng mùa Xuân 1975 - phát huy truyền thống quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (27/04/2015)
DANH SÁCH CÁC ĐƠN VỊ CHƯA NỘP BÁO CÁO CHƯƠNG TRÌNH 3 (Tính đến thời điểm 15h ngày 20/01/2015) (21/01/2015)
Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2015) (13/01/2015)
Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (18/12/2014)
Hướng dẫn Công tác tuyên truyền thực hiện Chương trình 3 “Nâng cao trình độ, năng lực nghề nghiệp của nhà giáo – người lao động đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam” (12/12/2014)
Thông báo về phiên họp của Hội đồng xét tặng danh hiệu NGND- NGƯT cấp Nhà nước (16/09/2014)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 17687261
Online: 643
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn