logo Chuyên đề Tuyên truyền giáo dục

Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học
(09:50, 08/11/2011)


 


"Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học"

                                              Comenxki


"Đối với người giáo viên, cần phải có kiến thức, có hiểu biết sư phạm về quy luật xã hội, có khả năng dùng lời nói để tác động đến tâm hồn học sinh. Có kỹ năng đặc sắc nhìn nhận con người và cảm thấy những rung động tinh tế nhất của trái tim con người"  

                                            Xukhomlinxki

 

Ngày 09 tháng 11 năm 2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định số 1917/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân cho 132 nhà giáo, Nhà giáo ưu tú cho 1062 nhà giáo tiêu biểu trong cả nước đã có cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục của dân tộc. Nhân ngày 20/11/2011, Ban Tuyên giáo – Nữ công, Công đoàn Giáo dục Việt Nam xin trân trọng giới thiệu chân dung một số NGND, NGƯT được phong tặng năm 2010.

Nhà giáo nhân dân, GS.TS Nguyễn Đức Chính

             GS.TS. Nguyễn Đức Chính, nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN (1994-2003), nguyên Hiệu trưởng trường ĐHSP Ngoại ngữ (1990-1997), hiện là chuyên gia cao cấp trường Đại học Giáo dục. GS. Nguyễn Đức Chính là chuyên gia đầu ngành về ngôn ngữ ngoại ngữ của Việt Nam, là người có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu ngoại ngữ ở nước ta. Hơn nữa, GS. Nguyễn Đức Chính là chuyên gia trong lĩnh vực GDĐH như kiểm định và đánh giá chất lượng đào tạo, quản lý giáo dục... Giáo sư là chuyên gia cố vấn cho các cơ quan quản lý, các trường đại học trong công tác soạn thảo và ban hành các văn bản phục vụ cho đổi mới công tác đào tạo, đặc biệt là đào tạo theo tín chỉ ở nước ta.

             GS. Nguyễn Đức Chính đã có thời gian công tác hơn 45 năm ở bậc đại học (trong đó có 35 năm trực tiếp giảng dạy), được phong hàm Phó Giáo sư năm 1991 và Giáo sư năm 1996, được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2002, được xếp ngạch Chuyên gia cao cấp năm 2006, được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2003.  Trong quản lý, Giáo sư luôn là người tiên phong mẫu mực; trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, Giáo sư cũng luôn là người đi đầu, đã hướng dẫn thành công 7 TS và 30 ThS,; Giáo sư đã đưa ra nhiều sáng kiến và làm chủ trì của nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp ĐHQGHN đạt loại xuất sắc, có nhiều công trình đã được áp dụng rộng rãi trong thực tiễn giảng dạy và nghiên cứu trong ngành giáo dục nói chung và trong ĐHQGHN nói riêng. Ở bất kỳ cương vị nào, Giáo sư cũng luôn gương mẫu, tận tuỵ với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được bạn bè đồng nghiệp và sinh viên quý mến. Với những thành tích đó, Giáo sư Nguyễn Đức Chính được Trung tâm tiểu sử quốc tế của nước Anh và Hoa Kỳ bình chọn danh hiệu "Nhà giáo dục tiêu biểu" năm 2006, được Giám đốc ĐHQGHN tặng giải thưởng công trình khoa học tiêu biểu năm 2003, được chọn là một trong "100 chân dung - một thế kỷ ĐHQGHN" nhân kỷ niệm 100 năm thành lập ĐHQGHN. Năm nay, 2010, Giáo sư vinh dự được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân vì đã có cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục của dân tộc.


Nhà giáo của nhân dân Đào Như Văn

               Trên 50 năm gắn bó với nghề thầy giáo cao quý, Nhà giáo nhân dân Đào Như Văn đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp trồng người cho vùng quê Hà Nam Ninh yêu dấu. Thầy quê gốc xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, vốn là  người hiếu học, năm 1952 thầy được gửi theo đường dây bộ đội ra vùng tự do học văn hoá. Những năm tháng học tập dưới mái trường kháng chiến đơn sơ ấm áp tình người như: Trường cấp 2 Tân Trào (Tuyên Quang), Trường kháng chiến Cù Chính Lan, Trường cấp 3 Liên khu Ba luôn in đậm trong tâm trí thầy.

              Tháng 8 năm 1960, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm, thầy được phân công về dạy ở Trường Trung cấp sư phạm Hà Nam Ninh, lúc đó đóng ở Phủ Lý. Sau đó, thầy được điều chuyển công tác về Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục (Bộ Giáo dục & Đào tạo), làm công tác thanh tra ở Ty giáo dục Nam Hà. Ở bất kỳ cương vị công tác nào, thầy luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm được giao. Những đóng góp quan trọng của thầy cho ngành giáo dục chính là những năm tháng đứng trên bục giảng hoặc làm công tác quản lý ở Trường cấp 3 Duy Tiên (Hà Nam), Trường cấp 3 Hoàng Văn Thụ (Vụ Bản, Nam Định). Đặc biệt, trên cương vị Hiệu trưởng Trường THPT Lý Nhân 25 năm và Trường THPT Dân lập Trần Hưng Đạo (huyện Lý Nhân) 13 năm liên tục, thầy đã góp phần tích cực bồi dưỡng đội ngũ giáo viên yêu nghề, giỏi việc, phát động thành công phong trào “dạy tốt, học tốt” tại các trường. Năm 1998, thầy vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và năm 2010 được phong tặng danh hiện Nhà giáo Nhân dân. Nhiều lớp học trò có công thầy dạy dỗ đã trở thành bác sĩ, kỹ sư, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang… đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, quê hương.

              Ở độ tuổi quá “thất thập cổ lai hy” thầy vẫn vui, vẫn khoẻ, thật cảm phục một tấm gương lao động hết mình vì tập thể. Thầy tâm sự về nghề, về tương lai của giáo dục đào tạo quê nhà. Bí quyết thành công của thầy, đó là sự tận tâm, tận lực với nghề, là các biện pháp thúc đẩy chất lượng giáo dục. Từ việc tranh thủ sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền trong việc xây dựng cơ sở, trường lớp khang trang; sự thân tình, chu đáo với đồng nghiệp, quan tâm chăm lo đời sống tinh thần, vật chất giúp mọi người an tâm công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

             Bên cạnh đó, thầy cùng ban giám hiệu trường luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên có nhiều hoạt động tích cực, thiết thực, tiêu biểu như: hưởng ứng Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Cuộc vận động “Ủng hộ đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung” với trị giá 4,5 triệu đồng tiền mặt, 200 bộ quần áo và 6,5 triệu tiền sách giáo khoa…

              Với cương vị Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Lý Nhân, thầy đã cùng tập thể Ban chấp hành hội xây dựng được tổ chức màng lưới hoạt động, vận động xây dựng quỹ và đã giúp đỡ, động viên được nhiều tập thể, học sinh vươn lên trong rèn luyện, đạt thành tích cao trong học tập. Đã bước sang tuổi 74, Nhà giáo nhân dân Đào Như Văn vẫn được Đại hội Khuyến học huyện Lý Nhân lần thứ 3 nhất trí bầu tái giữ vị trí Chủ tịch hội nhiệm kỳ 2011 – 2015.

 

Cô giáo mầm non hết lòng yêu nghề, mến trẻ

        NGƯT Nguyễn Thị Phượng sinh năm 1959 tại xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Tốt nghiệp sư phạm, cô về nhận công tác tại trường Mẫu giáo xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh - đơn vị có thành tích xuất sắc của huyện, do Anh hùng Nguyễn Thị Thảo làm hiệu trưởng. Những năm đầu thập kỷ 80, ngành học mầm non vô cùng gian nan, vất vả. Khó khăn là vậy, nhưng với tấm lòng yêu nghề, mến trẻ; với lương tâm và trách nhiệm của nhà giáo, cô đã cùng đồng nghiệp xây dựng phong trào mẫu giáo tại nhiều địa phương đạt được những kết quả tốt đẹp.

        Năm 1987, cô được điều về Trường Mẫu giáo thị trấn Đức Thọ, Hà Tĩnh, là ngôi trường mới thành lập, các cháu học tập và vui chơi trong một khuôn viên chật chội, thiếu ánh sáng, không đảm bảo vệ sinh. Cô đã cùng tập thể sư phạm nhà trường có nhiều biện pháp tích cực để từng bước xây dựng nhà trường. Từ một địa điểm chật chội, đến nay trường MN Thị trấn Đức Thọ với một khuôn viên rộng rãi, cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, giàu sắc màu sư phạm, là trường chuẩn Quốc gia. Thấp thoáng sau những rặng cây là những toà nhà cao tầng - là nơi học tập vui chơi cho hàng trăm các cháu là con của những người dân thị trấn Đức Thọ và vùng phụ cận. Tháng 9 năm 1995, cô Phượng được bổ nhiệm Hiệu trưởng, cô đã bồi dưỡng được nhiều đồng nghiệp trở thành giáo viên giỏi, cán bộ quản lý giỏi. Hơn 10 năm qua, trường MN Thị trấn Đức Thọ liên tục đạt danh hiệu đơn vị tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh, 2 lần lá cờ đầu của tỉnh, 1 lần được tặng cờ thi đua xuất sắc của Bộ GD&ĐT; Bằng khen Chính phủ, Huân chương Lao động hạng Ba, trường vinh dự được đón nhiều đoàn đại biểu trong và ngoài tỉnh về tham quan, học tập. Bản thân cô được tặng Bằng khen Chính phủ, Huân chương Lao động hạng Ba, Chiến sỹ thi đua toàn quốc và nhiều phần thưởng cao quý khác.

           Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam kính chúc các thầy, các cô mạnh khỏe, hạnh phúc, vững bước trên con đường của sự nghiệp trồng người!

                                                                              Ban Tuyên giáo - Nữ công; CĐGD Việt Nam

  


Các tin khác
Một số hình ảnh trong buổi Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập CĐGD Việt Nam (22/07/2051 - 22/07/2011) (16/08/2011)
KỈ NIỆM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ (27/7/1947 - 27/7/2011) (27/07/2011)
Phát động phong trào thi đua trong ngành Giáo dục & Đào tạo, giai đoạn 2010 - 2015 (22/10/2010)
CUỘC VẬN ĐỘNG “MỖI THẦY, CÔ GIÁO LÀ MỘT TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC, TỰ HỌC VÀ SÁNG TẠO” (12/10/2010)
Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động lớn trong ngành, động viên đội ngũ Nhà giáo phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học mới. (PGS. TS Trần Công Phong - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam) (30/07/2010)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 17691325
Online: 61
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn