Chuyên đề  
GD&TĐ- Bộ GD&ĐT Công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
(08:44, 15/09/2015)
Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể xin ý kiến góp ý rộng rãi trước khi hoàn thiện và ban hành chính thức, làm căn cứ để xây dựng chương trình môn học. 

>> Chi tiết dự thảo TẠI ĐÂY

Tăng dần nội dung học tự chọn từ lớp dưới lên lớp trên

Theo dự thảo, Giáo dục phổ thông 12 năm, gồm hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm tiểu học 5 năm và cấp THCS 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT 3 năm).

Các môn học ở cả 3 cấp học được chia thành môn học bắt buộc và môn học tự chọn. Các môn học tự chọn gồm 3 loại: Tự chọn tùy ý (học sinh có thể chọn hoặc không chọn – TC1); tự chọn trong nhóm môn học (học sinh buộc phải chọn một hoặc một số môn học trong nhóm môn học theo quy định trong Chương trình – TC2); tự chọn trong môn học (học sinh buộc phải chọn một số nọi dung trong một môn học – TC3).

Việc tổ chức dạy học tự chọn dựa trên nhu cầu của học sinh và trong khả năng đáp ứng về điều kiện dạy học (giáo viên, phòng học, thời gian...) của nhà trường.
 
 
 
 
 
Tỷ lệ môn học tự chọn hoặc nội dung học tự chọn tăng dần từ lớp dưới lên lớp trên.

Cụ thể, ở tiểu học, các môn bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Thể dục, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta (lớp 1, 2, 3), Tìm hiểu tự nhiên (lớp 4, 5), Tìm hiểu xã hội (lớp 4, 5).

Ngoài các môn bắt buộc, học sinh được tự chọn tùy ý: Ngoại ngữ 2, Tiếng dân tộc; tự chọn trong môn học gồm: Kỹ thuật – Tin học, Thể thao, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Ở THCS, học sinh phải học bắt buộc các môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Thể dục, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội.

Ngoài ra, học sinh được tự chọn tùy ý: Ngoại ngữ 2, Tiếng dân tộc, Nghiên cứu khoa học kĩ thuật (lớp 8, 9); tự chọn trong môn học, gồm: Công nghệ, Tin học, Thể thao, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Giai đoạn định hướng nghề nghiệp (cấp THPT) có 4 môn bắt buộc: Ngữ văn 1, Toán 1, Công dân với Tổ quốc, Ngoại ngữ 1. Đồng thời, được tự chọn các môn học (từ lớp 10) và chuyên đề học tập (từ lớp 11), trong đó có những chuyên đề riêng về hướng nghiệp. Cụ thể như sau:

Tự chọn tùy ý, gồm: Nghiên cứu khoa học kỹ thuật, Ngoại ngữ 2;

Tự chọn trong nhóm môn học gồm 4 môn (lớp 10, 11) và 3 môn (lớp 12) trong các môn: Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn 2, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Toán 2, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội.

Nếu chọn môn Khoa học xã hội thì không chọn các môn: Lịch sử, Địa lý. Nếu chọn Khoa học tự nhiên thì không chọn các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học. Các môn Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên chỉ học ở lớp 10 và lớp 11.

Tự chọn trong môn học (TC3): Thể thao, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo (lớp 10, 11, 12) và Chuyên đề học tập (lớp 11, 12).

Bộ GD&ĐT cho biết: Trong cả cấp học THPT, học sinh có thể thay đổi môn học tự chọn và chuyên đề học tập tự chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp cá nhân, nhưng bắt buộc phải hoàn thành số lượng các môn học, chuyên đề học tập tối thiểu theo quy định trong Chương trình giáo dục. Chương trình dành một thời lượng nhất định để tạo điều kiện cho học sinh có thể thực hiện sự thay đổi này.

Nhà trường có thể mời giáo viên thỉnh giảng, gửi học sinh sang học ở trường lân cận, linh hoạt bố trí nhóm/lớp học sinh... để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu học tự chọn cho học sinh.

Do đó, việc này có thể khác nhau giữa các trường, các địa phương. Đối với từng trường thì năm sau có thể khác năm trước vì nhà trường ngày càng phát triển thì càng tăng khả năng đáp ứng nhu cầu học tự chọn của học sinh.

Hình dung cụ thể về các lĩnh vực giáo dục và môn học

Chương trình giáo dục phổ thông có 8 lĩnh vực giáo dục, bao gồm: Ngôn ngữ và văn học; Toán học; Đạo đức – Công dân; Thể chất; Nghệ thuật; Khoa học tự nhiên; Khoa học xã hội; Công nghệ - Tin học.

Với lĩnh vực giáo dục Ngôn ngữ và văn học: Giáo dục ngôn ngữ được thực hiện ở tất cả các môn học, trong đó Tiếng Việt/ Ngữ văn, Ngoại ngữ và Tiếng dân tộc có vai trò chủ đạo. Giáo dục văn học được thực hiện chủ yếu ở môn học Tiếng Việt/ Ngữ văn.

Tiếng Việt/ Ngữ văn là môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Cụ thể: Giai đoạn giáo dục cơ bản, môn học có tên Tiếng Việt ở cấp tiểu học và Ngữ văn ở cấp THCS.

Trong những năm gần đây Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường triển khai nhiều đổi mới về nội dung, hình thức và phương pháp dạy học, đạt kết quả tốt, như: Dạy học một số môn và chuyên đề học tập tích hợp, học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật, hoạt động trải nghiệm sáng tạo…
Giai đoạn THPT, môn học được tổ chức thành hai phần bắt buộc và tự chọn. Phần bắt buộc có tên Ngữ văn 1, tiếp nối các mạch nội dung đã học từ giai đoạn giáo dục cơ bản, nhưng chú ý nhiều hơn đến tính chất công cụ của môn học.

Phần tự chọn có tên Ngữ văn 2, gồm các phân môn Văn học, Luyện đọc và Luyện viết.

Ngoại ngữ 1 là môn bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12. Ngoại ngữ 2 là môn học tự chọn tùy ý, có thể bắt đầu và kết thúc học ở bất kỳ lớp nào trong các lớp từ 3 đến 12, tùy theo nhu cầu của học sinh và khả năng đáp ứng của nhà trường.

Tiếng dân tộc là môn học tự chọn tùy ý, có thể bắt đầu và kết thúc học ở bất kỳ lớp nào trong giai đoạn từ lớp 3 đến lớp 9.

Giáo dục Toán học được thực hiện ở nhiều môn học như: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học... Trong đó, môn Toán là môn học cốt lõi.

Môn Toán là môn bắt buộc ở tiểu học và THCS, xoay quanh và tích hợp 3 mạch kiến thức: Số và Đại số, Hình học và Đo lường, Thống kê và Xác suất.

Ở THPT, môn Toán gồm môn Toán 1 (bắt buộc với tất cả học sinh) và Toán 2 là môn học tự chọn. Môn Toán 1 được phát triển dựa trên cơ sở nội dung nền tảng đã trang bị cho học sinh ở giai đoạn giáo dục cơ bản, được lựa chọn từ những vấn đề cần thiết nhất, mang tính ứng dụng cao đối với tất cả học sinh với các định hướng nghề nghiệp khác nhau sau THPT.

Môn Toán 2 trước hết nhằm giải thích, chứng minh những vấn đề thiết yếu đã được trang bị trong môn Toán 1; sau đó nhằm c ung cấp bổ sung các kiến thức, kĩ năng, năng lực Toán cần thiết cho học sinh có nguyện vọng học một số nhóm khối, nhóm ngành nghề đào tạo sau THPT; được thiết kế trên cơ sở tiếp nối, phát triển từ nội dung bắt buộc theo hướng cấu trúc thành các mô đun phù hợp với nhóm ngành nghề đào tạo mà bản thân học sinh hướng tới.

Lĩnh vực giáo dục Đạo đức – Công dân: Tất cả các môn học, nhất là các môn thuộc khoa học xã hội và hoạt động trải nghiệm sáng tạo đều góp phần giáo dục đạo đức – công dân. Trong đó, Giáo dục lối sống (ở tiểu học), Giáo dục công dân (THCS) và Công dân với Tổ quốc (THPT) là các môn học cốt lõi, bắt buộc.

Lĩnh vực giáo dục Thể chất: Được thể hiện ở một số môn học như: Thể dục, Sinh học, Công nghệ, các hoạt động thể thao, trải nghiệm sáng tạo,... Trong đó, môn học cốt lõi là Thể dục – Thể thao. Thể dục là nội dung học từ lớp 1 đến lớp 9; thể thao là hoạt động tự chọn trong môn học của học sinh lớp 1 đến lớp 12.

Lĩnh vực giáo dục Nghệ thuật: Được thể hiện thông qua nhiều môn học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo, trong đó có hai môn học cốt lõi là Mỹ thuật và Âm nhạc. Kiến thức cơ bản về Mỹ thuật và Âm nhạc là nội dung học ở giai đoạn giáo dục cơ bản. Các hoạt động Mỹ thuật, Âm nhạc là tự chọn ở tất cả các lớp học và cũng có nhiều trong hoạt động trải nghiệm sáng tạo.

Lĩnh vực giáo dục Khoa học xã hội: Được thực hiện ở nhiều môn học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo, trong đó các môn học cốt lõi tiếp nối nhau là: Cuộc sống quanh ta (các lớp 1, 2, 3); Tìm hiểu Xã hội (các lớp 4, 5), Khoa học xã hội (bắt buộc ở cấp THCS và tự chọn cho học sinh định hướng khoa học tự nhiên ở lớp 10, 11); Lịch sử, Địa lý (tự chọn cho học sinh định hướng khoa học xã hội ở cấp THPT).

Lĩnh vực giáo dục Khoa học tự nhiên: Được thực hiện trong nhiều môn học nhưng chủ yếu là các môn học: Cuộc sống quanh ta (các lớp 1, 2, 3), Tìm hiểu tự nhiên (lớp 4, 5), Khoa học tự nhiên (cấp THCS) và Khoa học tự nhiên (cho học sinh định hướng khoa học xã hội, lớp 10, 11); các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học (cho học sinh định hướng khoa học tự nhiên cấp THPT).

Lĩnh vực giáo dục Công nghệ - Tin học: Được thực hiện ở các môn học như: Công nghệ, Tin học, Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học tự nhiên,... trong đó các môn học cốt lõi ở cấp tiểu học là Kỹ thuật – Tin học; ở cấp THCS, THPT là Công nghệ và Tin học.

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo: Dành cho học sinh từ lớp 1 đến 12, gồm phần bắt buộc (bao gồm các hoạt động tập thể) và tự chọn. Hoạt động này sử dụng các hình thức và phương pháp chủ yếu: Thực địa, thăm quan, câu lạc bộ, hoạt động xã hội/tình nguyện, diễn đàn, giao lưu, hội thảo, trò chơi, căm trại, thực hành lao động...

Nghiên cứu khoa học kỹ thuật: Đây là hoạt động giáo dục nhằm khuyến khích học sinh trung học (từ lớp 8 đến 12) nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống. 

Phương pháp, hình thức tổ chức nghiên cứu khoa học kỹ thuật được tiến hành thông qua các đề tài, dự án học tập, công trình nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của một số học sinh hay nhóm học sinh với sự giúp đỡ, hướng dẫn của người hướng dẫn nghiên cứu; các cuộc thi được tổ chức ở địa phương, quốc gia và tham gia các cuộc thi quốc tế...

Chuyên đề học tập: Dành cho học sinh các lớp THPT tự chọn với thời lượng mỗi chuyên đề khoảng 15 tiết. Phương pháp dạy học chủ yếu là khuyến khích học sinh tự học, làm việc theo nhóm, xemina, thực hiện dự án học tập, thực hành thí nghiệm ở phòng học bộ môn, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ quan văn hóa...

Tự học có hướng dẫn: Đối với các trường tiểu học thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, ngoài các môn học, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, ở tất cả các lớp đều có hoạt động tự học có hướng dẫn. Với trường tiểu học dạy 1 buổi/ngày thì không có điều kiện thiết kế hoạt động này trong chương trình giáo dục. Các trường căn cứ điều kiện cụ thể để linh hoạt thực hiện.

Chương trình tổng thể là phương hướng và kế hoạch khái quát toàn bộ Chương trình giáo dục phổ thông, trong đó quy định những vấn đề chung của giáo dục phổ thông, bao gồm:

Quan điểm xây dựng Chương trình; mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông và mục tiêu chương trình của từng cấp học; yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung của học sinh cuối mỗi cấp học; các lĩnh vực giáo dục giáo dục và hệ thống các môn học; thời lượng của từng môn học; 

Định hướng nội dung giáo dục bắt buộc ở từng lĩnh vực giáo dục và phân chia vào các môn học ở từng cấp học đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc; định hướng về phương pháp; hình thức tổ chức giáo dục và cách thức đánh giá chất lượng giáo dục của từng môn học; điều kiện tối thiểu của nhà trường để thực hiện Chương trình.

>> >> Chi tiết dự thảo TẠI ĐÂY

Hiếu Nguyễn

  


Các tin khác
Chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm năm học 2015-2016 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên (03/09/2015)
BÁO CÁO TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN NĂM HỌC 2014 - 2015; PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM HỌC 2015 - 2016 (31/08/2015)
(TG) - Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (18/08/2015)
Thông báo Kết quả xét khen thưởng năm học 2014 - 2015 của Hội đồng Thi đua khen thưởng CĐGD Việt Nam (24/07/2015)
Công đoàn Giáo dục Việt Nam – Tự hào truyền thống 64 năm xây dựng và phát triển (22/07/2015)
Công văn đề nghị CĐGD các tỉnh, thành phố rà soát biểu thống kê năm học 2014 - 2015 (14/07/2015)
Hướng dẫn Tuyên truyền kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, nguyên Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam khóa IV (01/7/1915 - 01/7/2015) (16/06/2015)
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tăng cường tuyên truyền thực thi Luật PCTH của thuốc lá (15/06/2015)
Quyết định về việc công nhận bổ sung Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam khóa XIV, nhiệm kỳ 2013 - 2018 (04/06/2015)
GD&TĐ - Công đoàn giáo dục phối hợp tổ chức thi THPT quốc gia (03/06/2015)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 17709847
Online: 1201
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn