NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 49 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2024) VÀ 138 NĂM NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG (1/5/1886 - 1/5/2024)VÀ 70 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2024)

Văn bản  

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
 
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc 
 
Số: 04/HD-CĐN
Hà Nội, ngày 17 tháng 3 năm 2017

 

 
HƯỚNG DẪN
Công tác nhân sự ban chấp hành tại đại hội công đoàn giáo dục các cấp
 tiến tới Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2018 - 2023

 

Căn cứ Hướng dẫn số 134/HD-TLĐ, ngày 07/02/2017 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Hướng dẫn công tác nhân sự ban chấp hành tại đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2018 - 2023; Hướng dẫn số 132/HD-TLĐ, ngày 07/02/2017 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Hướng dẫn một số nội dung thực hiện kế hoạch số 52/KH-TLĐ ngày 28/11/2016 về tổ chức đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XII Công đoàn Việt Nam,

Ban Thường vụ Công đoàn Giáo dục Việt Nam hướng dẫn công tác nhân sự ban chấp hành tại đại hội công đoàn giáo dục các cấp, tiến tới Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2018 - 2023 như sau:

A. YÊU CẦU XÂY DỰNG BAN CHẤP HÀNH VÀ TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN, CƠ CẤU BAN CHẤP HÀNH

I. Yêu cầu xây dựng ban chấp hành:

1. Ban chấp hành công đoàn do đại hội bầu ra phải thực sự có bản lĩnh đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ).

2. Xây dựng Ban chấp hành công đoàn phải lấy chất lượng, tiêu chuẩn là chính; có số lượng và cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện ở các cấp, các địa bàn và lĩnh vực hoạt động Công đoàn. Những nơi cần cơ cấu ủy viên ban chấp hành nhưng không lựa chọn được người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì không gò ép giới thiệu người tham gia ban chấp hành.

4. Việc giới thiệu nhân sự phải đảm bảo dân chủ, công khai, đúng quy trình, quy định  Điều lệ Công đoàn Việt Nam và hướng dẫn của công đoàn cấp trên.

II. Tiêu chuẩn chung của ủy viên ban chấp hành:

1. Có bản lĩnh chính trị vững vàng; nhiệt tình, tâm huyết với sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn; có uy tín, có phương pháp hoạt động quần chúng và khả năng đoàn kết tập hợp được đông đảo CBNGNLĐ; có tinh thần đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CBNGNLĐ trong ngành.

2. Có năng lực tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào lĩnh vực công tác Công đoàn và tham gia quyết định các chủ trương công tác của ban chấp hành công đoàn; có hiểu biết về pháp luật, ngành nghề; có năng lực tham gia quản lý và tổ chức các hoạt động công tác công đoàn.

3. Có tinh thần trách nhiệm trong công việc; có sức khoẻ, đạo đức tốt; có lối sống lành mạnh, trung thực, giản dị; không cục bộ bản vị, cơ hội; không lãng phí, tham nhũng và bao che cho tham nhũng, kiên quyết chống tham nhũng và lãng phí.

Đối với các đơn vị ngoài công lập và các đơn vị sản xuất kinh doanh, đoàn viên ứng cử hoặc đề cử tham gia ban chấp hành CĐCS, ngoài việc đáp ứng tiêu chuẩn chung, phải có trình độ chuyên môn, tay nghề vững vàng, có tinh thần giúp đỡ đồng nghiệp, là đoàn viên đang sinh hoạt tại công đoàn cơ sở và đóng đoàn phí đầy đủ từ 01 năm trở lên.

III. Điều kiện tham gia Ban chấp hành:

Người được giới thiệu tham gia ban chấp hành cần có các điều kiện sau:

1. Đảm bảo tiêu chuẩn, có lý lịch rõ ràng, tự nguyện và có điều kiện tham gia các hoạt động của ban chấp hành.

2. Người tham gia lần đầu: Có đủ tuổi công tác để đảm nhiệm ít nhất một nhiệm kỳ đại hội công đoàn.

3. Người tái cử: Có đủ tuổi công tác để đảm nhiệm ít nhất 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên. Những trường hợp còn thời gian công tác dưới 1/2 nhiệm kỳ sẽ do công đoàn cấp trên và cấp ủy cùng cấp xem xét, quyết định cụ thể.

Đối với các đơn vị ngoài công lập và các đơn vị sản xuất kinh doanh, nếu chủ tịch CĐCS đương nhiệm không đủ tuổi tái cứ chức danh chủ tịch CĐCS thì công đoàn cấp trên trực tiếp trao đổi với cấp ủy tại đơn vị đó xem xét, quyết định.

IV. Cơ cấu Ban chấp hành công đoàn:

1. Ban chấp hành công đoàn giáo dục các cấp cần có số lượng hợp lý, cơ cấu đảm bảo tính đại diện của đoàn viên theo các lĩnh vực, địa bàn, để đáp ứng lãnh đạo, triển khai tổ chức thực hiện kịp thời nghị quyết của các cấp công đoàn đến đông đảo CBNGNLĐ và thực hiện tốt nhiệm vụ ở mỗi cấp công đoàn.

2. Công tác chuẩn bị nhân sự thực hiện theo quy trình dân chủ, công khai, đúng nguyên tắc, nhưng nhất thiết không vì cơ cấu mà làm giảm chất lượng ủy viên Ban chấp hành.

3. Ban chấp hành công đoàn các cấp cần có 3 độ tuổi: dưới 40 tuổi không (dưới 10%), từ 40 đến dưới 50 tuổi (40-50%), còn lại từ 50 tuổi trở lên; đảm bảo tính kế thừa, phát triển; phấn đấu tỷ lệ nữ tham gia ban chấp hành đạt khoảng 30%.

Nơi nào chưa chuẩn bị nhân sự đủ cơ cấu theo quy định thì tiến hành bầu cử ban chấp hành với số lượng ít hơn, số còn lại sẽ bổ sung trong nhiệm kỳ đạt chỉ tiêu cơ cấu theo quy định, nhưng số lượng ít hơn không quá 10% tổng số ủy viên ban chấp hành.

B. CÔNG TÁC CHUẨN BỊ NHÂN SỰ BAN CHẤP HÀNH

I. Rà soát, bổ sung quy hoạch:

Công đoàn giáo dục các cấp tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch để chuẩn bị nguồn nhân sự khóa mới.

II. Thành lập Tiểu ban nhân sự:

1. Ban Thường vụ (hoặc ban chấp hành ở những nơi không có ban thường vụ) quyết định thành lập tiểu ban nhân sự đại hội, do đồng chí chủ tịch làm trưởng tiểu ban; các phó chủ tịch, chủ nhiệm UBKT và một số ủy viên ban thường vụ/ban chấp hành (nếu cần) làm thành viên.

Tiểu ban nhân sự có nhiệm vụ giúp ban thường vụ hoặc ban chấp hành đương nhiệm xây dựng phương hướng cấu tạo ban chấp hành khoá mới, quy trình và kế hoạch giới thiệu nhân sự; triển khai thực hiện quy trình và kế hoạch nhân sự, lập danh sách nhân sự dự kiến tham gia ban chấp hành khoá mới; làm việc với cấp uỷ, chính quyền, cơ quan chuyên môn, đoàn thể liên quan trong công tác chuẩn bị nhân sự.

III. Quy trình giới thiệu nhân sự ban chấp hành trước đại hội:

1. Lấy ý kiến các ủy viên ban chấp hành (lần 1)

1.1. Ban thường vụ (hoặc ban chấp hành ở những nơi không có ban thường vụ) triệu tập hội nghị ban chấp hành mở rộng, (thành phần gồm: các ủy viên ban chấp hành và chủ tịch hoặc phó chủ tịch các đơn vị trực thuộc) để phổ biến, quán triệt chủ trương tiến hành đại hội, phương hướng cấu tạo ban chấp hành khoá mới, kế hoạch và quy trình giới thiệu nhân sự và lấy ý kiến giới thiệu của các ủy viên ban chấp hành

1.2. Gửi phiếu hỏi ý kiến (theo mẫu phiếu M1), kèm theo danh sách ban chấp hành đương nhiệm để từng ủy viên ban chấp hành có ý kiến về các vấn đề sau:

- Nguyện vọng cá nhân ủy viên ban chấp hành có tiếp tục tham gia hay không tham gia ban chấp hành khoá mới (lý do).

- Đề xuất ý kiến của mình về các ủy viên ban chấp hành đương nhiệm tiếp tục tham gia, hoặc không tiếp tục tham gia ban chấp hành khoá mới.

- Giới thiệu nhân sự ngoài ban chấp hành đương nhiệm tham gia ban chấp hành khóa mới.

Số phiếu lấy ý kiến được cho vào phong bì, niêm phong và gửi Tiểu ban nhân sự đại hội.

2. Lấy ý kiến giới thiệu của các cấp công đoàn.

2.1. Căn cứ phương hướng cấu tạo ban chấp hành khoá mới, tiểu ban nhân sự dự kiến phân bổ số lượng, cơ cấu nhân sự giới thiệu ban chấp hành, trình ban thường vụ (hoặc ban chấp hành ở những nơi không có ban thường vụ) thông qua và chỉ đạo các cấp công đoàn giới thiệu nhân sự. Số lượng đề nghị giới thiệu phải nhiều hơn số lượng ban chấp hành mới ít nhất là 10%.

2.2. Tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt tại cấp công đoàn có cơ cấu được phân bổ để lấy phiếu giới thiệu nhân sự.

- Từng cấp công đoàn có cơ cấu được phân bổ tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt (ban chấp hành;ủy ban kiểm tra; chủ tịch, phó chủ tịch các công đoàn trực thuộc) giới thiệu người tham gia ban chấp hành. Đối với công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận, thành phần hội nghị cán bộ chủ chốt do ban chấp hành cấp triệu tập quyết định.

- Các hội nghị lấy ý kiến giới thiệu của cấp nào do ban thường vụ (hoặc ban chấp hành ở những nơi không có ban thường vụ) công đoàn cấp đó triệu tập và chủ trì. Đối với hội nghị cán bộ cơ quan Công đoàn Giáo dục Việt Nam, giao cho Thủ trưởng cơ quan và Ban Chấp hành CĐCS Cơ quan chủ trì, đối tượng lấy ý kiến từ chuyên viên trở lên.

- Nội dung các hội nghị lấy ý kiến:

+ Quán triệt mục đích, yêu cầu phương hướng cấu tạo ban chấp hành khoá mới; hướng dẫn ghi phiếu, bỏ phiếu giới thiệu, thảo luận làm rõ các vấn đề liên quan được hội nghị đặt ra.

+ Từng đồng chí được hỏi ý kiến lựa chọn người đủ tiêu chuẩn và điều kiện, phù hợp với cơ cấu, tiêu biểu cho địa phương, ngành, đơn vị để ghi vào phiếu (theo mẫu phiếu M2).

- Sau khi tập hợp danh sách giới thiệu, ban thường vụ (hoặc ban chấp hành ở những nơi không có ban thường vụ) cấp triệu tập báo cáo xin ý kiến cấp uỷ đảng cùng cấp và gửi danh sách giới thiệu chính thức về tiểu ban nhân sự đại hội công đoàn cấp trên.

Chú ý: Tổ chức hội nghị lấy ý kiến là chính. Trường hợp các đối tượng lấy ý kiến làm việc ở nhiều địa phương, phân tán, khó tổ chức hội nghị thì có thể gửi công văn nói rõ yêu cầu, kèm theo phiếu lấy ý kiến đến từng người.

3. Tổng hợp kết quả giới thiệu.

- Tiểu ban nhân sự tổng hợp tình hình giới thiệu nhân sự, lập danh sách người được giới thiệu tham gia ban chấp hành khóa mới, báo cáo ban thường vụ.

- Tổ chức hội nghị ban thường vụ để xem xét báo cáo của tiểu ban nhân sự về kết quả lấy ý kiến các uỷ viên ban chấp hành, kết quả giới thiệu của các cấp công đoàn; thảo luận và thông qua danh sách người được giới thiệu để báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng đồng cấp, công đoàn cấp trên trước khi lấy ý kiến ban chấp hành lần 2

4. Lấy ý kiến các ủy viên ban chấp hành (lần 2).

Ban thường vụ triệu tập hội nghị ban chấp hành, thực hiện các công việc:

4.1. Ban Thường vụ báo cáo danh sách và lý do các uỷ viên ban chấp hành đương nhiệm tiếp tục tham gia hoặc không tiếp tục tham gia khoá mới, báo cáo kết quả giới thiệu của các ủy viên ban chấp hành và của các cấp công đoàn và danh sách tổng hợp nhân sự được giới thiệu. Đề nghị các ủy viên ban chấp hành lựa chọn người tham gia ban chấp hành, đồng thời giới thiệu ban thường vụ, chủ tịch, phó chủ tịch.

4.2. Căn cứ phương hướng cấu tạo ban chấp hành khoá mới, trên cơ sở danh sách nhân sự được giới thiệu, tiểu ban nhân sự  xin ý kiến các uỷ viên ban chấp hành lựa chọn, giới thiệu người tham gia ban chấp hành, ban thường vụ, chủ tịch, các phó chủ tịch (theo mẫu phiếu M3)

Tiểu ban nhân sự thu phiếu, kiểm phiếu và báo cáo kết quả với hội nghị. Căn cứ số lượng dự kiến của ban chấp hành, những đồng chí đạt trên 50% (theo thứ tự từ cao xuống thấp) tổng số ủy viên ban chấp hành đương nhiệm giới thiệu sẽ được đưa vào danh sách giới thiệu với đại hội. Nếu danh sách chưa tập trung thì ban chấp hành phải tiến hành bỏ phiếu lựa chọn tiếp cho đến khi danh sách phù hợp với số lượng dự kiến.

5. Hoàn thiện danh sách nhân sự.

- Sau khi có danh sách giới thiệu chính thức, ban thường vụ báo cáo cấp ủy đảng và công đoàn cấp trên trực tiếp cho ý kiến về nhân sự để hoàn chỉnh trước khi tiến hành đại hội.

- Hoàn chỉnh báo cáo cấu tạo ban chấp hành, báo cáo chuẩn bị nhân sự và danh sách nhân sự để trình ra đại hội. Đồng thời hoàn chỉnh hồ sơ nhân sự được giới thiệu; xử lý dứt điểm đơn thư khiếu nại tố cáo… để trình ra đại hội khi có yêu cầu.

* Lưu ý : Trong quá trình chuẩn bị nhân sự ban chấp hành, thì đồng thời chuẩn bị nhân sự ủy ban kiểm tra khóa mới (quy trình giới thiệu nhân sự ủy ban kiểm tra thực hiện như quy trình giới thiệu nhân sự ban chấp hành).

IV. Công tác nhân sự trong đại hội:

1. Ban chấp hành báo cáo tại đại hội các vấn đề về nhân sự ban chấp hành khoá mới, gồm:

- Phương hướng cấu tạo ban chấp hành (số lượng, tiêu chuẩn, cơ cấu) để đại hội xem xét, thông qua (lưu ý: Đại hội chỉ thảo luận đê án ban chấp hành khóa mới. Đề án ban thường vụ do ban chấp hành khóa mới họp phiên thứ nhất thông qua).

- Quá trình chuẩn bị nhân sự ban chấp hành và danh sách nhân sự do ban chấp hành đương nhiệm giới thiệu để đại hội tham khảo (không đọc danh sách tại hội trường mà chuyển danh sách về các tổ thảo luận).

2. Đại hội thảo luận và tiến hành ứng cử, đề cử ban chấp hành:

- Chia tổ thảo luận (phân công tổ trưởng, tổ phó, thư ký)

- Căn cứ phương án cấu tạo ban chấp hành khoá mới được đại hội thông qua, tham khảo danh sách nhân sự ban chấp hành đương nhiệm giới thiệu, từng tổ tiến hành đề cử, ứng cử và thảo luận, thống nhất danh sách đề cử, ứng cử.

- Tập hợp kết quả giới thiệu của các tổ. Nếu danh sách giới thiệu số lượng phù hợp với số lượng đại hội thông qua thì kết thúc thảo luận tổ. Nếu danh sách nhiều hơn so với số lượng quy định thì các tổ thảo luận tiếp để thu gọn lại (chỉ đối với các tổ mà nhân sự chưa tập trung theo số lượng đại hội đã thông qua)

3. Đoàn Chủ tịch đại hội tổng hợp danh sách những người ứng cử và đề cử vào ban chấp hành để Đại hội biểu quyết thông qua danh sách bầu cử (danh sách bầu cử xếp theo thứ tự bảng chữ cái tiếng Việt và phải nhiều hơn số lượng được bầu ít nhất 10%). Sau đó đại hội bầu ban chấp hành khóa mới

4. Sau khi đại hội bầu được ban chấp hành khóa mới, ban chấp hành họp phiên thứ nhất để thảo luận đề án ban thường vụ, số lượng phó chủ tịch và ủy ban kiểm tra. Tiến hành các bước bầu ban thường vụ, chủ tịch, phó chủ tịch, ủy ban kiểm tra và chủ nhiệm ủy ban kiểm tra theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XI.

Trường hợp nhân sự được chuẩn bị cho các chức danh chủ chốt (chủ tịch, phó chủ tịch) không trúng cử ban chấp hành hoặc ban thường vụ thì ban thường vụ đề xuất nhân sự khác và báo cáo xin ý kiến cấp ủy đảng cùng cấp và công đoàn cấp trên xem xét quyết định.

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Ban Chấp hành, Ban Thường vụ công đoàn: Đại học quốc gia Hà Nội, các Đại học vùng, cơ quan Bộ GD&ĐT, các công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Giáo dục Việt Nam cần tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, cụ thể hóa các nội dung Hướng dẫn này cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị để chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn cấp dưới và tổ chức thực hiện ở cấp mình. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị đơn vị báo cáo về Công đoàn Giáo dục Việt Nam (qua Ban Tổ chức) để thống nhất thực hiện./.

 

 
Nơi nhận:
- Các UV BCH CĐGD Việt Nam;
- CĐ Cơ quan Bộ GD&ĐT,
CĐ ĐH Quốc gia HN, CĐ các đại học vùng;
- Các CĐCS trực thuộc;
- Các ban thuộc CĐGD VN;
- Lưu: VT, BTC.
 
TM. BAN THƯỜNG VỤ
CHỦ TỊCH
 
 
(đã ký)
 
 
Vũ Minh Đức

 

Tải file về:  Hướng dẫn kèm biểu mẫu

   

 

 




 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn